Lần đầu tiên các bác sĩ ghép thành công toàn bộ khuôn mặt cho một người Mỹ gốc Phi

29/10/2019 - 13:15

PNO - Theo báo cáo công bố hôm 26/10, các bác sĩ phẫu thuật ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ) lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép toàn bộ khuôn mặt cho một bệnh nhân người Mỹ gốc Phi.

Ở tuổi 68, Robert Chelsea là người lớn tuổi nhất được ghép mặt đầy đủ. Ông là người thứ 15 ở Mỹ trải qua phẫu thuật ghép mặt và được thực hiện tại Bệnh viện Brigham and Women's.

Trong một thông báo, ông Robert viết: “Xin Chúa ban phước cho người hiến tặng và gia đình của anh ấy, người đã chọn tặng món quà quý giá này và cho tôi cơ hội thứ hai. Từ ngữ không thể mô tả hết cảm giác của tôi hiện tại. Tôi choáng ngợp với lòng biết ơn và cảm thấy rất may mắn khi nhận được món quà tuyệt vời như vậy”.

Lan dau tien cac bac si ghep thanh cong toan bo khuon mat cho mot nguoi My goc Phi
Ông Robert Chelsea bị bỏng 60% cơ thể và khuôn mặt trong một tai nạn xe hơi vào năm 2013.

Người đàn ông đến từ Los Angeles này bị bỏng hơn 60% cơ thể và khuôn mặt khi chiếc xe của ông bốc cháy, trong vụ tai nạn liên quan đến một tài xế lái xe khi say rượu vào năm 2013. Sau sự cố, Robert hôn mê suốt sáu tháng và phải nhập viện khoảng một năm rưỡi.

Robert Chelsea trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật, nhưng đôi môi, một phần mũi và tai trái của ông không thể tái tạo. Robert ghi tên vào danh sách những người cần cấy ghép mặt từ tháng 3/2018, nhưng phải chờ lâu hơn các bệnh nhân trước nhằm tìm một người hiến tặng phù hợp với màu da của mình.

Mặc dù một bệnh nhân da màu ở Paris từng được cấy ghép một phần khuôn mặt vào năm 2007, nhưng Chelsea là người đầu tiên được ghép mặt đầy đủ.

Theo dữ liệu mới nhất công bố bởi Văn phòng Dịch vụ Y tế và Nhân sinh cho cộng đồng thiểu số của Bộ Y tế Mỹ, bộ phận người Mỹ gốc Phi tạo thành nhóm thiểu số lớn nhất có nhu cầu ghép tạng. Trong năm 2015, gần 30% trường hợp chờ cấy ghép là người da màu, tỷ lệ này ở người hiến tạng chỉ là 13,5%.

Lan dau tien cac bac si ghep thanh cong toan bo khuon mat cho mot nguoi My goc Phi
Hiện tại ông Robert đã ổn định và đang thích nghi với cuộc sống mới của mình.

Cuộc phẫu thuật kéo dài 16 giờ diễn ra vào tháng 7 và có sự tham gia của ê-kíp gồm hơn 45 bác sĩ, y tá, bác sĩ gây mê, bác sĩ nội trú và nghiên cứu sinh do bác sĩ Bohdan Pomahac dẫn đầu.

Nhóm cho biết hiện ông Robert Chelsea đang "tiến triển và hồi phục nhanh đáng kể". Bác sĩ Bohdan nói: “Chúng tôi đang mong chờ được chứng kiến ​​sự cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống của Robert”.

Trong vòng 10 ngày kể từ cuộc phẫu thuật lịch sử, bệnh nhân đã ăn uống, nói chuyện và tự thở, mặc dù ông vẫn phải ở lại Boston để hoàn thành các tuần chăm sóc theo dõi.

Tấn Vĩ (theo USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI