Khi máy móc biến giọng ca 'thều thào' thành ca sĩ

11/07/2017 - 07:31

PNO - 'Ca sĩ ngày xưa thu âm 48 lần cho 1 bài hát'- chia sẻ đó của ca sĩ Giao Linh đã khái quát được thực trạng của ca sĩ trẻ hiện nay, với việc ai cũng trở thành ca sĩ vì đã có công nghệ hỗ trợ.

Trong chương trình Ca sĩ giấu mặt vừa lên sóng vào tối 8/7, câu chuyện của giọng ca gạo cội Giao Linh cùng chia sẻ của Trường Giang đã làm dấy lên một thực trạng khá đau lòng của làng nhạc Việt hiện tại. 

Khi may moc bien giong ca 'theu thao' thanh ca si
Giao Linh và Trường Giang trên sân khấu chương trình Ca sĩ giấu mặt

“Ngày xưa chúng tôi học nhạc khó lắm.... Ngày xưa, thu là thu trực tiếp với ban nhạc. Tôi nhớ có một bài hát, tôi thu đến 24 lần mà thầy vẫn chưa hài lòng. Ban nhạc gồm mười mấy người, ai nhìn tôi cũng tội và xót cả. Khi đó, tôi còn nhớ nhạc sĩ Văn Phụng xoa đầu tôi và bảo cố gắng. Tôi hát lần cuối, thầy vẫn chưa hài lòng, cho ban nhạc và tôi về nghỉ ngơi để ngày hôm sau thu tiếp. Sau đó, tôi phải thu 24 lần nữa thầy mới hài lòng”- ca sĩ Giao Linh nói. Chia sẻ này đã được Trường Giang tiếp lời: "Bây giờ ca sĩ trẻ thu 1 lần thôi, còn việc chỉnh là của nhà sản xuất hết”.

Thời người người làm ca sĩ, nhà nhà nói không với hát live!

Không khó để thấy, ngày xưa số lượng nghệ sĩ thành danh và được mang 2 tiếng ca sĩ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi giọng hát đều mang một màu sắc riêng, đến nỗi tại chương trình Ca sĩ giấu mặt số của Giao Linh, các thí sinh tham gia đều không thể nhại giọng của chị. Thậm chí, với bài hát Nỗi buồn hoa phượng, đàn chị Giao Linh chỉ mới thu âm và ra video clip cách đây vài năm nhưng giong hát vẫn khoẻ và đầy lực như những ngày còn xuân.  

Khi may moc bien giong ca 'theu thao' thanh ca si
Ngày xưa, Giao Linh từng thu âm đến 48 lần cho 1 bài hát trong 2 ngày liên tục. Theo Giao Linh, ngày xưa nhờ thầy dạy khó, quá trình thu âm được làm kỹ lưỡng nên các ca sĩ vẫn giữ được chất giọng cho đến hôm nay, được khán giả ái mộ, dành nhiều tình cảm dù năm tháng qua đi

Còn ở số phát sóng của những giọng ca trẻ, không khó để thấy những trường hợp bản sao còn tốt hơn cả bản gốc cả về chất giọng lẫn kỹ thuật thanh nhạc. Cuộc sống của công nghệ hiện đại đã mang đến một thực trạng đáng nói: Những giọng ca trẻ, không ít người trở thành ca sĩ, không phải vì họ có giọng hát mà vì kỹ nghệ phòng thu đã có thể biến "vịt" thành "thiên nga".

Đó là lý do thị trường nhạc Việt hiện tại ca sĩ nhan nhản. Từ người mẫu, diễn viên cho đến hot girl mới nổi, ai cũng có thể trở thành ca sĩ bởi làn hơi mỏng, quãng âm hẹp... cũng không còn quan trọng nữa. Việc thu âm cũng chỉ đôi lần, còn lại đã có kỹ nghệ phòng thu gọt giũa cho đến bước cuối cùng.

Tin chắc khán giả không ít lần phát hiện ra sự thều thào, đuối sức của Đông Nhi, Minh Hằng, Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy... trên sân khấu. Sự khác biệt quá lớn giữa giọng thu âm và giọng hát live của Trịnh Thăng Bình cũng từng khiến khán giả phải giật mình.

Khi may moc bien giong ca 'theu thao' thanh ca si
Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Gil Lê,... không được đánh giá cao khả năng hát live trên sân khấu. Trong khi đó, những sản phẩm thu sẵn của họ thì rất bắt tai.

Phi Thanh Vân, Trà Ngọc Hằng... có giọng hát như ru ngủ, “tra tấn” người nghe cũng tập tành đi hát, cho ra MV. Bất chấp với danh xưng ca sĩ điều đầu tiên cần phải hát tốt, những gương mặt này lại chỉ trưng bày vẻ ngoài như một yếu tố để khoả lấp tất cả những sai sót, yếu kém trong chất giọng. Thậm chí, có cô hot girl A. vừa tham gia đóng MV của chàng ca sĩ B. lại ngay lập tức lấn sân sang con đường âm nhạc mà chẳng biết năng lực của bản thân đang ở đâu.

Hầu hết đều không cần lo lắng giọng hát tốt hay không tốt, độ cao đến thế nào, quãng rộng bao nhiêu, chỉ cần chi tiền và có ê-kíp gọt giũa là đủ. 

"Thị trường âm nhạc số hiện tại, các sản phẩm đều trải qua quá trình chỉnh sửa. Ngày xưa, công nghệ thu âm khác, ca sĩ hát sao thu ra như vậy, khó chỉnh sửa nên đòi hỏi họ hát phải thực sự xuất sắc, hoà hợp với cả ban nhạc. Nhưng với kĩ thuật hiện tại thì không còn cần tốn quá nhiều công sức, nhân lực như thế", nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết. 

Hát live- 'tử huyệt' của ca sĩ trẻ

Công nghệ phòng thu đã khiến sản sinh ra một "lứa" ca sĩ cứ mãi vin vào những bản thu âm có sẵn, từ chối việc hát live và tập trung vào vũ đạo để che mắt khán giả. Để rồi sự cố xảy ra, lại bị công chúng phát hiện hát nhép và ê chề.

Khi may moc bien giong ca 'theu thao' thanh ca si
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh

"Việc chỉnh sửa sau thu âm tạo điều kiện cho những người hát không tốt cũng tạo được sản phẩm âm nhạc như mong muốn. Điều này dẫn đến sự chông chênh mà khán giả thường cảm nhận giữa giọng hát live và giọng thu âm, chuyện này hoàn toàn có thực. Có thể nói đây là sự lợi dụng tiến bộ công nghệ để đạt được điều chúng ta mong muốn"- nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định. 

Đó là lý do hát live trở thành "tử huyệt" của nhiều ca sĩ trẻ, và để giữ mình an toàn, rất nhiều ca sĩ từ chối hẳn chương tình nào yêu cầu phải hát live. 

Đã có không ít chương trình ra đời nhưng sau đó "chết yểu" chỉ vì ca sĩ phải hát live. Cách đây không lâu, Tôi toả sáng- một chương trình tôn vinh những giọng ca trẻ, diễn ra mỗi tháng 1 lần- sau vài số với việc nhân vật chính khiến khán giả thất vọng vì hát live quá tệ, chương trình bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm ca sĩ dù đây gần như là chương trình tôn vinh cá nhân, được thực hiện như một liveshow của ca sĩ đó. Thêm vài lý do khác, chương trình  sau đó đã phải kết thúc. 

Khi may moc bien giong ca 'theu thao' thanh ca si
Thu Minh, một gương mặt trong số ít những ca sĩ có khả năng hát live mà kiến người nghe "sướng tai"

"Khi có quy định ca sĩ hát nhép sẽ bị phạt, họ đối phó bằng cách chuẩn bị sẵn nhạc nền thu sẵn với rất nhiều bè, phối, hát chồng... để che khuyết điểm. Ngày nay chẳng còn mấy ca sĩ vui vẻ hát live với ban nhạc nữa", một bầu sô cho biết. 

Kỹ nghệ phòng thu đã mang đến một thế hệ ca sĩ "thều thào" như thế, sợ hát live như thế!

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh

Việc sử dụng beat nhạc có sẵn hay những công cụ chỉnh sửa giúp rút ngắn các giai đoạn, giảm công việc để cho ra sản phẩm cuối cùng. Tôi nói cụ thể về công nghệ của Hàn Quốc, họ thu một câu khoảng 40 lần, thậm chí thu từng chữ nếu chữ đó đắt giá. Vì thế, một sản phẩm âm nhạc của Hàn Quốc luôn khiến người nghe cảm thấy đã tai, hay đến từng chữ.

Ở Việt Nam mình, thời gian thu không dài như vậy, thường thì thu 1 buổi hoặc chỉ 3 tiếng. Trong khi đó, ở Hàn Quốc việc thu âm kéo dài 1, 2 tuần cho đến 1 tháng. Với Hồ Ngọc Hà hay Thu Minh, cũng chỉ thu 1, 2 lần cho một bài hát. Sau đó, những câu, những chữ nào nghe chưa hài lòng sẽ được thu lại hoặc chuốt lại cho hoàn hảo.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI