TPHCM: Chấn chỉnh an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt

18/07/2025 - 06:46

PNO - Tình trạng vượt rào chắn, băng qua đường ray khi tàu sắp đến vẫn xảy ra thường xuyên tại nhiều điểm giao cắt ở trung tâm TPHCM. Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, cơ quan chức năng thành phố đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp.

Hỗn loạn tại các điểm giao cắt

Vào giờ tan tầm, tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường Hoàng Văn Thụ (phường Phú Nhuận), dòng xe từ các hướng dồn về khiến giao thông ùn ứ. Mặc cho đèn cảnh báo và tiếng còi tàu đã vang lên, nhiều người vẫn cố luồn lách băng qua đường ray để được đi trước. Tiếng còi xe, tiếng quát tháo, tiếng rồ ga cùng với sự chen lấn tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và nguy hiểm. Chỉ khi đoàn tàu đã đến gần, dòng người mới miễn cưỡng dừng lại. Phải mất 15 phút sau, giao thông mới ổn định trở lại.

Người đi đường vô tư di chuyển ngược chiều tại điểm giao cắt đường sắt với đường Hoàng Văn Thụ
Người đi đường vô tư di chuyển ngược chiều tại điểm giao cắt đường sắt với đường Hoàng Văn Thụ

Tại nhiều điểm giao cắt khác như đường Chiến Thắng, Trần Khắc Chân (phường Đức Nhuận), đường ray nằm sát khu dân cư, không gian chật hẹp, các phương tiện vẫn phóng nhanh, vượt ẩu. Những hộ dân ở sát đường luôn nơm nớp nỗi lo tai nạn ập tới bất kỳ lúc nào.

Bà Nguyễn Thúy Hiền - sống gần điểm giao cắt đường Chiến Thắng - chia sẻ: “Chuyện người đi sai luật, ngược đường, vượt đèn báo diễn ra hằng ngày. Có người còn chở hàng cồng kềnh, tống ba, chạy bạt mạng qua đường ray. Tôi mong cơ quan chức năng gắn thêm biển hạn chế tốc độ và xử phạt nghiêm để răn đe”. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - chủ tiệm tạp hóa trên đường Trần Khắc Chân - trăn trở: “Ngày nào tôi cũng chứng kiến cảnh người ta chen lấn, cố phóng qua đường ray khi rào chắn đã hạ. Có hôm tôi hoảng hồn khi một thanh niên vọt qua ngay trước đầu tàu. Cứ nghe tiếng còi tàu từ xa là tim tôi lại đập nhanh vì lo”.

Ghi nhận tại điểm giao cắt trên đại lộ Phạm Văn Đồng (phường Hạnh Thông) - một trong những tuyến huyết mạch đông đúc tại TPHCM - tình trạng người dân đi sai luật diễn ra khá phổ biến. Dù có rào chắn, đèn tín hiệu và còi báo tàu đến, nhưng nhiều người vẫn cố tình vượt qua khi rào đã hạ hoặc tìm cách lách qua lề trái để đi cho nhanh. Không ít trường hợp còn chở theo trẻ nhỏ, hàng hóa cồng kềnh, di chuyển với tốc độ cao ngay trước khi tàu tới.

Ý thức kém của một bộ phận người dân khiến không ít người bức xúc. Anh Trần Văn Quý - tài xế xe ôm công nghệ, thường xuyên đón khách gần điểm giao cắt đường ray Phạm Văn Đồng - cho biết: “Tôi từng chứng kiến một chiếc xe bị kẹt giữa đường ray vì cố vượt, may mà có người chạy ra hỗ trợ. Nếu không sẽ nguy hiểm. Mong sao mọi người có ý thức hơn, đừng vì sự nóng vội mà đánh đổi mạng sống”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng phòng Quản lý bảo trì và Khai thác công trình giao thông, Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua TPHCM dài khoảng 14km, với 24 điểm giao cắt đồng mức. Trong đó có 21 vị trí có người gác, 3 vị trí không có người gác nhưng được trang bị cần chắn tự động.

Ngoài ra, tất cả các vị trí đều được lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông đúng quy định. Riêng 3 điểm không có người gác, lực lượng thanh niên xung phong đã bố trí túc trực từ 6g đến 22g hằng ngày. Do toàn bộ giao cắt đều đồng mức, khi tàu chạy qua các vị trí như Đỗ Thị Lời, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Tô Ngọc Vân… tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm và dịp lễ, tết.

Để giảm thiểu tình trạng này, Sở Xây dựng TPHCM đã chủ động phối hợp ngành đường sắt và các lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp như: nhận kế hoạch chạy tàu để bố trí lực lượng điều tiết tại các địa phương; thiết lập nhóm liên lạc nhanh qua các ứng dụng như Zalo, Viber để kịp thời xử lý khi xảy ra ùn tắc; rà soát thời gian đóng/mở chắn tàu, tránh đóng quá sớm gây ùn tắc không cần thiết; đồng bộ hóa hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số giao lộ như Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình, trại cá sấu Hoa Cà, chùa Ưu Đàm...

Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường an toàn tại những điểm giao cắt trọng yếu. Trong đó, Ban An toàn giao thông thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không lấn trái đường khi chờ tàu; lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm hành vi vượt ẩu, cắt mặt tàu hỏa gây mất an toàn; nghiên cứu lắp đặt camera giám sát tại những vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc; kiến nghị ngành đường sắt cho phép lắp dải phân cách cố định để hạn chế xe vượt trái, gây cản trở giao thông và nguy cơ tai nạn.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI