Khu Nam Sài Gòn: Mùi hôi bủa vây, bệnh tật cận kề

31/08/2016 - 06:15

PNO - Trong khi cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm nguyên nhân gây mùi hơi thối bao trùm khu nam Sài Gòn, thì nhiều người dân khu vực này đang ngày đêm “chịu trận” hít thở không khí ô nhiễm.

Các chuyên gia về sức khỏe cảnh báo, nếu không sớm ngăn chặn tình trạng này, sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Vừa chạy thể dục, vừa bịt khẩu trang

Chiều 30/8, có mặt tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM, chúng tôi cảm nhận phần nào nỗi khổ của người dân nơi đây khi phải sống trong ô nhiễm. Vừa qua khỏi cầu Kênh Tẻ (Q.4), mùi hôi phảng phất theo từng luồng gió. Mùi hôi thối trở nên “nặng” dần khi chúng tôi đi qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng, vòng qua các khu dân cư ở hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ và Phạm Hữu Lầu (H.Nhà Bè). Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hầu hết những người đi dạo, tập thể dục đều đeo khẩu trang kín mít. “Ở nhà lúc nào cũng phải cửa đóng then cài, ra đường chỉ chừa hai con mắt. Khoảng bốn tháng gần đây chúng tôi luôn phải sống trong cảnh này, rất khổ sở” - một cư dân than. Theo nhiều người dân, mùi hôi phát ra nặng nhất từ khoảng 16g đến 5g sáng hôm sau.

Khu Nam Sai Gon: Mui hoi bua vay, benh tat can ke
Người dân sống ở khu chung cư Đức Khải, Q.7 phải sống chung với mùi hôi từ nhiều tháng nay - Ảnh: Phùng Huy

Chị Nguyễn Thu Thủy (ở khu Mỹ Thái) cho biết: “Nhiều lúc mùi hôi kinh khủng đến mức gia đình tôi đóng hết cửa lại mà vẫn không thoát. Ở khu dân cư mà cứ tưởng mình đang sống trên bãi rác”.

Anh Nguyễn Văn Hải (ở chung cư Phú Mỹ) thở dài: “Tôi có hai con nhỏ và mẹ già. Nhiều lúc mùi hôi quá nặng khiến đang ăn, các cháu nôn thốc nôn tháo”. Cạnh đó, cư dân ở khu chung cư Era Town (Q.7) cũng chịu cảnh tương tự. “Mùi hôi không chỉ gây mất ăn, mất ngủ mà nhiều lúc chúng tôi còn bị đau đầu khó chịu. Các cháu ở nhà hắt hơi sổ mũi liên tục. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy động tĩnh gì” - một cư dân chung cư Era Town bức xúc.

Nhiều hộ dân ở H.Nhà Bè cũng kêu khổ vì mùi hôi. “Chiều nào mùi hôi cũng xuất hiện, rất khó chịu. Cứ gió lên là mùi hôi tấn công khu dân cư. Có khi buổi trưa cũng xuất hiện” - anh Trần Văn Du (ở thị trấn Phú Xuân, H.Nhà Bè) cho biết. Trong khi đó, người dân ở khu dân cư Trung Sơn (H.Bình Chánh), dọc Quốc lộ 50 (nối H.Bình Chánh với Q.8) phải gánh chịu mùi hôi thối còn nghiêm trọng hơn. “Chúng tôi nhiều lần đi tìm hiểu xung quanh xem thủ phạm ở đâu, nhưng không tìm ra. Tình hình ngày càng nghiêm trọng. Có lúc mùi hôi nặng đến mức chúng tôi cứ tưởng ai đổ xe phân trước nhà mình” - bà Nguyện Thị Thật (ở ấp 1, xã Phong Phú, H.Bình Chánh) căng thẳng.

Theo ông Phạm Hùng Phong - Phó trưởng Ban quản trị chung cư Phú Mỹ, mùi hôi thối phát ra từ khoảng tháng Năm đến nay. Ban quản trị các chung cư lân cận đều cho biết tình hình tương tự. Mọi người đều có chung nhận định, mùi hôi phát ra từ hướng Tây Nam, nhiều khả năng từ bãi rác Đa Phước. Việc ô nhiễm không khí trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Ban quản trị đã gửi đơn phản ánh đến UBND Q.7, nhưng đến nay tình hình vẫn không cải thiện.

Tương tự, theo Ban quản lý chung cư Belleza (Q.7), việc mùi hôi thối phát tán liên tục trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của gần 2.000 cư dân ở đây. Ban quản lý đã gửi văn bản đến UBND Q.7 cách nay gần hai tháng nhưng “cư dân vẫn sống trong vùng không khí xú uế”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình hình trên, vừa qua, hàng trăm cư dân ở chung cư Belleza đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) TP. Trong đơn này, người dân cho rằng “thủ phạm” gây ra mùi hôi là bãi rác Đa Phước, đề nghị Sở TNMT kiểm tra, làm rõ.

Đại diện Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng cho biết, công ty đã tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhưng tất cả các công trình đều đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Công ty đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị kiểm tra tìm nguyên nhân, khắc phục, để người dân không phải tiếp tục hít thở không khí ô nhiễm.

Phó chủ tịch UBND Q.7, ông Đào Gia Vượng cho biết, quận đã nhận đơn phản ánh của cư dân ở nhiều chung cư trên địa bàn quận về việc xuất hiện mùi hôi thối. Chính quyền quận xác minh, nhận thấy, có mùi hôi xảy ra và chủ yếu vào ban đêm, trong đó khoảng thời gian từ 21-22g và từ 1-2g sáng mùi hôi phát ra nặng nhất. Qua thông tin phản ánh của người dân, mùi hôi có dấu hiệu phát ra từ bãi rác Đa Phước. Ông Vượng nói bãi rác này thuộc thẩm quyền quản lý và giám sát của Sở TNMT. Do đó, UBND Q.7 đã có văn bản kiến nghị Sở TNMT xác định làm rõ nguyên nhân. Đồng thời quận đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Dễ bùng phát dịch bệnh

Hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ô nhiễm ở khu vực Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia môi trường, rất có thể “thủ phạm” gây ra ô nhiễm ở khu vực trên là Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước.

Theo GS-TSKH Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM), ban đầu khi quy hoạch Khu liên hợp xử lý rác thải ở Đa Phước (H.Bình Chánh) thì có vẻ hợp lý. Tuy nhiên về sau, với sự đô thị hóa, mới thấy rằng bãi rác này ở khá gần khu dân cư trong nội thành nên rất dễ gây ảnh hưởng đến môi trường. “Bãi rác Đa Phước nằm ở hướng gió chính, nếu đây là điểm xuất phát mùi hôi thì mùi hôi này có thể phát tán đi xa hàng chục kilômét. Như vậy thì các địa điểm như: H.Nhà Bè, Q.7, Q.4, Q.8 nhất định sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi”, GS-TSKH Lê Huy Bá nhận định.

Cũng theo GS-TSKH Lê Huy Bá, trước đây Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước được giới thiệu là khu xử lý rác thải hiện đại nhất Việt Nam, được vận hành theo quy trình xử lý rác thải hiện đại (Mỹ). Tuy nhiên, thực tế, cách xử lý rác ở đây cũng chủ yếu là chôn lấp nên việc rò rỉ nước thải ra ngoài hay bốc mùi hôi thối là chuyện dễ hiểu.

“Ban đầu TP phải bỏ ra 8 USD sau đó là 20 USD để xử lý một tấn rác. Sở dĩ phải chi số tiền khổng lồ như vậy là để có môi trường, sạch đẹp... Tuy nhiên, hiện tại phương pháp xử lý rác ở Đa Phước cũng giống hệt như ở Đông Thạnh, là 100% chôn lấp, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước, môi trường xung quanh. Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm ở khu vực Nam Sài Gòn không khó. Tuy nhiên, để ngăn chặn mùi hôi này vào khu dân cư là không đơn giản và phải cần tính đến giải pháp lâu dài”, GS-TSKH Lê Huy Bá nhận định.

Về những bất cập tại Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu ĐấtPhân bón & Môi trường phía Nam) nhận định, công nghệ xử lý chất thải rác tại Đa Phước theo lý thuyết là một trong những công nghệ xử lý đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng khi áp dụng thì thực tế lại không được đúng hoàn toàn như vậy. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, ban đầu bãi rác Đa Phước được cho là có thể tái chế hay sản xuất phân compost.

Tuy nhiên, trên thực tế muốn làm phân compost thì các công đoạn sẽ phức tạp như: công đoạn phân loại sau thu gom và tập kết về bãi rác. Công đoạn này khó khăn hơn và đòi hỏi chi phí nhiều hơn, đương nhiên nếu tính theo lợi ích kinh tế thì người ta dễ dàng lựa chọn giải pháp ít chi phí nhất đó là xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp.

BS Nguyễn Xuân Mai (nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM) cho biết, việc hiện nay cơ quan có chức năng về môi trường cần làm ngay là phải xác định nguồn gốc gây ô nhiễm và xác định xem tác nhân gây mùi hôi ở khu vực Nam Sài Gòn là loại khí gì, sau đó lấy mẫu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe của người dân.

“Theo tôi, mùi hôi ở khu vực Nam Sài Gòn là do chất hữu cơ phân hủy tạo nên, chất hữu cơ ở bãi rác khi phân hủy thường tạo ra các loại khí như CH4, NH3,H2 S, N2 … Tùy theo mầm bệnh mà mùi hôi này mang theo trong không khí sẽ gây ra những bệnh khác nhau. Tuy nhiên, thông thường các loại vi khuẩn về hô hấp thường hay đi theo đường không khí. Những người dân bị ảnh hưởng bởi mùi hôi ở khu vực Nam Sài Gòn rất có thể bị những bệnh về đường hô hấp”, BS Mai nhận định.

BS Mai còn cho biết, bãi rác là nơi chứa hầu như tất cả các loại vi khuẩn và mầm bệnh, đặc biệt là các loại vi khuẩn gây ra các bệnh nguy hiểm như thương hàn, phẩy khuẩn tả, vi khuẩn lỵ, uốn ván... “Nếu bãi rác không xử lý tốt để nước thải, không khí ô nhiễm phát tán ra bên ngoài rất nguy hiểm. Những khu vực bị ảnh hưởng rất dễ bị bùng phát dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân”, BS Mai cảnh báo.

Không xử lý kỹ, bãi rác sẽ là nơi phát tán mầm bệnh nguy hiểm

Việc cần làm bây giờ là phải xác định được nguồn xuất phát gây ô nhiễm rồi mới tìm hướng xử lý. Nếu nguồn ô nhiễm là bãi rác Đa Phước thì việc ngăn chặn triệt để không cho mùi hôi tấn công vào khu dân cư là hết sức nan giải. Chúng ta có thể phun chế phẩm vi sinh EM ở bãi rác để ngăn chặn mùi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời và rất tốn kém. Muốn ngăn chặn ô nhiễm ở bãi rác, cần phải phân loại rác ngay từ đầu sau đó tiến hành tái chế các loại rác để làm phân bón. Lượng rác đem đi chôn trong đất chỉ ở mức 5 - 10% chứ không phải đem chôn 100% như hiện nay.

Trong khoảng 10 năm bãi rác Đa Phước đi vào hoạt động, khu vực này cũng thường xuyên bị cư dân sống xung quanh phản ánh là môi trường bị ô nhiễm. Với lượng rác được đưa về bãi rác này mỗi ngày trung bình 3.000 tấ n sau này tăng lên 5.000 tấn rác thì chuyện rác được chất thành núi là đương nhiên. Bãi rác hiện tại thì đang xử lý rác theo kiểu đổ đống phó mặc cho thiên nhiên. Vào những ngày nóng, nhiệt độ trong bãi rác có thể tăng lên từ 70 - 80 độ C, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Chỉ cần gặp gió, mùi hôi này sẽ lập tức phát tán đi nơi khác gây ô nhiễm. Mùi hôi này thực chất là chất độc có thể tác động lên hệ thần kinh, khướu giác và nguy cao gây ung thư phổi.

GS-TSKH Lê Huy Bá

Việc tái chế rác để sản xuất phân compost không hề khó. Hơn nữa nhu cầu sản xuất nông - lâm nghiệp cũng đang rất cần phân hữu cơ. Tuy nhiên, có thể do lợi ích kinh tế nên người ta chọn phương pháp xử lý rác ít chi phí nhất là chôn lấp. Việc chôn rác với khối lượng quá lớn cũng giống như quả bom nổ chậm sẽ nổ trong tương lai.

Mỗi ngày, bãi rác Đa Phước tập kết 3.000 tấn rác, 10 năm qua, bãi rác này đã chôn lấp một lượng rác lớn. Trước những bất cập về môi trường xảy ra ở bãi rác Đa Phước như hiện nay, cần phải xem xét lại việc áp dụng công nghệ kỹ thuật trong việc xử lý rác thải có đúng như xét duyệt ban đầu hay không. Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm của đơn vị giám sát, quản lý.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa

Phan Trí - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI