Lao động trẻ em - cái khó bó cái sai

30/11/2020 - 07:00

PNO - Có đứa cháu 14 tuổi đang ở quê, muốn vào TPHCM tìm việc làm nên bà Duyên - ở quận Tân Bình, TPHCM - dành cả buổi chiều rảo quanh chợ Tân Bình tìm việc cho cháu. Đến đâu, bà cũng nhận được cái lắc đầu của các chủ sạp. “Không phải họ chê cháu tôi là trẻ em, mà họ cần một trẻ có kinh nghiệm làm việc” - bà Duyên kể.

Nhộn nhịp thị trường lao động “nhí” 

Bà Duyên nêu lý do đi tìm việc cho cháu: “Nhà cháu rất nghèo, ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đợt bão lũ vừa qua khiến nhà nó càng thêm điêu đứng, nên nó muốn đi làm, kiếm tiền giúp gia đình”.

Vì gia cảnh, nhiều trẻ em phải sớm bươn chải mưu sinh (Trong ảnh: Trẻ mưu sinh về đêm ở TP.HCM) ẢNH: ĐỖ MINH
Vì gia cảnh, nhiều trẻ em phải sớm bươn chải mưu sinh (Trong ảnh: Trẻ mưu sinh về đêm ở TPHCM) Ảnh: Đỗ Minh

Chợ Tân Bình cách nhà bà Duyên chưa đầy 2km, đang rục rịch chuẩn bị hàng bán tết, nên bà hy vọng sẽ có sạp hàng nào đó nhận cháu vào làm. Gặp chủ sạp nào, bà đều khoe cô cháu tuy mới 14 tuổi nhưng phổng phao, khỏe mạnh và miệng lưỡi nhanh nhẹn. “Ai nghe cũng thích, nhưng họ hỏi có kinh nghiệm bán hàng chưa, vì đang vô mùa tết, không còn thời gian để đào tạo” - bà Duyên kể.

Chợ Tân Bình bỏ sỉ nhiều mặc hàng gia công, thu hút một lực lượng lao động nhất định, trong đó có nhiều lao động chưa thành niên. Chiều 28/11, tôi ghé một sạp hàng chuyên cung cấp đồ lót, được một cô bé tầm 15, 16 tuổi nhanh nhảu chào mời: “Hàng mới về, hàng cũ giảm giá đây”.

Rành rẽ từng mặt hàng theo nhu cầu của khách, Thy - tên cô bé - cho biết: “Em vô làm ở sạp này cũng mới đây thôi, nhưng một năm qua, em đã làm cho hai sạp khác ở chợ Kim Biên, cũng cùng mặt hàng. Trước đó, em có gần hai năm dập ly quần áo cho một cơ sở may ở quận Bình Tân”.

Thy vừa tổ chức tiệc sinh nhật 15 tuổi vài hôm trước. Bạn dự sinh nhật của Thy là bốn cô bé đồng hương và cũng trạc tuổi em, hiện đang dập ly tại một số cơ sở gia công quần áo.

Thy là người dân tộc Chăm, quê ở tỉnh Bình Thuận. Khoảng bốn năm trước, em được gia đình gửi theo một người bà con vào TPHCM kiếm sống. Thy cho hay, lương bán hàng của Thy là 5 triệu đồng/tháng, làm từ 4g30 đến 19g hằng ngày.

“Ăn uống tự túc, nhưng em thích vì buổi tối được tự do. Trước đây, làm ở mấy chỗ khác, em toàn ở nhà chủ, được lo hết nhưng bị giữ tiền lương, lâu lâu mới được ra khỏi nhà” - Thy kể. 

Thấy tôi tỏ ra lo lắng về thời giờ làm việc, Thy hồn nhiên: “Dù sao cũng không vất vả. Bạn trai em mới cực. Ảnh làm cho một cửa hàng vải cây, khuân vác rất nặng mà cũng chừng ấy lương và thời gian làm việc”.

Bạn trai Thy 17 tuổi, đã có hai năm làm việc cho một cửa hàng vải cây ở chợ Kim Biên, trước đó từng là đồng nghiệp của Thy ở cơ sở dập ly quần áo.

Tính ra, Thy và bạn trai cùng những người bạn của mình đã xa gia đình, vào TPHCM mưu sinh từ rất sớm. Với sự ra đời của hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, TPHCM nhiều năm qua trở thành “miền đất hứa” của người lao động từ khắp các tỉnh, thành, trong đó có trẻ em, người chưa thành niên. 

Việc sử dụng lao động trẻ em (LĐTE), lao động chưa thành niên phải tuân thủ thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về ban hành danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi), và thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2013 về ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc.

Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lao động không quan tâm các ràng buộc pháp lý nghiêm ngặt này, dẫn đến tồn tại một lượng lớn LĐTE, lao động chưa thành niên đang làm việc “chui”. 

Còn nhớ, vào tháng 3/2017, UBND xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra tình trạng trẻ em đi lao động ở TPHCM, từ đó phát hiện bà Nguyễn Thị Khang và ông Nguyễn Văn Hải - cùng ở quận Bình Tân, TPHCM - đã về xã này vận động được 16 học sinh bỏ học, đến TPHCM làm việc.

Một đứa trẻ làm việc nặng nhọc trong một lò gốm sứ ở P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: S.VINH
Một đứa trẻ làm việc nặng nhọc trong một lò gốm sứ ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: S.Vinh

Năm 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông thống kê được 24 học sinh bỏ học, đến TPHCM làm công nhân cho một số cơ sở gia công may mặc.

Gia cảnh buộc trẻ lao động sớm

Sáng 18/11, chị N.T.L. - ở tỉnh Đắk Lắk - nhờ bạn bè chia sẻ trên Facebook để mong tìm được cô con gái 14 tuổi tên Th. Gọi vào số điện thoại do chị L. cung cấp, tôi được bà mẹ này cho hay: “Nhờ Facebook, con gái đã gọi lại cho tôi rồi. Không phải cháu mất tích mà là mất điện thoại nên không gọi cho tôi được”.

Theo chị L., từ năm 9 tuổi, Th. đã theo một người bà con đến tỉnh Bình Dương làm việc, được gửi vào làm cho một gia đình chuyên gia công nút, dây kéo, cắt chỉ áo quần với thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng tùy lượng hàng gia công, tiền được chủ gửi trực tiếp cho mẹ. 

Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Th. về sống với gia đình. Đầu tháng 11, Th. cho biết sẽ quay lại tỉnh Bình Dương làm việc nhưng sau đó, em không gọi điện cho gia đình. Chị L. gọi đến nơi lâu nay Th. làm việc thì được báo Th. vẫn chưa trở lại.

“Khi gọi lại, con gái báo với tôi là đã theo một người bạn đến TPHCM xin học nghề và giúp việc cho một tiệm may thời trang. Do công việc chưa ổn định nên con ngại báo về nhà, sau đó bị mất điện thoại” - chị L. phân bua.

Chị L. cho biết, đã ly hôn, bản thân có nhiều bệnh, sau Th. còn hai đứa em, kinh tế khó khăn nên năm 7 tuổi, Th. đã nghỉ học, phụ mẹ trông em và 9 tuổi đã thành trụ cột của gia đình.

Mới đây, câu lạc bộ Hiệp sĩ săn bắt cướp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng kêu gọi người thân của hai cậu bé H. và V. (14 và 15 tuổi) đưa hai em trở về sau nhiều ngày không tìm được việc làm, rơi vào tình cảnh xin ăn và ngủ ở vỉa hè, mái hiên gần bốn tháng qua ở khu vực chợ Tân Mai (TP. Biên Hòa).

Chia sẻ với chúng tôi, ông nội V. (hiện sống ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho hay, cha mẹ V. đã chia tay hơn một năm trước và V. theo mẹ về sống ở TP.Đà Nẵng. Giữa năm 2020, V. về sống với cha ở huyện Long Thành, sau đó xin đi làm thêm và lạc đến TP. Biên Hòa.

Không chỉ trẻ em từ các nơi đổ về thành phố làm việc mà trẻ em tại TPHCM cũng đang tham gia lao động sớm, phần lớn có gia cảnh khó khăn.

Cậu bé N.V.T. - 8 tuổi, ở quận Bình Tân - đang học lớp Hai nhưng từ khi còn học lớp Một, ngoài giờ học, T. đã phải đi bán vé số để kiếm tiền phụ giúp gia đình. T. sống cùng cha mẹ, em gái và ông bà nội trong căn phòng trọ ọp ẹp. Trước đây, gia đình T. sống trong căn nhà cấp bốn của ông bà nội nhưng khoảng ba năm trước, ông bà đã bán nhà để lấy tiền chữa bệnh. 

Bộ luật Lao động 2012 quy định cụ thể việc sử dụng lao động chưa thành niên, đặc biệt LĐTE chỉ được tham gia một số ngành nghề với những ràng buộc pháp lý nghiêm ngặt, nhưng thực tế, người sử dụng LĐTE ít quan tâm.

Điều này khiến trẻ làm việc mà không có sự bảo vệ, dễ trở thành đối tượng bị bóc lột và bạo hành mà trường hợp cậu bé 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo bạo hành mới đây là một ví dụ. 

Tại TP.HCM, trẻ đi bán vé số, hàng rong trên phố là hình ảnh quen thuộc - Ảnh: t.D.
Tại TPHCM, trẻ đi bán vé số, hàng rong trên phố là hình ảnh quen thuộc - Ảnh: T.D.

Theo thạc sĩ Vũ Văn Hiệu - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) - trẻ lao động sớm có thể giải được bài toán kinh tế trước mắt cho gia đình, nhưng phải chịu nhiều hệ lụy: giảm hoặc mất cơ hội giáo dục, phát triển của bản thân, dễ mang tâm lý tự ti về số phận, tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực của xã hội, khiến Việt Nam chịu sự phê phán của cộng đồng quốc tế, nhất là các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em…

Theo ông Hiệu, để giải quyết tình trạng trên, cần nâng mức xử phạt đối với các tổ chức sử dụng LĐTE bất hợp pháp, như chấm dứt hoạt động, xử lý hình sự, đồng thời cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu khi xảy ra tình trạng sử dụng LĐTE không đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các mô hình tạo việc làm, thu nhập ở địa phương, giúp người dân có đủ điều kiện để bảo đảm cho trẻ em được giáo dục, phát triển. 

Theo thống kê, TPHCM có khoảng 2 triệu trẻ em, trong đó có hơn 11.900 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ trong số này phải bươn chải mưu sinh. 

Phong Vân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI