Malaysia điều tra cáo buộc bác sĩ nhận hối lộ để cấp chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 khống

31/08/2021 - 20:30

PNO - Hôm 31/8, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cho biết sẽ điều tra các cáo buộc liên quan đến việc các bác sĩ nhận hối lộ từ những người từ chối vắc xin COVID-19 để đổi lấy giấy chứng nhận đã tiêm ngừa “khống”.

Ông Azam Baki - người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) - cho biết đã nhận được nhiều đơn thư từ công chúng, tố cáo một số người của lực lượng y tế đã nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 cho một số cá nhân, mặc dù thực tế những cá nhân này không hề được tiêm.

Một nhân viên y tế tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 cho nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Sunway ở Subang Jaya, ngoại ô Kuala Lumpua
Một nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế Sunway ở Subang Jaya, ngoại ô Kuala Lumpur

“Hành động này không chỉ liên quan đến vấn đề tham nhũng, mà còn làm tổn hại đến danh tiếng của những người hành nghề y, làm hoen ố hình ảnh của họ, nếu vấn đề đã thực sự xảy ra như vậy. Trước nay, MACC chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến vấn đề này, nhưng chúng tôi sẽ điều tra và cử tình báo đến các địa điểm bị nghi ngờ đã xảy ra hành vi này để tìm hiểu”, ông Baki cho biết.

Gần đây, tờ The Star của Malaysia đã đưa tin một số cơ sở y tế ở Penang đã liên tục nhận được các cuộc gọi từ những người phản đối việc tiêm vắc xin, đề nghị mua giấy chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 kỹ thuật số khống.

Hiện, những người đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ ở Malaysia không phải tuân thủ nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt so với những người chưa tiêm. Chẳng hạn, những người được tiêm chủng đầy đủ ở các bang và vùng lãnh thổ thuộc giai đoạn 1 của Dự án Khôi phục quốc gia (NRP) ở nước này được phép dùng bữa bên trong các nhà hàng. Họ cũng có thể đi chợ đêm và các phiên chợ hàng tuần.

Hôm 30/8, Thủ tướng Malaysia - Ismail Sabri Yaakob đã kêu gọi người dân nước này nhanh chóng tiêm vắc xin để giúp đất nước phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong tuần qua, nước này đã phải đương đầu với một đợt bùng phát mạnh với số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày lên đến 20.000. Riêng trong ngày 31/8, Malysia ghi nhận 20.897 trường hợp nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 1,7 triệu với tổng cộng hơn 16.000 ca tử vong.

Tính đến 30/8, gần 64% dân số trưởng thành ở Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ, và chính phủ đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 100% vào cuối tháng 10.

Đầu tháng 8, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng đã cho biết chính phủ Malaysia sẽ công bố các biện pháp đối với các nhóm phản đối việc tiêm vắc xin.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu về những đối tượng này, tìm hiểu xem họ chưa tiêm vắc xin vì sợ các phản ứng của nó hay thật sự không tin vào tác dụng của nó. Nếu nhóm này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ thì đây không phải là điều đáng quan ngại. Nhưng nếu tỷ lệ này lớn thì phải có các biện pháp mạnh hơn, trong đó không loại trừ việc bắt buộc tiêm ngừa theo quy định của pháp luật”, ông Yassin phát biểu, được tờ Bernama trích dẫn vào ngày 12/8.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI