Không sạch từ gốc đến ngọn, sầu riêng Việt khó ra thế giới

24/05/2025 - 16:35

PNO - Tại hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chiều 24/5, các ý kiến cho rằng, sầu riêng Việt Nam dù mang lại giá trị xuất khẩu lớn, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức về chất lượng, thị trường và tính bền vững.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích sầu riêng của Việt Nam tăng đột biến trong chưa đầy một thập kỷ, từ 32.000 ha năm 2015 lên gần 179.000 ha vào năm 2024. Mức tăng trưởng này cao gấp 2,38 lần so với mục tiêu đề ra cho đến năm 2025.

Tăng trưởng mạnh về quy mô đã nảy sinh những bất cập về quy hoạch vùng trồng, quản lý chất lượng, cũng như phụ thuộc quá lớn vào một thị trường xuất khẩu.

Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng nóng, cùng việc thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc siết kiểm soát chất lượng khiến mặt hàng này gặp khó trong khâu tiêu thụ - Ảnh minh họa
Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng nóng, cùng việc thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc siết kiểm soát chất lượng khiến mặt hàng này gặp khó trong khâu tiêu thụ - Ảnh: Mai Ca

Cụ thể, trong năm 2024, Trung Quốc chiếm tới 97,2% thị phần xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu từ thị trường này đã sụt giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân đến từ tình hình kinh tế Trung Quốc khó khăn, sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng và áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực như Campuchia, Malaysia - những quốc gia được Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng chính ngạch từ cuối năm 2024.

Ông Lê Liên Thành - thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đầu tư Thương mại Sản xuất miền Nam 007 - cho biết, hiện mỗi ngày công ty chỉ xuất được vài container, trong khi năng lực có thể gấp nhiều lần. "Chi phí lưu kho tăng cao, đơn hàng bị hủy, ảnh hưởng không chỉ tiền bạc mà cả uy tín doanh nghiệp và ngành hàng" - ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Thành, tín hiệu tích cực là Trung Quốc đã cấp thêm mã vùng trồng và mã đóng gói trong thời gian gần đây. Tình hình có cải thiện, nhưng cần đi kèm sự quản lý chặt chẽ, minh bạch. Nếu chỉ mở rộng mã số mà không kiểm soát vùng sạch cadimi thì rủi ro vẫn còn rất lớn. Ông Thành cũng kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng đánh giá, công nhận các vùng đủ điều kiện xuất khẩu.

Về giải pháp lâu dài, ông cho rằng, rất cần đến mối liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học. Cadimi không thể xử lý bằng kinh nghiệm, mà phải có quy trình khoa học. Người trồng, doanh nghiệp đang rất cần được chuyển giao quy trình thải độc, hướng dẫn cụ thể theo từng vùng đất.

Ông Trần Ngọc Ấn - chủ trang trại sầu riêng Five A (trang trại có 5.000 gốc, canh tác theo hướng hữu cơ nhiều năm qua) - bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân. Giải pháp lâu dài là tổ chức các buổi hội thảo và tuyên truyền rộng rãi về kỹ thuật canh tác đạt chuẩn. Người dân chỉ có thể làm đúng khi họ hiểu và tin vào hướng đi bền vững.

Theo tiến sĩ Lê Hải Phong - Giám đốc điều hành Trung tâm chuyển giao công nghệ Biotech Solution, việc kiểm soát hàm lượng cadimi trong sầu riêng là rất khó nếu vẫn canh tác theo phương pháp truyền thống. Cadimi có thể tồn tại trong đất, nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nên để hạn chế cây hấp thụ kim loại nặng này, bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ.

Ông nhấn mạnh: cần nhanh chóng chuyển giao công nghệ và thiết lập mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ - bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Không thể bỏ quên trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước

Ông Vũ Phi Hổ - đại diện Công ty cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) phản ánh, nhiều cơ sở đóng gói chưa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động, dù Trung Quốc chỉ công nhận các đơn vị được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt. Sự nhập nhằng này làm mất đi tính minh bạch, ảnh hưởng đến sự công bằng trong hoạt động xuất khẩu.

Theo ông, nhiều vùng trồng mới còn yếu về quản lý kỹ thuật, đặc biệt là khâu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc người dân tự “chắp vá” kiến thức để áp dụng vào sản xuất khiến chất lượng khó đảm bảo khi mở rộng quy mô. Mở rộng diện tích mà thiếu năng lực canh tác sẽ dẫn đến rủi ro cho cả ngành.

Ngoài ra, hệ thống dữ liệu vùng trồng chưa đầy đủ, trong khi quy chuẩn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn thiếu thống nhất - điều này càng làm gia tăng rào cản đối với hoạt động xuất khẩu bài bản, lâu dài.

Ông cho rằng, mục tiêu xuất khẩu là quan trọng, nhưng không thể quên trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước. “Không thể để hàng bị trả từ biên giới rồi lại quay về bán cho dân mình. Đó là điều không thể chấp nhận” - ông nói.

Theo ông, chỉ khi doanh nghiệp và người trồng đặt chất lượng, minh bạch và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, thì sầu riêng Việt mới có thể giữ được chỗ đứng trong và ngoài nước.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI