Khí thải nhà kính đạt mức kỷ lục

26/10/2021 - 07:57

PNO - Ngày 25/10, Liên Hiệp Quốc cho biết nồng độ khí nhà kính đạt mức kỷ lục vào năm 2020 và thế giới đang "đi chệch hướng" trong việc khống chế nhiệt độ tăng cao.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy mức carbon dioxide đã tăng lên 413,2 phần triệu vào năm 2020, tăng hơn mức trung bình trong thập niên qua mặc dù lượng khí thải tạm thời giảm trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết diễn biến gia tăng ở mức đáng lo ngại của lượng khí thải CO2 hiện nay sẽ dẫn đến nhiệt độ tăng cao, vượt xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 là 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

"Chúng ta đang đi chệch hướng. Chúng ta cần phải xem xét lại các hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông cũng như toàn bộ cách sống của mình” - ông Petteri Taalas chia sẻ.

Khí thải nhà kính đạt mức kỷ lục trong năm 2020.
Khí thải nhà kính đạt mức kỷ lục trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19

Theo cam kết hiện tại của các nước, phát thải toàn cầu sẽ cao hơn 16% vào năm 2030 so với năm 2010, một phân tích riêng của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Con số này vượt xa mức giảm 45% vào năm 2030 mà các nhà khoa học cho rằng cần thiết để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ và tránh những tác động của thiên tai.

Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành UNFCCC, cho biết: “Việc vượt quá các mục tiêu về nhiệt độ sẽ dẫn đến một thế giới mất ổn định và kéo theo vô vàn hệ lụy”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong một cuộc họp báo: "Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26) tại Glasgow sắp tới đây sẽ diễn ra "rất, rất khó khăn" để đạt được các cam kết chung trong việc chống biến đổi khí hậu".

Chính phủ Đức thông báo Thủ tướng Angela Merkel sẽ tới Glasgow để tham dự, trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ xuất hiện thông qua video.

Alok Sharma, Chủ tịch COP26, cho biết các quốc gia phát triển dự kiến sẽ cam kết tổng cộng 500 tỷ USD để giúp các nước nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 23/10, Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã tuyên bố nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đặt mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2060, đồng thời sẽ tăng gấp đôi lượng cắt giảm khí thải vào năm 2030.

Chung Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI