Làm ôsin xứ người - Bài 1: Nô lệ thế kỷ XXI

18/03/2014 - 19:25

PNO - PN - Erwiana Sulistyaningsih, một cô gái 23 tuổi người Indonesia, bất ngờ được cả thế giới biết đến như một điển hình của người giúp việc bị đày đọa như nô lệ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cách đây gần hai tháng, bệnh viện Hồi giáo Amel Sehat ở thành phố Sragen, miền Trung đảo Java của Indonesia tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, đến từ Hồng Kông.Cô là Erwiana Sulistyaningsih, làm nghề giúp việc nhà cho một gia đình ở Hồng Kông được tám tháng thì mất việc sau khi bị đánh đập dã man, thương tích đầy người, đi không nổi. Các bác sĩ ở bệnh viện cho biết, cô bị phù não do bị đánh vào đầu nhiều lần trong vòng ít nhất sáu tháng. Cô còn bị gãy một số răng, gãy sống mũi, tay chân sưng vù, một số chỗ da thâm đen do các vết thương không được chữa trị.

Lam osin xu nguoi - Bai 1: No le the ky XXI

Law Wan-tung (giữa) chủ nhà hành hạ Erwiana

Vỡ mộng đổi đời

Erwiana là thôn nữ ở Kawis, làng Pucangan, huyện Ngawi, tỉnh Trung Java. Gia đình nghèo khó, Erwiana học hết cấp III thì nghỉ. Ước mơ của cô hết sức khiêm tốn: vào trường cao đẳng học nghề kế toán, nhưng điều đó mãi mãi là ước mơ vì cha mẹ cô quá nghèo.

Cũng vì nghèo, Erwiana năn nỉ cha mẹ xin đi xuất khẩu lao động. Cha cô, ông Rohmat Saputro, làm mướn, việc lúc có lúc không, lúc đầu không đồng ý cho con gái ra xứ người, nhưng sau khi con gái năm lần bảy lượt nài nỉ, ông cầm lòng không đậu. Ông phán một câu mà có thể sau này ông phải ân hận suốt đời: “Con có thể đi nhưng cha chỉ muốn con đi làm ở Hồng Kông”. Ông giải thích: “Lúc đó tôi nghĩ ở Hồng Kông sẽ chẳng có chuyện gì, nào ngờ…”.

Vậy là Erwiana đăng ký tìm việc ở Hồng Kông, nơi có cả vạn đồng hương của cô đang kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Mục đích của Erwiana rất đơn giản: dành dụm ít tiền cho cha mẹ và theo đuổi việc học nghề kế toán. Do không thích làm công nhân, cô không có sự lựa chọn nào khác ngoài nghề giúp việc gia đình.

Nơi Erwiana đăng ký tìm việc là PT Graha Ayu Karsa, một công ty giới thiệu việc làm ở Indonesia. Sau khi nhận được visa lao động, cô đến Hồng Kông một mình, có đại diện của công ty đón ở sân bay. Người này đưa Erwiana đến thẳng nhà bà chủ trên đường Tong Minh, bán đảo Cửu Long. Đó là ngày 27/5/2013.

Erwiana cho biết, ngay từ đầu bà chủ Law Wan-tung đã bộc lộ sở thích hành hạ người làm. Trước Erwiana có hai Ôsin người Indonesia làm cho bà chủ này nhưng đã nghỉ việc do chịu không nổi sự tàn nhẫn và bóc lột của chủ nhà. Hai người này cũng từng làm đơn tố cáo bà Law.

Lam osin xu nguoi - Bai 1: No le the ky XXI

Erwiana nhập viện ở Indonesia - Ảnh: Reuters

“Bà chủ có thể đánh tôi với bất kỳ lý do gì như chùi rửa phòng vệ sinh trước khi dọn dẹp phòng ngủ bị coi là trái ý bà chủ, hoặc gọi tên mà chậm trả lời v.v… Bà đánh tôi bằng cây thước kẻ hoặc móc áo nhưng thường xuyên là bằng cán cây lau nhà. Bà ấy đánh tôi khắp người, nhiều nhất là vào đầu hoặc nện đầu tôi vào vách tường. Mỗi ngày tôi phải làm quần quật 21 giờ, mặc tã lót để không phải đi vệ sinh lãng phí thời gian. Mỗi bữa cơm tôi chỉ được phép ăn một chén. Suốt thời gian làm việc cho bà chủ, tôi chưa được nghỉ ngày nào. Tôi không có chỗ ngủ riêng, phải ngủ trên sàn nhà. Nhưng, đâu phải muốn ngủ là được. Hai con bà chủ, trong đó có một đứa tính tình cũng hung ác như mẹ, nếu bắt gặp tôi ngủ “không đúng lúc”, nó méc mẹ là tôi bị đòn”.

Sau các trận đòn, các vết thương bắt đầu nhiễm trùng. Máu và mủ tươm ra khiến bà Law sợ làm dơ tấm thảm nhà. Thay vì đưa Erwiana đến bác sĩ, bà ta lấy băng keo và bao ni lông quấn quanh các vết thương. Erwiana suy kiệt dần, đi đứng rất khó khăn. Thấy cô đã mất sức lao động, bà Law mua một vé máy bay của hãng hàng không Garuda tuyến Hồng Kông - Solo cho Erwiana về Indonesia. Trước khi đi, bà ta đưa cho cô 70 đô HK (1 đô HK = 2.717 VNĐ) kèm theo lời đe dọa “Tao quen nhiều người ở Indonesia. Nếu mày không biết giữ mồm giữ miệng, cha mẹ mày sẽ mất mạng”. Rồi bà chủ đưa Erwiana ra sân bay quốc tế, bỏ mặc cô tự xoay xở. Đi không nổi, Erwiana ngồi tại chỗ. May mắn, cô gặp Rianti, một người đồng hương. Người này giúp cô làm thủ tục lên máy bay và đưa cô về tận nhà ở thôn Kavis. Sau đó Rianti đưa Erwiana vào bệnh viện Amal Sehat để chữa trị.

Đòi lại công lý

Ngày 5/2, Erwiana xuất viện sau một tháng chữa trị. Lần đầu tiên người ta thấy cô cười. Phát biểu với báo chí, cô gái thôn Kawis không cầm được nước mắt: “Tôi hy vọng mình là trường hợp cuối cùng. Tôi không muốn có thêm người nào khác gặp số phận đen đủi như tôi, số phận của những người thấp cổ bé miệng”. Mong mỏi trước mắt của Erwiana là đòi lại công lý: “Tôi muốn bà Law Wan-tung bị trừng phạt thật nghiêm khắc. Tôi sẵn sàng trở lại Hồng Kông để làm chứng nhưng không bao giờ làm việc tại đó nữa”.

Erwiana chia sẻ, cô cảm thấy thoải mái không còn bị stress dày vò như trước: “Tôi muốn sống như xưa. Tôi cũng muốn đi học trở lại”. Sarli Zulhendra, luật sư đại diện gia đình Erwiana, cho biết ông đang tìm cách sắp xếp cho thân chủ tham dự phiên tòa xét xử bà Law trong tháng Ba này qua hệ thống hội nghị từ xa. Biện pháp này giúp Erwiana khỏi trở lại Hồng Kông, nơi đầy những kỷ niệm kinh hoàng với cô.

Lam osin xu nguoi - Bai 1: No le the ky XXI

Biểu tình đòi công lý cho Erwiana

Báo chí Hồng Kông và các nước tường thuật đầy đủ diễn biến của câu chuyện thương tâm nói trên, bao gồm cả những cuộc biểu tình có lúc lên đến 5.000 người đòi công lý cho Erwiana của những người giúp việc châu Á ở Hồng Kông, mà hầu hết là người Philippines và Indonesia; những tuyên bố nảy lửa của các nhóm nhân quyền. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng bày tỏ sự bất bình. Ông giúp gia đình Erwiana 50 triệu Rupiah (1 Rupiah = 1,8 VNĐ) để chữa bệnh cho cô.

Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án chính quyền Hồng Kông tắc trách để xảy ra tình trạng người giúp việc nước ngoài bị đối xử như nô lệ. Hồng Kông hiện có khoảng 300.000 người giúp việc gia đình gốc Đông Nam Á.

Bà Law Wan-tung, 44 tuổi, đã bị nhà chức trách Hồng Kông bắt giữ tại sân bay Chek Lao Kok lúc 16g ngày 19/1 khi định chuồn sang Bangkok (Thái Lan). Nguồn tin từ tòa án hình sự Kwun Tong cho biết, người phụ nữ hung dữ này bị cáo buộc tổng cộng bảy tội danh, không chỉ với Erwiana mà còn với hai người giúp việc Indonesia trước đó trong hai năm 2010 và 2011. Bà Law đang được tại ngoại sau khi đóng một triệu đô HK nhưng mỗi ngày phải đến đồn cảnh sát trình diện.

Tuy vậy, đây là một vụ án có nhiều điểm khá bất lợi cho nạn nhân vì những gì người ta biết chỉ là lời tố cáo đơn phương của Erwiana. Luật sư của bà Law lưu ý hồ sơ không có giám định pháp y của cơ quan y tế Hồng Kông và cũng không có nhân chứng. Đại diện Công ty PT Graha Ayu Karsa tìm cách trốn tránh trách nhiệm khi nói Erwiana chỉ liên lạc với công ty có một lần sau khi đi làm được một tháng. Nạn nhân có than phiền bà chủ đưa ra yêu cầu quá cao, lương không được trả đúng hạn còn chuyện bị đánh đập thì không nghe báo cáo.

 TRỌNG NGHĨA 

Bài 2: nước mắt người nghèo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI