Ma trận kit xét nghiệm nhanh COVID-19

10/12/2021 - 08:39

PNO - Với đủ chủng loại, giá cả, thị trường kit (bộ dụng cụ) xét nghiệm nhanh đang diễn ra sôi động và khiến người dùng không biết chọn mua loại nào cho ra kết quả đáng tin cậy.

Đủ loại kit xét nghiệm nhanh

Do công việc đòi hỏi phải đi lại nhiều nên thời gian gần đây, anh V.B.T. (quận Long Biên, TP. Hà Nội) tự mua kit và xét nghiệm (test) nhanh hằng tuần nhằm phát hiện sớm việc mình có mắc COVID-19 hay không. Thông thường, anh T. mua kit xét nghiệm nhanh tại hiệu thuốc với mức giá khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kit. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tìm hiểu trên mạng xã hội, anh thấy giá bán rẻ hơn mức này rất nhiều: “Có những nơi bán giá chỉ hơn 50.000 đồng/kit. Không rõ với giá rẻ như vậy thì có cho kết quả chính xác hay không”.

Nhiều bộ kit test nhanh không rõ nguồn gốc vẫn mua bán trôi nổi trên thị trường (trong ảnh: Một lô 3.000 kit test nhanh không rõ nguồn gốc bị Công an và Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ) - ẢNH: CƠ QUAN CHỨC NĂNG CUNG CẤP
Nhiều bộ kit test nhanh không rõ nguồn gốc vẫn mua bán trôi nổi trên thị trường (trong ảnh: Một lô 3.000 kit test nhanh không rõ nguồn gốc bị Công an và Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ) - Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Kit xét nghiệm nhanh COVID-19 đang được rao bán đầy trên các trang mạng xã hội với đủ loại, đủ xuất xứ khiến người mua cũng phải “chóng mặt”. Trong vai một người muốn mua hàng, chúng tôi được chủ một shop (cửa hàng) giới thiệu gần chục loại kit test khác nhau, từ hàng Trung Quốc, Hàn Quốc tới Đức. Các sản phẩm này chủ yếu chia làm hai dòng: lấy dịch hầu họng và lấy nước bọt. 

Chủ shop cho hay, thời gian gần đây, loại kit thử nước bọt đang được bán chạy hơn nhờ tiện lợi, dễ sử dụng và mức giá phải chăng. Kit test nước bọt của một hãng dược phẩm Đức chỉ có giá 61.000 đồng/bộ, trong khi kit test dịch hầu họng (ngoáy mũi) đắt hơn từ 80.000 đến trên 100.000 đồng/bộ. “Test nước bọt đơn giản, không thốn như ngoáy mũi, nên tiện dùng cho cả trẻ em. Chỉ cần khạc dịch đờm trong cổ họng ra rồi cho vào dung dịch và nhỏ vào khay thử là xong” - người bán hàng khẳng định, loại kit test này đã được cấp phép và đảm bảo độ chính xác lên tới trên 98%. 

Tuy nhiên, tại một shop khác, chúng tôi được giới thiệu loại kit xét nghiệm nhanh cùng loại nhưng giá 110.000 đồng/bộ. Chủ shop khẳng định, sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch, đã bao gồm thuế VAT nên có mức giá cao hơn các shop khác. 

Ngoài kit xét nghiệm nước bọt theo cách khạc đờm, nhiều shop còn bán loại kit ngậm que test ở dưới lưỡi, kết quả sẽ hiển thị sau khoảng 10 phút. Hầu hết các kit ngậm nước bọt trên thị trường được giới thiệu xuất xứ từ Đức và được lưu hành rộng rãi ở các nước châu Âu, tiện dùng cho trẻ em.

Nguy cơ lây nhiễm cao 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho hay, phương pháp test COVID-19 nhanh bằng nước bọt đã được nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các sản phẩm này chưa được cấp phép. “Khi đưa vào thị trường, mọi sản phẩm đều phải được Bộ Y tế kiểm nghiệm, đánh giá bởi các loại kit test có thể có độ nhạy khác nhau. Do đó, lúc này, chúng ta chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được cấp phép, để đảm bảo độ chính xác” - phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu nói.

Một loại test COVID-19 ngậm nước bọt được bán trên thị trường  nhưng chưa được cấp phép
Một loại test COVID-19 ngậm nước bọt được bán trên thị trường nhưng chưa được cấp phép

Cũng theo ông, người dân nên mua kit test nhanh ở các hiệu thuốc uy tín để có được nguồn hàng chất lượng, tránh nhầm lẫn với các sản phẩm chưa được cấp phép hoặc giả, nhái trên thị trường: “Kit test nhanh đòi hỏi độ chính xác cao nhằm tránh tình trạng người mắc COVID-19 nhưng vẫn xét nghiệm ra kết quả âm tính. Khi đó, các F0 (người mắc COVID-19) có thể chủ quan, tiếp tục giao lưu với nhiều người khiến dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, cũng có thể có tình trạng dương tính giả khiến người test cảm thấy hoang mang, lo lắng quá mức trong khi mình chưa mắc bệnh”. 

Trước tình trạng rao bán rầm rộ bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, mới đây, Bộ Y tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã khuyến cáo người dân không nên mua các kit test nhanh COVID-19 được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép.

Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng ở những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Chủ website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu, điều kiện giao dịch chung, các chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, đổi trả hàng, hoàn tiền, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Ngoài ra, nếu mua trực tiếp, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn các cửa hiệu thuốc có uy tín, đã được cấp phép và mặt hàng mua nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện Vụ Quản lý trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) cho hay, cục đã đăng danh sách các sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 đã được cấp phép lên trang web của cục. Người dân nên chọn mua các loại kit đã được ngành chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng và cho phép lưu hành.

Làm gì khi test ra dương tính?

Khi nhận kết quả test nhanh dương tính, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng. Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyên, trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn (TP. Hà Nội) - cho biết, nhiều người dân khi tự test nhanh cho kết quả dương tính đã đến thẳng bệnh viện này. Trong khi đó, ngành y tế TP. Hà Nội đã phân tuyến điều trị.

Theo đó, các F0 có thể điều trị tại nhà nếu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và không thuộc đối tượng có nguy cơ cao (già, có bệnh nền). Bệnh viện Thanh Nhàn là nơi điều trị bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 trong tháp điều trị COVID-19 nên không tiếp nhận các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Việc bệnh nhân tự ý đến các cơ sở y tế sẽ gây nên tình trạng quá tải, đồng thời làm tăng nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng. 

Liên quan tới vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyến cáo, sau khi có kết quả test nhanh dương tính, người dân cần báo cho chính quyền địa phương hoặc ban quản lý tại chung cư nơi mình đang sinh sống. Trong thời gian chờ đợi để được xét nghiệm lại, cần tự cách ly tại nhà. Sau đó, nếu kết quả khẳng định dương tính, chính quyền và y tế cơ sở sẽ quyết định việc điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hay tại các bệnh viện tùy vào yếu tố nguy cơ. 

Phát hiện nhiều vụ mua bán kit test nhanh không rõ nguồn gốc

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán kit test nhanh không rõ nguồn gốc.

Mới nhất, ngày 7/12, đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên) nhận được tin báo về việc một đối tượng đi xe máy chào bán kit test nhanh trên địa bàn nên đã phối hợp với cơ quan công an kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 200 bộ kit test nhanh do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc số hàng. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số hàng để xác minh, xử lý theo quy định.

Chiều 6/11, tại tỉnh Đắk Nông, Công an TP. Gia Nghĩa phát hiện một phụ nữ tên M.T.T. (sinh năm 1993, trú TP. Gia Nghĩa) đang bán 200 bộ kit test nhanh cho một người dân ở H.Đắk Song với giá hơn 20 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chị T. không cung cấp được hóa đơn, chứng từ kèm theo số hàng hóa và cho biết bản thân không có chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành y, dược.

Trước đó, ngày 18/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14 phát hiện và thu giữ hơn 3.000 que test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Liên quan đến việc mua bán kit test COVID-19, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra liên ngành để thanh tra/kiểm tra đột xuất tại các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mới đây, UBND TPHCM cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán 2022. Một trong những nội dung TPHCM sẽ thực hiện đó là thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất liên quan đến ngành y tế; đặc biệt là với hoạt động kinh doanh, sản xuất lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh, sản xuất mặt hàng trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, dược phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng.

  H.Lâm

Minh Quang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI