Lịch sử huy hoàng của muối

25/10/2023 - 07:16

PNO - Muối không chỉ là một thứ gia vị hay hàng hóa thông thường, có những thời điểm, nó đã trở thành công cụ để chiếm lĩnh quyền lực.

Cuốn sách Đời muối: Lịch sử thế giới của tác giả Mark Kurlansky mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện, bao quát về sự phát triển của việc khai thác sản xuất và buôn bán muối trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của nhân loại. Trong quá khứ, có những thời khắc, hạt muối đã thay đổi lịch sử của cả một dân tộc.

Nhà nghiên cứu Mark Kurlansky sẽ cùng người đọc khám phá tuần tự lịch sử của hạt muối, từ thời cổ đại đến tận thế kỷ XX. Từ đó, chúng ta thấy được vai trò của muối trong quá trình giao thương và phát triển công nghiệp ở nhiều lục địa trên thế giới. Sự phát triển và tồn vong của các đế chế vĩ đại trên thế giới đều gắn với hạt muối.

Những ghi chép đầu tiên về việc sản xuất muối xuất hiện vào năm 800 trước Công nguyên ở Trung Quốc dưới thời nhà Hạ. Người Trung Quốc thường sản xuất muối bằng cách đun sôi nước biển trong các bình bằng đất nung, khi nước bốc hơi hết, sẽ để lại các tinh thể muối. Khi nghề rèn phát triển, công cụ lao động bằng sắt như rìu và cuốc trở nên phổ biến, người ta khai thác thêm muối mỏ.

Cuốn sách Đời muối: Lịch sử thế giới của tác giả Mark Kurlansky. Ảnh: Huy Hoàng
Cuốn sách Đời muối: Lịch sử thế giới của tác giả Mark Kurlansky - Ảnh: Huy Hoàng

Vì muối là hàng hóa không thể thiếu trong đời sống, từ người giàu đến kẻ nghèo đều phải ăn muối, nên triều đình phong kiến Trung Quốc từ xưa đã coi “thuế muối” là một nguồn thu quan trọng trong ngân khố quốc gia. Nhiều cuộc tranh luận xung quanh việc thu thuế muối sao cho hợp lý. Thực tế đã cho thấy, nếu thuế muối và ngũ cốc bị đẩy lên quá cao, người dân sẽ nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền.

Ở Ai Cập cổ đại, để đổi lấy sự ủng hộ của dân chúng, nữ hoàng Cleopatra và em trai đã tặng muối và quả ô liu cho họ. Ngoài vàng, bạc và đá quý, muối cũng là thứ để thể hiện quyền lực và sự giàu sang của vua chúa.

Ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, trên bàn ăn của nhà vua và giới quý tộc luôn có những chiếc liễn được trang trí tinh xảo dùng để đựng muối. Liễn muối này sẽ được để trước mặt người quan trọng nhất của bữa tiệc. Đó có thể là chủ nhân bữa tiệc, hoặc vị khách quý được chủ nhà mời tới.

Muối quan trọng, bởi nó không chỉ là một loại gia vị đơn thuần như hạt tiêu hay nụ cây đinh hương. Trước kia, khi chưa có tủ lạnh, người dân khắp nơi trên thế giới đã dùng muối để bảo quản nhiều loại thực phẩm như: rau củ, thịt và đặc biệt là cá. Lúc bấy giờ, những cảng cá lớn trên thế giới thường được đặt gần những xưởng sản xuất muối.

Sản lượng muối được sản xuất mỗi năm và tình hình giao thương muối trên thị trường, liên quan mật thiết đến sự phát triển của ngành ngư nghiệp. Tương tự với các ngành chăn nuôi, người ta sẽ phải ngậm ngùi nhìn cá, thịt bò, thịt lợn, và rau củ bị hỏng, và thành thứ bỏ đi nếu không có muối. Điều này giải thích tại sao nền ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới đều có những món ướp muối.

Vào đầu thế kỷ XVIII, khi đến Việt Nam, người Pháp rùng mình khi thấy người dân địa phương muối mắm, họ đã phải sửng sốt vì người dân ở đây ăn một món nặng mùi, được chế biến từ “cá thối”, vì mùi của các loại mắm khiến họ cảm thấy khó chịu.

Thế nhưng, nước mắm nói riêng và các loại mắm cá, mắm hải sản không phải là món ăn đặc trưng của riêng người châu Á. Trước Công nguyên, người La Mã cũng chế ra một loại gia vị dạng lỏng được gọi là “garum”. Nó được sản xuất bằng việc trộn rất nhiều muối với ruột cá và một số loại cá nhỏ, rồi ủ trong bình đất nung.

Nước được tiết ra từ hỗn hợp cá và muối này, sau đó được lọc lại và sử dụng như một loại gia vị. Qua đây, có thể thấy nước garum và nước mắm của người Việt có nhiều điểm tương đồng.

Cá muối là món ăn truyền thống của người Thụy Điển. Ảnh: K.T.
Cá muối là món ăn truyền thống của người Thụy Điển - Ảnh: K.T.

Muối còn có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của nhiều nền văn hóa. Muối thường gắn liền với sự thanh tẩy và cam kết vĩnh hằng. Vào tối thứ Sáu, người Do Thái thường chấm bánh mì ngày Sababbath với muối. Trong Do Thái giáo, bánh mì là biểu tượng cho thức ăn, là món quà của Đức Chúa Trời. Việc chấm bánh mì vào muối để bảo quản nó, đồng nghĩa với việc gìn giữ giao ước của Đức Chúa Trời với những đứa con của Ngài.

Người ta luôn nghĩ muối có thể ngăn cản ma quỷ, nên ở các nhà hát biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, người ta thường rắc muối lên sân khấu trước giờ diễn. Người Anh cũng mang muối đến ngôi nhà mới để mong điều đen đủi sẽ không tìm đến họ.

Cuốn sách Đời muối: Lịch sử thế giới là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ, lớp lang, có hệ thống về văn hóa và lịch sử. Từ muối, người đọc còn tìm thấy nhiều thông tin thú vị liên quan đến các lĩnh vực khác như: chính trị, văn hóa, địa lý, địa chất… Tác giả Mark Kurlansky đã trình bày những câu chuyện thú vị xung quanh hạt muối bằng lối viết khúc chiết, dễ hiểu và khá dí dỏm.

                                                          Lê Hoàng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI