Khốn khổ với 'thuế' nộp mẹ chồng

22/05/2019 - 11:00

PNO - Khi còn độc thân, lương em đủ sống thoải mái, muốn mua cái gì cũng không phải suy nghĩ nhiều dù phải chi trả tiền thuê nhà. Nay thì tiền phải nộp hằng tháng như nộp thuế vậy. Chuyện để dành tiền bây giờ khó như… lên trời.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em mới kết hôn được hai năm, đang sống chung với gia đình chồng. Việc này em đã chuẩn bị tinh thần trước, vì biết mình chưa đủ tiền mua nhà riêng. Chính vì vậy, em rất ý thức dành dụm tiền, vừa phòng thân, vừa chuẩn bị mua một căn hộ nhỏ, thoát cảnh ở chung và làm dâu. Nhưng suốt hai năm nay, em không thể nào làm được điều đó vì tháng nào cũng xài hết sạch.

Khon kho voi 'thue' nop me chong
Ảnh minh họa

Ngoài khoản tiền ăn em phải nộp cho mẹ chồng hằng tháng, còn bao nhiêu thứ khi thì ba nhờ mua, khi thì mẹ nhờ mua, khi thì chồng muốn mua, mà tiền toàn là do em trả. Những thứ phải mua đều là thực phẩm trong gia đình nên em cũng khó hỏi tiền hay yêu cầu mẹ đưa lại. Khi còn độc thân, lương em đủ sống thoải mái, muốn mua cái gì cũng không phải suy nghĩ nhiều dù phải chi trả tiền thuê nhà. 

Nay thì tiền phải nộp hằng tháng như nộp thuế vậy, chẳng còn lại bao nhiêu, lại thêm những khoản bất thường, nhiều khi em muốn mua sắm gì cũng phải kìm lòng lại. Mấy tháng đầu em nghĩ mình có thể tự cân đối được, nhưng sau đó em biết là không thể. Chuyện để dành tiền bây giờ khó như… lên trời vậy.

Nói chuyện với bạn bè, tụi nó nói lương chồng em đâu sao không tính. Lương chồng em thì theo “truyền thống” từ lúc anh ra trường đi làm đến nay tháng nào lãnh lương xong cũng nộp hết cho mẹ, khi cần mới hỏi xin lại. Em không biết kêu ca làm sao để mẹ “giảm thuế” cho em, chứ cứ như thế này thì em khó sống quá…    

Phi Lan (TP. HCM)

Em Phi Lan thân mến, 

Hạnh Dung hoàn toàn nhất trí với em về mục “xin giảm thuế”. Mình không chủ động có ý kiến thì “chính quyền” khó có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Cứ giữ mãi những ấm ức trong lòng thì không hay, có ngày thế nào cũng bùng lên thành cơn giận, lúc đó cả hai bên đều khó kiềm chế. Chuyện tiền bạc là chuyện tế nhị. Nhất là trong hoàn cảnh của em, mẹ chồng là người lâu nay nắm tay hòm chìa khóa trong nhà, giờ thay đổi cũng cần thời gian chứ không phải nhất thời thay đổi được ngay. 

Khon kho voi 'thue' nop me chong
Ảnh minh họa

Mình cần tìm cách làm tốt nhất, để đừng ảnh hưởng đến không khí gia đình em nhé. Trước tiên, em cần nói chuyện với ông xã, về kế hoạch dành dụm tiền bạc, mục tiêu là chuẩn bị có em bé, hay để mua nhà, hay để làm gì đó… Nhất định là vợ chồng phải có kế hoạch dành dụm tích lũy, chứ không thể chỉ trông vào cha mẹ được. Khi chồng em thống nhất việc này, mình mới từ từ bàn đến cách làm.

Lương của em mỗi tháng chi bao nhiêu khoản, nên ghi chép cẩn thận rõ ràng, vợ chồng cùng xem, cùng cân nhắc thử khoản nào có thể cắt bớt, khoản nào không, rồi muốn có tiền để dành thì nên kiếm việc làm thêm, hay nên trình bày với mẹ và xin điều chỉnh một chút. Quan trọng là em phải có được sự ủng hộ của chồng, đừng tự giải quyết một mình. 

Trong cách trình bày với mẹ, cũng cần cân nhắc, ví dụ em có thể bắt đầu từ chuyện như bây giờ cái gì cũng tăng giá, lương em cố định, mà những khoản như tiền xăng cộ, ăn trưa… đều tăng. Cùng là phụ nữ, mẹ chồng sẽ hiểu cái khó của em và có cách giảm thôi. Hay khi em muốn mua sắm món gì đó mà không đủ tiền, em cứ nói thật với mẹ.

Thỉnh thoảng, cũng có tháng lương tiền sút giảm, em cứ trình bày tháng này con bị trừ khoản A, khoản B. Thường thì khi thiếu hụt, người ta cũng nghĩ đến chuyện tìm việc làm thêm, tăng thu nhập. Em thử nghĩ về hướng này và nói chuyện với mẹ thử xem.

Nói chung, có nhiều cách để đề cập chuyện này như một câu chuyện bình thường được chia sẻ giữa những thành viên trong gia đình, chứ không cần em phải chính thức “viết đơn xin giảm thuế” đao to búa lớn. Chuyện dành dụm còn dài, không cần nóng vội, cần mềm dẻo khéo léo em nhé! Chúc em thành công.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về: 
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI