Khoảng trống ở khoảnh khắc cuối cùng

07/03/2020 - 09:14

PNO - Khi tách rời nhịp sống với cái gọi là khoảnh khắc cuối cùng, chúng ta thường có xu hướng bội bạc và lãng quên.

Buổi sáng 19/2, dường như đã có cả triệu người lặng người trước hình ảnh người vợ bác sĩ Lưu Chí Minh (giám đốc Bệnh viện Vũ Xương, TP.Vũ Hán, mất vì bị nhiễm Covid-19 trong tuyến đầu chống dịch) khóc nức nở chạy theo chiếc xe chở linh cữu chồng. 

Hình ảnh người vợ bác sĩ Lưu Chí Minh (Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương, TP.Vũ Hán, mất vì bị nhiễm COVID-19) khóc nức nở chạy theo chiếc xe chở linh cữu chồng đã khiến nhiều người rơi nước mắt
Hình ảnh người vợ bác sĩ Lưu Chí Minh (Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương, TP.Vũ Hán, mất vì bị nhiễm COVID-19) khóc nức nở chạy theo chiếc xe chở linh cữu chồng đã khiến nhiều người rơi nước mắt

Chị không còn cơ hội nói điều gì với chồng mình nữa, kể từ lúc chiếc xe ấy lăn bánh và cả trước đó, kể từ lúc anh được áp vào mặt chiếc máy thở vì bị Covid-19 xâm nhập.

Chị là một trong rất nhiều người đã không còn kịp nói lời cuối cùng với chồng mình. Dương tính, cách ly - giữa đó là cụm từ “ngay tức khắc”, người bệnh chẳng kịp nói điều gì với vợ con và ngược lại hoặc nếu có, chỉ là những dòng nước mắt qua khung cửa kính. 

Những tâm tư dang dở, những điều cuối cùng cần nói cũng không thể nữa. Rất nhiều người như thế, đã không kịp làm điều cuối cùng ấy, trong cuộc chiến này.

Ngày hôm đó, tiếng khóc của vợ bác sĩ Lưu Chí Minh và cánh tay với vào khoảng trống mà chiếc xe chở thi hài để lại, xói vào nhiều người nỗi đau, dù họ trong cuộc hay ngoài cuộc, mất mát hay chưa mất mát. Đó là khoảng trống của sự hoảng hốt khi nhận ra rằng chúng ta dường như đã yêu thương chưa đủ những người mình yêu thương.

Thỉnh thoảng, trên mạng lại xuất hiện “câu thách”: “Nếu mai là ngày tận thế, bạn sẽ làm gì?” và sau đó là những đáp án với vô số trạng thái. Kẻ cho biết mình sẽ đến đứng trước mặt người mình thích và nói “tôi yêu anh”, kẻ bảo sẽ… đập cho bà sếp ngày ngày cau có một trận nên thân, người nói sẽ ăn một bữa thỏa thuê bất cứ món gì yêu thích bởi đã kiêng ăn để giữ dáng quá lâu…

Chị, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, kể rằng mình nhận được câu thách qua một nhóm chat khi đang ăn tối cùng đối tác, với ê hề các món Á - Âu trên bàn và không hiểu sao lúc ấy chị chỉ muốn buông đũa, chạy về nhà để xem mẹ mình đã ngủ chưa, bà có đắp chăn đủ ấm không…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thật lạ, chỉ đến khi đứng trước giây phút cuối cùng, người ta mới có đủ dũng khí để bày tỏ một điều… chẳng chết ai như lời tỏ tình kia hoặc chỉ làm một việc rất đơn giản là quan sát hơi thở của mẹ già khi ngủ. Cái cuối cùng ấy, cũng như không biết tự lúc nào, phải cho tới khi có quá nhiều người ngã xuống, chúng ta mới hoảng hốt, quay sang ôm lấy người bên cạnh.  

Người mẹ khoe bức vẽ nguệch ngoạc của đứa con gái 2 tuổi với niềm vui sướng hân hoan, mà trước thời điểm con chị không thể đến nhà trẻ vì dịch, chị chưa lần nào nhận ra ánh mắt con mình lấp lánh lúc nhìn thấy chiếc bút và bé sẽ vồ lấy rồi vẽ lên bất cứ thứ gì trong tầm tay với. 

Có người vì phải “gặp” con nhiều hơn, vì thế phải ôm con nhiều hơn, bỗng nhận ra mình hạnh phúc thế nào với những lần ôm không cần lý do ấy. Qua giai đoạn đầy rẫy những diễn ngôn mang tính ca thán vì trẻ ở nhà mùa dịch, quan sát kỹ sẽ thấy, mạng xã hội như thay một lớp áo mới, mang tên niềm-hạnh-phúc-vì-con-ở-nhà. 

Nhiều người đã bỏ lỡ rất nhiều điều trong đời mình như thế, cho đến khi phải nằm trong hoàn cảnh bắt buộc, mới nhận ra. 

Thế nhưng sự lãng quên ấy cũng là lãng quên bản thân. Yêu thương người khác đủ đầy không phải là nghĩa vụ. Đó là nhu cầu, là hạnh phúc, để thấy ý nghĩa sự tồn tại của chính mình. Chúng ta yếu ớt hơn nhiều so với bản thân đã tưởng, mà vì tưởng, nên chúng ta cũng chưa từng biết mình đã “sống lỗi” với bản thân như thế nào. 

Khi tách rời nhịp sống với cái gọi là khoảnh khắc cuối cùng, chúng ta thường có xu hướng bội bạc và lãng quên, kể cả lãng quên điều làm bản thân hạnh phúc.

Hàn Chinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI