Khó giải quyết nạn quấy rối tình dục ở học đường

06/04/2021 - 05:54

PNO - Đầu tháng Tư, Bộ Giáo dục Anh mở ra đường dây nóng nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị quấy rối và xâm hại tình dục trong môi trường học đường. Chính phủ Anh cũng thông báo, sẽ xem xét ngay các chính sách bảo vệ nạn nhân trong các trường công và tư.

Vấn nạn cố hữu

Có khoảng 13.000 cáo buộc về quấy rối tình dục từ các trường trung học và đại học ở Anh, trong đó có nhiều trường tư thục danh tiếng, được đưa ra trên trang web Everyone’s Invited - được lập từ tháng 6/2020 nhằm giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục học đường. Trang web do Soma Sara, 22 tuổi, thành lập sau khi cô chia sẻ trải nghiệm bị quấy rối của bản thân trên Instagram.

Những tấm biển phản đối nạn quấy rối tình dục ở học đường được treo bên ngoài Trường nữ sinh James Allen ở London, Anh - Ảnh: Getty Images
Những tấm biển phản đối nạn quấy rối tình dục ở học đường được treo bên ngoài Trường nữ sinh James Allen ở London, Anh - Ảnh: Getty Images

Hàng ngàn lời khai trên trang web cho thấy, các nữ sinh trung học bị ép gửi ảnh khỏa thân, ảnh quan hệ tình dục tại các bữa tiệc và họ thường xuyên nhận được tin nhắn, hình ảnh phản cảm từ các học sinh nam khác. Nạn nhân Zan Moon kể, cô vẫn nhớ khoảnh khắc mình bị hại chín năm trước, thủ phạm là một cậu thanh niên mà cô cho là sinh viên Trường cao đẳng Eton: “Tôi vẫn ám ảnh về đoạn hành lang nơi xảy ra sự việc. Cậu ta ôm cổ tôi, làm tôi nghẹt thở rồi... Thật đau đớn. Tôi liên tục bảo cậu ta dừng lại”.

Eton là ngôi trường nơi có nhiều chính trị gia nổi tiếng từng theo học, bao gồm cả Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry. Ban giám hiệu trường cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo về các mối quan hệ lành mạnh, dạy học sinh về quyền từ chối hoặc đồng ý trong hành vi tình dục. Nhà trường không bình luận gì thêm về câu chuyện của Zan Moon.
Phản ứng mạnh mẽ về nạn quấy rối và xâm hại tình dục ở học đường là đáng khích lệ, nhưng nó cũng mang đến những khó khăn.

Bản chất ẩn danh của các bài đăng khiến cơ quan chức năng khó xác nhận sự thật, trừ phi có thông tin cụ thể. Barnaby Lenon - Chủ tịch Hội đồng Các trường tư tại Anh - gợi ý rằng bất kỳ cuộc điều tra nào về các cáo buộc đều phải hội đủ tình tiết từ nhiều phía. Maria Miller - Nghị sĩ và là cựu Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ và Bình đẳng Anh - cảnh báo rằng đường dây trợ giúp của cảnh sát có thể dẫn đến “làn sóng báo cáo” nhưng không giúp thay đổi gốc rễ vấn đề.

Theo một cuộc khảo sát mới từ Plan International - tổ chức từ thiện dành cho trẻ em toàn cầu ở Anh - 58% nữ sinh từ 14-21 tuổi thừa nhận từng bị quấy rối tình dục công khai ở học đường. Đây là thách thức nan giải đối với các trường học nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Một vài trường tư nhân đã tiến hành các cuộc điều tra. Trường trung học Highgate ở phía bắc London - nơi các nữ sinh lớp 11 tổ chức một cuộc đi bộ để phản đối vấn nạn quấy rối tình dục - đã yêu cầu có cuộc đánh giá ngay lập tức về các cáo buộc quấy rối và xâm hại tình dục từ lời khai của học sinh. Trường King's College ở Wimbledon cũng ủy quyền đánh giá độc lập và cho biết, sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức quấy rối, xâm hại hoặc phân biệt đối xử nào.

Bài toán nan giải

Tại Mỹ, Bộ Giáo dục ghi nhận, số vụ quấy rối tình dục trong hệ thống giáo dục đã tăng từ khoảng 9.600 vụ trong năm học 2015-2016 lên gần 15.000 vụ vào năm học sau. Trong khi đó, các nhà quản lý giáo dục có nhiều khả năng không chuẩn bị hoặc không nắm rõ nghĩa vụ của họ theo luật liên bang khi xử lý các cáo buộc. 
Không giống như các trường cao đẳng và đại học - nơi sinh viên thường được cung cấp địa chỉ để báo cáo hành vi tấn công tình dục - học sinh phổ thông các cấp có thể không biết phải chia sẻ trải nghiệm với ai.

Học sinh phổ thông các cấp có thể gặp khó khăn khi chia sẻ trải nghiệm với ai
Học sinh phổ thông các cấp có thể gặp khó khăn khi báo cáo các hành vi tấn công tình dục 

Vào năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất các quy tắc mới điều chỉnh việc xử lý nạn quấy rối và tấn công tình dục trong học đường, cho phép kiểm tra chéo trực tiếp giữa người báo cáo và kẻ tình nghi tấn công tình dục, cũng như đưa ra một định nghĩa hẹp hơn về quấy rối tình dục và khung bằng chứng. Kể từ khi bộ quy tắc có hiệu lực vào tháng 8/2020, nhiều người lo ngại chúng sẽ ngăn nạn nhân tìm đến sự giúp đỡ. Vào đầu tháng 3/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu Bộ Giáo dục xem xét lại vấn đề này, nhưng việc xem xét và đảo ngược quy tắc của chính quyền người tiền nhiệm có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Bên cạnh đó, việc để nhà trường tự xử lý và đưa ra biện pháp giáo dục thanh thiếu niên về hành vi quấy rối tình dục cũng có thể dẫn đến sai lầm. Mới đây, Trường cao đẳng Brauer ở vùng nông thôn bang Victoria, Úc đã buộc các học sinh nam, một số chỉ mới 12 tuổi, đứng giữa hội trường, đối mặt với các nữ sinh và xin lỗi về tội hiếp dâm, quấy rối tình dục và tất cả các khía cạnh khác về hành vi xấu xa của nam giới đối với phụ nữ. Theo nhà trường, phiên xin lỗi giả định này là nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa giải giới và sự tôn trọng lẫn nhau. Kết quả, phụ huynh đã phản đối, cộng đồng tức giận và hiệu trưởng nhà trường phải xin lỗi.

Quấy rối tình dục trong học đường không phải là vấn đề mới, nhưng để giải quyết nó một cách triệt để, phải có sự hướng dẫn đúng từ ngành giáo dục của mỗi quốc gia; chỉ gia đình hay nhà trường không thể tự mình giải quyết được. 

Ngọc Hạ (theo Guardian, CNN, Fox)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI