Kỳ vọng về phim sử Việt

14/08/2014 - 02:48

PNO - PN - Chỉ một thời gian ngắn nữa, bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông (PHTNT) - dự án phim truyền hình lịch sử cổ trang (dài 45 tập, triển khai từ năm 2011-2015, đạo diễn (ĐD) - NSƯT Văn Lượng, Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa sản xuất)...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đoàn làm phim PHTNT vừa có buổi ra mắt và tuyển học viên phim cổ trang tại TP.HCM - cũng là điểm đến cuối cùng sau chặng hành trình đi tìm ứng viên cho phim khắp cả nước. Đây là bộ phim lịch sử đầu tiên xây dựng trường quay phim cổ trang tại Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh); đồng thời mở khóa đào tạo diễn viên phim cổ trang cho hàng ngàn người cùng những bước chuẩn bị vô cùng công phu với sự tham gia, cố vấn của những tên tuổi bậc nhất từ ĐD, biên kịch, nhà sử học…

Ky vong ve phim su Viet
Đạo diễn - NSƯT Văn Lượng trong buổi ra mắt phim tại TP.HCM

1.000 ngày với Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Kịch bản phim được chuyển thể kết hợp từ những bộ tiểu thuyết đồ sộ: Bão táp triều Trần (sáu cuốn, nhà văn Hoàng Quốc Hải), Người Thăng Long cùng các tác phẩm khác của nhà văn Hà Ân, Anh hùng dựng cờ Đông AGươm thiêng Hàm Tử (nhà văn Trần Đại Sĩ).

Có đến 11 êkíp nhà văn, biên kịch cùng thực hiện đề cương kịch bản, sau đó chọn ra một đề cương hay nhất và nhờ nhiều nhà văn, biên kịch, nhà sử học, nhà nghiên cứu Phật giáo, văn hóa… đóng góp, biên tập. Ròng rã gần ba năm, ĐD - NSƯT Văn Lượng đã rong ruổi ngược xuôi tìm kinh phí, bối cảnh, xây dựng trường quay, chế tác đạo cụ, chuẩn bị phục trang...

Có lẽ chưa bộ phim lịch sử nào (cả điện ảnh lẫn truyền hình) có được bước chuẩn bị công phu, tốn kém như vậy. Hàng chục hội thảo chuyên ngành về phục trang thuần Việt được tổ chức, hàng ngàn đạo cụ được chế tác theo tinh thần văn hóa Lý - Trần, các diễn viên (cả nổi tiếng lẫn nghiệp dư) đều phải tham gia các lớp học thiền, cung kiếm, cưỡi ngựa, trà đạo, đi đứng nói năng… theo phong thái người xưa.

ĐD Văn Lượng nói, ông ấp ủ làm phim về vua Trần Nhân Tông từ rất lâu, nhưng trước điều kiện thực tế của điện ảnh Việt, ước muốn cứ bị gác lại. “Chỉ khi có trường quay thì phim lịch sử, cổ trang của chúng ta mới đi vào con đường chuyên nghiệp như các nước tiên tiến đã đi” - ông nói.

Suốt gần 1.000 ngày, nhiều người đã bỏ cuộc vì hành trình làm phim quá đỗi gian nan, thậm chí có lúc tưởng chừng bất khả thi. Nhưng, ĐD Văn Lượng nói, ngay từ đầu, ông đã theo lộ trình được vạch ra và cứ thế “âm thầm đi”. Vượt qua những thử thách, khó khăn không kể hết để cuối cùng đã có được trường quay cổ trang - xứng đáng là niềm tự hào của điện ảnh Việt.

Mô hình trường quay cổ trang được đánh giá là “Kinh thành Thăng Long thu nhỏ”, có đại điện, hậu cung, phủ quan đầu triều và cả những làng quê trù mật từ đồng bằng, đến vùng trung du, miền núi… Các hạng mục phục vụ cho bối cảnh phim sẽ được hoàn thành trước, toàn bộ công trình hoàn tất dự kiến trong ba năm tới.

Phim lịch sử thuần Việt

Từ sau bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, đến nay mới lại có thêm dự án phim lịch sử đáng kỳ vọng như PHTNT. Làm sơ sài, thô vụng, sai chi tiết lịch sử hay nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng quá nhiều từ phim lịch sử cổ trang Trung Quốc khiến phim lịch sử, cổ trang Việt lâu nay vẫn chưa tạo được niềm tin.

“Đã có nhiều nhà làm phim về lịch sử nhưng cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội ngày càng khắt khe. Phim lịch sử không phải chỉ nói chuyện chính sử, mục tiêu cao nhất là làm rạng rỡ một nhân vật, làm bật lên văn hóa - lịch sử của một triều đại. Điều tôi lo ngại nhất đối với phim sử là sai chi tiết sử, dù là nhỏ nhất cũng khiến người xem khó bỏ qua” - GS Nguyễn Khắc Thuần nói.

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn - tác giả kịch bản phim Thái sư Trần Thủ Độ cho rằng, làm phim sử khác với phim phục cổ. Nếu làm phim mà như chép sử thì ai xem? Một bộ phim hấp dẫn không chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử, xung đột triều chính, chân dung sự nghiệp lịch sử nào đó mà còn là mối quan hệ gia đình, vua - tôi, tình yêu, tình người…

Thành công của bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ khiến người làm nghề có thêm niềm tin vào phim sử chất lượng thuần Việt. Tuy nhiên, kinh phí vẫn là vấn đề lớn nhất. Từng có những đơn vị sản xuất tư nhân vào cuộc làm phim sử nhưng không thành công. Khó, khổ đủ bề càng khiến các nhà làm phim chùn bước. Tất cả những bước chuẩn bị tốn kém và kỳ công cho dự án này cũng nhằm tạo nền tảng vững chắc cho những phim sau.

TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI