Mái ấm của những đứa trẻ bị bỏ rơi

04/07/2025 - 06:57

PNO - Không thể có con với nhau, vợ chồng Võ Đức Duẩn (45 tuổi) và Vang Thị Hạnh (43 tuổi) - ở phường Vinh Hưng (phường Nghi Liên, TP Vinh cũ), tỉnh Nghệ An - đã lập mái ấm nhận nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, biến nhà mình thành nơi luôn đầy ắp tiếng cười của những đứa trẻ từng chịu nhiều thiệt thòi.

Ngôi nhà của những đứa trẻ

Nghe tiếng khóc của con gái 5 tháng tuổi, anh Võ Đức Duẩn vội bỏ dở công việc ngoài vườn, chạy vào ẵm, dỗ dành và pha sữa cho con uống. Bé Bông là con thứ tư trong gia đình, được vợ chồng anh Duẩn nhận nuôi từ lúc mới lọt lòng mẹ.

Vợ dạy học xa nhà, anh Duẩn phải vừa tranh thủ bán cà phê, dạy võ, chăm vườn cây, vừa chăm con mọn. Những việc vặt như pha sữa, giặt tã, ru con ngủ… chiếm gần hết thời gian của ông bố bỉm sữa này từ sáng đến tận khuya. Hình ảnh người đàn ông với thân hình vạm vỡ ngày ngày chăm con mọn đằng sau cánh cổng nhà treo tấm biển “Ngôi nhà của những đứa trẻ” đã quá quen thuộc với người dân địa phương.

Vợ dạy học xa nhà, anh Duẩn vừa chăm con mọn, vừa làm việc nhà, việc mưu sinh
Vợ dạy học xa nhà, anh Duẩn vừa chăm con mọn, vừa làm việc nhà, việc mưu sinh

Phía sau tấm biển tưởng chừng đơn giản ấy là một quyết định lớn mà không phải ai cũng làm được. Yêu nhau từ thuở thanh xuân và bên nhau suốt hơn 10 năm trước khi về chung nhà, anh Duẩn và chị Hạnh từng mơ về tổ ấm đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Nhưng, “đời không như là mơ”. Họ hụt hẫng và đau đớn khi được bác sĩ chẩn đoán “không thể có con”.

Thay vì oán trách số phận, họ chọn nắm chặt tay nhau, tiếp tục đồng hành với một tình yêu vô điều kiện. “Khi biết mình không thể sinh con, chúng tôi bàn nhau nhận trẻ về nuôi để có một gia đình trọn vẹn” - anh Duẩn nhớ lại.

Phải mất hơn 1 năm rong ruổi khắp nơi, kiên trì vượt qua vô số thủ tục và nghi ngại của người đời, cuối năm 2019, vợ chồng anh Duẩn mới thực sự bước vào vai trò của người làm cha, làm mẹ.

Khi đó, biết tin một nữ sinh viên mang thai ngoài ý muốn, có ý định phá thai, anh chị đã tốn nhiều công sức, kiên trì thuyết phục để nữ sinh này giữ lại thai nhi, sinh con rồi giao cho mình nuôi dưỡng.

Ngày đón bé gái mới 4 ngày tuổi về nhà, anh Duẩn thuyết phục nữ sinh này về ở với con mình một thời gian để bé không thiếu đi hơi ấm của mẹ, đồng thời nếu cô muốn nuôi con thì vẫn có thể đón con về. Nhưng vì tương lai của mình, nữ sinh này vẫn dứt khoát chào tạm biệt con gái.

Năm 2020, tấm biển “Ngôi nhà của những đứa trẻ” chính thức được vợ chồng anh Duẩn treo lên như một lời mời gọi dành cho những mảnh đời kém may mắn. Anh nói, rất đau lòng khi biết có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thậm chí không có cơ hội được chào đời.

Thay vì đi tìm kiếm, vợ chồng anh bàn nhau dựng một mái ấm dành cho những đứa trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và làm nơi để những bà mẹ mang thai ngoài ý muốn tạm lánh, chờ ngày sinh nở. Anh chị không chỉ cho họ nơi ở trong giai đoạn khó khăn nhất mà còn gìn giữ cho họ một cánh cửa quay về thăm nom hoặc nhận lại con bất cứ lúc nào.

Anh Duẩn kể: “Có thời điểm, trong nhà có 4 bà bầu ở tạm, chờ sinh con. Họ mang thai ngoài ý muốn, sợ gia đình biết, sợ dang dở việc học. Tôi chỉ động viên họ yên tâm nghỉ ngơi chờ sinh, sau này nếu không thể nuôi con thì cứ yên tâm gửi lại nơi này. Nhưng rồi sau khi sinh, một số cặp mẹ con đã được người thân đến đón về nhà” - anh Duẩn kể.

Quyết định mở mái ấm không chỉ khiến vợ chồng anh Duẩn đối mặt với những khó khăn về kinh tế mà còn phải vượt qua sự hoài nghi của người đời. Nhưng theo chị Hạnh, chẳng có lời giải thích nào hiệu quả bằng hành động. Là giáo viên ở huyện miền núi cách nhà hơn 150km, mỗi tuần, chị Hạnh chỉ về nhà 1 lần, cùng chồng chăm sóc các con để chúng không bị thiếu bóng dáng cha mẹ.

Chị tâm sự: “Chăm sóc con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi vợ chồng tôi phải mỗi người một nơi. Để các con được nhận tình yêu thương trọn vẹn, chúng tôi cho các con luân phiên ở với cha hoặc mẹ, cuối tuần thì cùng sum họp, quây quần bên nhau”.

“Cứ mở lòng, hạnh phúc sẽ đến”

Mái ấm của anh Duẩn - chị Hạnh hiện đang nuôi 4 đứa trẻ, mỗi đứa một tính cách, hoàn cảnh khác nhau. Chị Hạnh cho hay, các con đều sàn sàn tuổi nhau, cần được chăm sóc nhiều nên vợ chồng chị từ bỏ tham vọng sự nghiệp để dành thời gian cho các con.

Cũng như bao người làm cha, làm mẹ, nhiều lúc, anh chị cũng mệt mỏi, kiệt sức nhưng chưa từng nghĩ đến chuyện dừng lại. Mỗi ngày trôi qua, nhìn các con lớn lên khỏe mạnh, ánh mắt rạng rỡ, miệng bi bô gọi “cha ơi, mẹ ơi”, những vất vả ấy lại trở thành niềm hạnh phúc vô giá của anh chị - thứ hạnh phúc thiêng liêng, cao quý mà vợ chồng chị đã khắc khoải mong chờ trong một thời gian dài.

Vợ chồng anh Duẩn hạnh phúc bên các con
Vợ chồng anh Duẩn hạnh phúc bên các con

Cảm nhận rõ hơi ấm từ những cái ôm, nụ cười của những đứa trẻ, chị Hạnh nói, gia đình không chỉ được tạo thành từ huyết thống mà còn từ sự đón nhận, từ trái tim rộng mở. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều xứng đáng được yêu thương dù chúng đến với thế giới này trong hoàn cảnh nào.

Với quan niệm đó cùng lòng yêu trẻ, từ bất hạnh của chính mình và của những đứa trẻ, vợ chồng chị đã tạo nên một mái ấm hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười. Chị Hạnh bộc bạch: “Chỉ cần mình mở lòng, hạnh phúc sẽ đến ngay từ những thứ đơn giản nhất. Sống với các con, dù vất vả, tôi vẫn luôn thấy mình nhận được nhiều hơn mất”.

Dù tốn công dưỡng dục, anh Duẩn - chị Hạnh chưa bao giờ nghĩ mình có quyền tước đi cơ hội đoàn tụ của các con với cha mẹ ruột của chúng. Chính sự rộng lòng và vô tư ấy đã giúp nhiều đứa trẻ từng bị bỏ rơi nay đã trở về sống cùng cha mẹ ruột.

Anh Duẩn nói: “Nhiều người bảo tôi dại, nuôi con mấy năm rồi lại để người khác đến nhận về, nhưng tôi nghĩ hạnh phúc của đứa trẻ mới là quan trọng nhất. Đây cũng là mục đích mà vợ chồng tôi hướng đến từ quyết định lập mái ấm nên chưa từng hối hận khi để các con đoàn tụ với cha mẹ ruột”.

Anh Duẩn - chị Hạnh không bận tâm đến chuyện khi về với cha mẹ ruột, các con có còn nhớ đến mình không, bởi anh chị không mong được đền đáp ơn nuôi dưỡng. Anh chị tâm niệm cứ trao đủ yêu thương đã, mọi sự sẽ được an bài. Anh Duẩn cho hay, sẽ tiếp tục đón nhận, cưu mang những mảnh đời bất hạnh, cho các con tình yêu thương của cha mẹ ruột, chăm lo đủ đầy cả về tình cảm lẫn vật chất.

Anh nói: “Thực tế, còn rất nhiều trẻ nhỏ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Chúng tôi biết mình không thể giúp được hết tất cả nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ từ chối ai. Chỉ mong rằng, những ai đang có ý định bỏ con vì bất cứ lý do gì thì hãy nhớ đến ngôi nhà này để các con có cơ hội sống và được yêu thương”.

Không chỉ cưu mang trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, vợ chồng anh Duẩn còn năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện.

Những năm qua, căn nhà của anh Duẩn trở thành điểm tập kết đồ từ thiện của người dân địa phương và các nhà hảo tâm mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh. Ngoài nhu yếu phẩm, anh thường thu gom quần áo cũ mang về phân loại, chọn những bộ đồ còn tốt giặt sạch, phơi khô rồi chở lên vùng cao tặng cho trẻ em nghèo.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI