Không được tập phát âm, trẻ hở hàm ếch bị rối loạn giọng

13/02/2017 - 17:34

PNO - Trẻ bị hở hàm ếch dù đã được phẫu thuật, vẫn có thể nói ngọng. Nếu không giải quyết vấn đề này, lớn lên trẻ sẽ mặc cảm, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Trầm cảm, bạo lực vì bị chê... ngọng

Gần đây, con trai chị Liên (Q.1, TP.HCM) cứ lầm lì. Đi học về cháu không nói chuyện với ai mà chỉ trốn trong phòng. Ở trường, cô giáo cho biết cháu ít phát biểu, không tham gia những hoạt động cùng các bạn, chỉ thu mình một góc.

Nguyên nhân do đâu vợ chồng chị Liên nghĩ mãi vẫn không hiểu. Một lần theo dõi chương trình trò chuyện với thầy thuốc, nghe bác sĩ giải thích, trẻ hở hàm ếch rất mặc cảm và tự ti với bạn bè vì giọng nói của mình, chị Liên mới giật mình. Hóa ra con chị bị trầm cảm do mặc cảm vì giọng nói không rõ ràng. 

Chị Hồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vô cùng khổ sở vì phải thường xuyên nghe cô giáo phàn nàn về con gái. Trước đây con bé rất ngoan ngoãn, lễ phép; nhưng chẳng hiểu sao càng lớn càng hung dữ, hay bắt nạt bạn bè, thậm chí có lần còn đánh cả một bạn trai cùng lớp.

Đưa con đi khám chị mới hiểu ra, con gái thay đổi là do nói ngọng, bị bạn bè chọc ghẹo. Hóa ra, cho con phẫu thuật hở hàm ếch thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần phải luyện tập phát âm để trẻ tìm lại giọng nói chuẩn. 

PGS-TS-BS Trần Việt Hồng - Phó giám đốc BV nhân dân Gia Định, TP.HCM, cho biết: “Vòm miệng có chức năng ngăn cách khoang miệng và khoang mũi, tạo các khoang cộng hưởng cho quá trình phát âm.

Vòm mềm cùng với thành hầu họng có vai trò như một van đóng mở giữa khoang mũi và họng giúp phát âm một cách bình thường. Ở trẻ dị tật hở hàm ếch, dù hở vòm mềm hay toàn bộ khe vòm cứng, thì do khoang mũi và khoang miệng thông nhau nên rối loạn phát âm.

Nếu không được phẫu thuật tạo hình lại vòm miệng, các rối loạn về phát âm như nói ngọng, nói giọng mũi, giọng họng… sẽ ngày càng trầm trọng; gây biến dạng mặt, chủ yếu là ở môi, răng, mũi. Dù tình trạng này không ảnh hưởng đến bộ não của trẻ nhưng khi lớn lên trẻ có thể mặc cảm, thiếu tự tin vì sự khiếm khuyết trên gương mặt của mình”. 

Thời gian để sửa dị tật tốt nhất là khoảng một-hai tuổi, vì đây cũng là giai đoạn trẻ có thể khắc phục các rối loạn về phát âm. Dù phẫu thuật này được triển khai tại Việt Nam hơn 20 năm nhưng đến thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn không biết phải chữa trị cho con ở đâu, cũng không quan tâm điều trị sớm.

Khong duoc tap phat am, tre ho ham ech bi roi loan giong

Trẻ hở hàm ếch sẽ được phẫu thuật môi, vòm miệng, luyện phát âm, ghép xương ổ răng, chỉnh hình môi, mũi, điều trị tâm lý để hòa nhập. Tuy nhiên, do quá trình này lâu dài, chi phí tốn kém nên nhiều trẻ được phẫu thuật xong không có điều kiện đến các trung tâm để được tư vấn điều trị mà chỉ đơn thuần là vá, đóng lại khe hở môi để giúp trẻ có thể ăn uống bình thường, đỡ bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

 Đa số chỉ điều trị khi đã 10-15 tuổi do trẻ đã biết mặc cảm với bạn bè. Lúc này, lỗi phát âm đã thành thói quen, rất khó khắc phục. Có những trường hợp sau khi phẫu thuật giọng nói vẫn cao, ngọng là do không được luyện tập phát âm, không luyện tập vòm mềm và các cơ miệng; hoặc do phẫu thuật chưa đóng kín đủ khe hở vòm, xuất hiện lỗ thông ở vòm miệng làm thoát khí từ miệng lên mũi. 

Phải kiên trì luyện tập

Theo PGS-TS-BS Trần Việt Hồng, sau khi trẻ phẫu thuật hở hàm ếch, phụ huynh nên hỗ trợ để trẻ có thể phát âm tốt hơn bằng cách thường xuyên massage vết mổ; cho trẻ tập thổi bóng hoặc thổi ống trong cốc nước để giúp các cơ ở vòm miệng và vòm họng hoạt động tốt hơn.

Đồng thời, phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên viên âm ngữ trị liệu để đánh giá tình trạng phát âm của trẻ, nếu cần thiết sẽ tiến hành luyện tập âm ngữ trị liệu. Đa số trẻ phát âm sai là nói bằng giọng mũi chứ không phải giọng nói họng thanh quản. Thí dụ: quả bóng thì nói nhỏa nhóng hay hỏa hóng; mất phụ âm đầu như: bàn tay thì nói àn ay, hay thay phụ âm đầu như con cua thì nói nhon nhua; đồng thời ,khả năng diễn đạt để cho người khác hiểu rất thấp.

“Quá trình luyện tập âm ngữ trị liệu rất phức tạp, phải làm quen với việc để hơi thoát ra từ miệng khi nói hoặc thổi, tạo động lực để bé tự nói càng nhiều càng tốt, giúp bé nghe và phân biệt các âm, các từ thường nói sai…

Việc này thường kéo dài từ một-hai năm, tùy thuộc vào sự kiên trì của phụ huynh, sự hợp tác của trẻ, tình trạng bệnh, sự hỗ trợ của nhà trường và giáo viên… Nếu sau khi tập phát âm, tình trạng nói ngọng vẫn không cải thiện, phải đưa trẻ đi kiểm tra lại tại bệnh viện.

Nếu khe hở vòm chưa được đóng kín hoàn toàn và còn khe hở ở vòm cứng hay vòm mềm thì cần phẫu thuật lại để đóng kín lỗ thông”, PGS-TS-BS Trần Việt Hồng khuyên.

Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI