Khi sinh viên trường Y xung trận

16/08/2020 - 12:46

PNO - Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, có không ít bạn đang là sinh viên đang ngồi trên ghế trường Y. Trận dịch này như hàn thử biểu cảm xúc, bản lĩnh và cuộc tập dượt cho các thầy thuốc tương lai…

Ở  đây không có… phê bình 

Tại khu cách ly trường Đại học Phạm Văn Đồng - một trong những khu cách ly tập trung đầu tiên ở Quảng Ngãi đưa vào hoạt động và cũng là nơi có số lượng người cách ly đông nhất của tỉnh, Nguyễn Thị Chi đang hỗ trợ các y, bác sĩ làm thủ tục cho 42 người  hoàn thành thời gian cách ly trở về nhà.

Chăm sóc cho người ở khu cách ly Trường đại học Phạm Văn Đồng 
Chăm sóc cho người ở khu cách ly Trường đại học Phạm Văn Đồng 

“Hôm nay nhiều người được về nhà để đoàn tụ gia đình. Ai cũng vui… Có 2 bác kia vào khu cách ly cùng một lúc nhưng 1 người về trước, người kia chưa được về do có tiếp xúc với 1 ca bệnh ngay trong khu cách ly. Người ở lại vẫy tay tiễn người về, người về động viên người ở lại tiếp tục cố gắng. Họ trước đó không quen nhau, nhưng 14 ngày trong khu cách ly đã kịp để họ xem nhau như người thân”, Chi kể.

Chi là 1 trong 12 sinh viên tình nguyện ở Trường Cao đẳng y tế Đặng Thùy Trâm được phân công vào khu cách ly tham gia chống dịch COVID-19. Trải qua 6 ngày hỗ trợ cho ê-kíp y tế ở đây, Chi và 3 bạn trong nhóm đã kịp thích nghi với môi trường mới.

Nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ lúc đầu, Chi dần thuần thục công việc hàng ngày như: kiểm tra sức khỏe, động viên tinh thần… của những người đang cách ly trong khu. 

“Lúc đầu đăng ký đi tình nguyện em cũng lo, vì môi trường này có nguy cơ cao. Nhưng rồi nghĩ lại, mình học ngành mà? Sau đó thuyết phục gia đình để được đi. 

Trong này không những anh em trong ê-kíp y tế thương nhau mà cả người đi cách ly cũng rất quý… Em mới vào nhưng họ vẫn hỏi thăm và cảm ơn mãi. Họ bảo ở đây như một gia đình thứ 2, họ được chăm lo miếng ăn, giấc ngủ và đối xử thân thiện. Vừa rồi xuất hiện trường hợp F1 chuyển thành F0 khi đang ở trong khu cách ly, em phải thường xuyên nhắc nhở những người đang cách ly không được đi từ phòng này qua phòng khác và thực hiện đúng các quy định về phòng dịch”, Chi chia sẻ.

Tuổi trẻ đi chống dịch

Khu cách ly trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (huyện Bình Sơn) vừa chính thức hoạt động và đón những trường hợp cách ly tập trung đầu tiên. Cùng chung với đội ngũ y tế, Phạm Thị Thanh Thủy - sinh viên khoa điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm  ngày 2 lần đảm nhận nhiệm vụ đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 .

“Giờ ở khu có 75 người cách ly. Nhiều người không chịu cách ly 14 ngày theo quy định, cứ cằn nhằn mãi. Em với các chị điều dưỡng phải thay nhau an ủi, động viên, thuyết phục...”, Thủy kể.

Sinh viên trường cao đẳng y tế Đặng thùy Trâm trong ngày lên đường vào các khu cách ly
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm trong ngày lên đường vào các khu cách ly

Công việc của Thủy là hỗ trợ có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ phụ trách. Mỗi lần có người mới vào cách ly, phải lấy mẫu xét nghiệm, Thủy lại hồi hộp đợi xem có trường hợp nào dương tính hay không, rồi lại thở phào khi kết quả là âm tính. Mừng nhất là mỗi ngày nghe thông tin về các ca bệnh được chữa khỏi, Quảng Ngãi không xuất hiện ca bệnh mới.

“Tuổi trẻ xông pha một chút có gì đâu mà ngại. Hơn nữa em học y, việc sử dụng kiến thức đã học được để giúp cho cộng đồng cũng là hợp lý. Trong khu cách ly là những người có tiếp xúc gần với ca bệnh nên phải rất thận trọng, tuân thủ đúng quy trình. Trước khi đi, trường cũng tập huấn kỹ về cách thay đồ bảo hộ, quy định về phòng chống dịch, vào đây lại được các anh, chị hướng dẫn thêm nên em cũng không quá áp lực”, Thủy nói.

Không đảm nhiệm việc kiểm tra y tế, đo thân nhiệt như các bạn sinh viên nữ, Nguyễn Trắng đang tham gia hỗ trợ tại khu cách ly Trường đại học Công nghiệp TPHCM - phân hiệu Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ “nặng cân” hơn. 

“Em được phân công nhiệm vụ phun khử khuẩn đồ đạc, vật dụng của người vào khu cách ly và tại các phòng ở. Ở trong này phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc về phòng chống dịch, ý thức rất cao vì đây là dịch bệnh nguy hiểm, dễ lây lan. Nhưng em nghĩ đơn giản vầy thôi, mình không tự bảo vệ được mình thì làm sao bảo vệ được mọi người, bảo vệ bệnh nhân? Nghĩ như thế là sẽ không dám chểnh mảng. Em chỉ hơi buồn một tí vì phải ở chung với mấy anh bộ đội, chưa có cơ hội gặp bạn gái nào cả”, chàng sinh viên tếu táo.

Thạc sĩ-bác sĩ chuyên khoa II Tô Kỳ Nam - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm đã không giấu được sự ngạc nhiên trước sự nhiệt tình của sinh viên trong trường. Lúc đầu phát động, ban giám hiệu rất lo lắng vì các em vẫn còn đang ở trên ghế nhà trường, dịch lại diễn tiến phức tạp... Càng bất ngờ hơn nữa là gia đình cũng đồng ý, không có ai phản đối. Hỏi ra mới biết gia đình của rất nhiều em vì lo sợ nên không cho các em đi, nhưng sự quyết tâm, nhiệt huyết của các em đã làm cho gia đình lay động và chấp thuận.

 “Bây giờ thì không chỉ có 12 em này mà còn rất nhiều sinh viên trong trường đăng ký tham gia. Tùy theo tình hình, trường tiếp tục liên hệ bố trí để các em có cơ hội vừa rèn tay nghề, vừa góp phần chống dịch ngay thời điểm cam go”, bác sĩ Nam chia sẻ. 

Ai cũng có gia đình, ai cũng có nhớ nhung…

23 giờ đêm, đặt lưng xuống giường sau 18 giờ làm việc liên tục, điều dưỡng Trương Thị Thìn vừa mở tấm ảnh con gái vẽ tặng mẹ ra xem thì nhận được tin có ca bệnh trở nặng. Lại bật dậy, vội vàng mặc đồ bảo hộ và thêm lớp áo mưa bên ngoài để đi làm nhiệm vụ.

Bức tranh của con gái điều dưỡng Trương Thị Thìn tặng mẹ
Bức tranh của con gái điều dưỡng Trương Thị Thìn tặng mẹ

“Ở đây là vậy, việc tiếp nhận các trường hợp cách ly tập trung hoặc có ca bệnh trở nặng thì không có giờ giấc cố định, chuyện đợi đến 22 giờ khuya hoặc 1,2 giờ sáng thức dậy khi người bệnh gọi là bình thường. Anh em tụi mình vào đây hơn 2 tuần rồi, từ những ngày đầu lạ lẫm, chưa quen với môi trường và nhịp làm việc thì đến nay đã thuần thục”, điều dưỡng Thìn nói.

Cùng vào khu cách ly Trường đại học Phạm Văn Đồng ngay khi xuất hiện ca bệnh nhân đầu tiên trong cộng đồng của Quảng Ngãi, sau 14 ngày, ê-kíp 5 người gồm 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi đã nhận được thông báo cho về nghỉ ngơi, thay ê-kíp khác vào nhưng mọi người… không chịu về. Bởi nếu về cũng phải đi cách ly, không làm được chuyên môn thì… buồn lắm! Và nếu thay ê-kíp khác vào thì ê-kíp mới cũng phải tốn thời gian để thích nghi với công việc, nên mọi người lại thống nhất xin ở lại tiếp.

“Mong rằng không còn ca nhiễm trong cộng đồng nào nữa để mọi người trở lại cuộc sống bình yên. Xa nhà lâu nên nhớ con lắm, đêm nào cũng khóc! May là bây giờ có điện thoại thông minh, chỉ cần gọi là mẹ con được thấy nhau. Mà tụi nhỏ đứa nào cũng vậy, nó tính từng ngày để gặp mẹ. Nó vẽ tranh gửi vào, nói là khi nào mẹ nhớ con thì lấy tranh ra xem”, chị Thìn khoe bức tranh của con gái vẽ.

Trong ê-kíp y tế “không chịu về”, chỉ có bác sĩ Lê Chí Toàn là nam và cũng là bác sĩ duy nhất. Nếu như các điều dưỡng khác có thể thay phiên nhau để nghỉ ngơi thì bác sĩ Toàn lại không được nghỉ. Tên và số điện thoại của bác sĩ được công  khai ở các phòng, nên cứ liên tục nhận được điện thoại rồi đi làm nhiệm vụ. Có lúc mệt quá, ngồi nghỉ rồi lại ngủ quên ngay trên ghế.

5 con người trong suốt hơn 2 tuần qua chăm sóc sức khỏe cho gần 300 người ở khu cách ly. Môi trường làm việc mới với nhiều yếu tố nguy cơ, điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, những bệnh nhân có tiền sử tai biến, có bệnh nền đột ngột trở nặng đã khiến đội ngũ y tế có những lúc kiệt sức. 

Hiện tại, khu cách ly trường đại học Phạm Văn Đồng đã được tăng cường thêm các sinh viên từ Trường Cao đẳng y tế Đặng Thùy Trâm, do đó công việc cũng nhẹ bớt. Nhìn những em sinh viên tình nguyện làm việc hăng say, nhiệt tình, hết mình với những người tại khu ly - giống như hình ảnh người nữ anh hùng, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã nằm lại tại mảnh đất Quảng Ngãi này - các bác sĩ, điều dưỡng lại lấy đó làm động lực để tiếp tục chiến đấu. Và lại thầm nhắc và động viên nhau phải vững tin, mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn nữa để đánh bại đại dịch, sớm đưa mọi người về với cuộc sống bình thường.

“Hàng ngày, nhìn những người hoàn thành cách ly để trở về đoàn tụ với gia đình, chúng tôi và các lực lượng tại khu cách ly vô cùng vui mừng, rưng rưng nước mắt. 2 tuần đã đủ để chúng tôi xem nhau như người thân trong gia đình. Khi khu này hết người cách ly, chúng tôi sẽ trở về. Ai cũng có gia đình, ai cũng có nhớ nhung … nhưng khi tổ quốc cần, gác lại chút riêng tư thì có gì mà đáng kể”, bác sĩ Lê Chí Toàn chia sẻ.

Hoài Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI