Khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ không ngừng tăng

22/06/2022 - 06:56

PNO - Hai năm hạn chế do đại dịch đã dẫn đến những hậu quả đáng kể về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trẻ em.

Một báo cáo sức khỏe tâm thần thế giới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 17/6 cho thấy, hai năm hạn chế do đại dịch đã dẫn đến những hậu quả đáng kể về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trẻ em. 

Việc đóng cửa trường học trong thời gian dịch bệnh khiến trẻ phải ở nhà suốt thời gian dài, làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần - ẢNH: AP
Việc đóng cửa trường học trong thời gian dịch bệnh khiến trẻ phải ở nhà suốt thời gian dài, làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần - ẢNH: AP

WHO ước tính hiện có hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống chung với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, nhiều hơn một phần tư so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Trong đó, các vấn đề nổi trội và phổ biến nhất bao gồm lo lắng, trầm cảm và rối loạn phát triển như tự kỷ. Báo cáo còn nhấn mạnh sự gia tăng ở trẻ em thậm chí còn lớn hơn.

Các chuyên gia cho biết, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các quy định hạn chế. Tình trạng này càng tệ hơn do sự thiếu tương tác xã hội, bị cô lập trong thời gian trường bị đóng cửa. Báo cáo nêu rõ: Những biện pháp hạn chế được áp dụng trong đại dịch đã gây ra những hậu quả đáng kể về sức khỏe tâm thần đối với nhiều người, bao gồm căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm. Đối với một số trẻ em và thanh thiếu niên, việc phải ở nhà có thể làm tăng nguy cơ bị gia đình làm căng thẳng, vốn là một trong số các yếu tố gây ra vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng nổi bật là tình trạng bắt nạt và lạm dụng tình dục, là những nguyên nhân lớn nhất làm gia tăng chứng trầm cảm ở trẻ em trên toàn thế giới.

Trước đại dịch, WHO ước tính có tới 14% trẻ em mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Sau hai năm đại dịch, tỷ lệ này tăng lên đến 25%. Sự gián đoạn và cô lập có thể thúc đẩy cảm giác lo lắng, không chắc chắn và cô đơn của trẻ, đồng thời có thể dẫn đến các vấn đề về tình cảm và hành vi.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học College London (Anh) dẫn đầu cho thấy, trong năm đầu tiên bị phong tỏa, số trẻ em chết vì tự tử cao gần gấp năm lần trước đó. Một nghiên cứu khác ở Nhật Bản vào tháng 11 năm ngoái cho thấy, việc đóng cửa trường học trong năm 2020 không ngăn được sự lây lan của vi-rút nhưng khiến trẻ bị căng thẳng tăng lên gần 35%. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng cho biết có đến 75% phụ huynh khi được hỏi đều bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe tâm thần của con mình.

Để đối phó với tình trạng này, WHO kêu gọi các chính phủ quan tâm, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em, trẻ vị thành niên và người chăm sóc. Đầu tư khẩn cấp cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên không chỉ trong ngành y tế mà còn nhiều ngành khác, nhằm hỗ trợ phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần phá bỏ sự kỳ thị về bệnh tâm thần thông qua việc thúc đẩy hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tâm thần và nhìn nhận những trải nghiệm của trẻ em và thanh thiếu niên một cách nghiêm túc. Nhân rộng các can thiệp dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, sẵn sàng hỗ trợ sức khỏe tâm thần của mọi đối tượng và xây dựng những mối quan hệ tích cực, đặc biệt với trẻ nhỏ. 

Thu Thanh (theo UNICEF, WHO, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI