Doanh nghiệp Việt chủ động chuyển hướng thị trường

15/07/2025 - 07:06

PNO - Trước tháng 4/2025, Mỹ là thị trường chủ lực của Công ty TNHH Cà Mèn Foods, còn Canada là thị trường nhỏ. Nhưng khi thị trường Mỹ trở nên bấp bênh do chính sách thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ, Cà Mèn buộc phải tìm hướng đi mới để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ông Lê Trọng Đôn - Giám đốc Cà Mèn Foods - cho hay, quyết định chuyển hướng sang thị trường Canada không đơn thuần né rủi ro mà là bước chuyển chiến lược. Thay vì tiếp tục xuất khẩu nhỏ giọt, Cà Mèn Foods bắt tay với nhà phân phối bản địa tổ chức chuỗi hoạt động dùng thử, hội chợ và trải nghiệm văn hóa Việt. “Người Việt ở Canada đông, nhưng để họ chọn hàng Việt giữa vô vàn sản phẩm ngoại khác, cần có sự chân thành và một chút bản sắc” - ông nói.

Nhờ cách tiếp cận ấy, chỉ trong nửa đầu năm 2025, từ một sản phẩm “gửi nhờ tay kiều bào”, món cháo của Cà Mèn giờ đây đã vào thẳng 15 hệ thống siêu thị lớn ở Toronto và Montreal - nơi tập trung cộng đồng gốc Việt - mức tiêu thụ đạt gần 30.000 gói cháo, tăng gấp 3 lần so với cả năm 2024. Với thắng lợi bước đầu này, Cà Mèn Foods đặt mục tiêu bán được 60.000 gói cháo ở thị trường Canada trong năm 2025.

Sản phẩm của Cà Mèn Foods trong siêu thị ở Canada - ẢNH: ĐÔN LÊ
Sản phẩm của Cà Mèn Foods trong siêu thị ở Canada - Ảnh: Đôn Lê

Do những sản phẩm mật ong phải chịu thuế chống bán phá giá tại Mỹ 60%, nay có thể phải cộng thêm thuế đối ứng nên Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên chuyển hướng về thị trường nội địa và tìm kiếm đơn hàng từ châu Âu, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc công ty - cho biết thêm, Xuân Nguyên liên tục thay đổi cách tiếp cận, hễ thị trường này gặp khó thì chuyển ngay sang thị trường khác. Để dễ tiếp cận thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, ngoài sản phẩm mật ong nguyên chất, công ty còn có các sản phẩm chế biến sâu như mật ong nghệ, viên tinh nghệ mật ong. Nhờ phản ứng nhanh và chủ động, doanh thu năm 2025 của Xuân Nguyên dự kiến tăng nhẹ.

Thay vì đầu tư mở rộng thị trường xuất khẩu mới khi tốc độ chi tiêu toàn cầu chững lại, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) chú trọng phát triển các kênh online để bán trong nước, ưu tiên các sản phẩm dễ mua, dễ mặc. Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc công ty - cho hay, Vitajean phát triển từng dòng riêng phù hợp độ tuổi, đặc biệt là nhóm khách hàng từ 18-40 tuổi. Vitajean triển khai hệ thống bán hàng số hóa toàn diện, kết hợp với các sàn thương mại điện tử lớn để phân phối sản phẩm theo thuật toán cá nhân hóa: xác định hành vi tiêu dùng, phân loại thu nhập, nhận dạng hình ảnh sản phẩm, điều chỉnh thiết kế theo thị hiếu.

Sản phẩm của Vitajean có mức giá đa dạng, từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, giúp thương hiệu tiếp cận nhiều tầng lớp khách hàng. Toàn bộ khâu phân phối, hiển thị, nhận diện đều được tự động hóa. Nhờ vậy, sản phẩm tiếp cận đúng người, đúng nhu cầu, đúng thời điểm. Ông Phạm Văn Việt tiết lộ, doanh thu nội địa của công ty nửa đầu năm 2025 tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến cả năm đạt 250 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2024.

Theo kết quả khảo sát được Ngân hàng UOB công bố mới đây, 60% doanh nghiệp (DN) Việt vẫn lạc quan về triển vọng năm tới, 46% lên kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu, gần 70% hướng đến thương mại nội khối ASEAN. Chuyển đổi số và phát triển bền vững là 2 yếu tố được các DN chú trọng đầu tư. Ông Lim Dyi Chang - Giám đốc khối khách hàng DN, Ngân hàng UOB Việt Nam - nhận định, khả năng thích ứng là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho DN Việt trong bối cảnh có nhiều biến động hiện nay.

Theo tiến sĩ Đậu Thiên Anh Tuấn - giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - trong bối cảnh nền thương mại toàn cầu có nhiều bất ổn, các rào cản phi thuế quan và tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị DN) ngày càng khắt khe, xuất khẩu Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lợi thế chi phí rẻ hay các hiệp định thương mại tự do (FTA). Muốn duy trì đà tăng trưởng dài hạn, DN Việt cần chuyển từ làm thuê (gia công) sang làm chủ, tăng tỉ lệ nội địa hóa và xây dựng thương hiệu có giá trị thực. Chính phủ cần chủ động trong đàm phán và điều chỉnh chính sách thương mại để bảo vệ DN nội, nhất là ở các ngành hàng dễ bị tổn thương trước sự thay đổi chính sách từ các đối tác lớn. “Đây là lúc Việt Nam cần một chiến lược xuất khẩu bền vững” - ông nói.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI