Thư gửi con

Khi con còn cha mẹ

28/03/2022 - 09:41

PNO - Bao nhiêu năm, con rồi lần lượt các em như bầy chim đủ lông đủ cánh rời khỏi tổ ấm vòng tay cha mẹ. Đứa trời Nam, đứa tận vùng xa hải đảo, chỉ còn lại hai bóng hao gầy nơi căn nhà cũ. Đã nhiều lần con nhớ cha, nhớ mẹ và mệt mỏi với cuộc mưu sinh, chỉ muốn buông bỏ tất cả để được về làm trẻ thơ bên cha mẹ mà thôi.

Cha à!

Hẳn cha đã lo lắng lắm khi biết mình là F1 sau khi hai người tiếp xúc với cha trong thời gian khá lâu được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Chắc tâm trạng cha cũng giống con lúc mới phát hiện mình nhiễm COVID-19. Cha chọn lặng im, không cho ai biết chuyện cha phải cách ly một mình nơi quê nhà.

Cha vẫn nói chuyện với con, hỏi thăm tình hình con, trả lời những câu hỏi vụn vặt của con về sinh hoạt và sức khỏe như thể chẳng có gì khác biệt xảy ra trong khi cha đã sống phía trong dây cách ly y tế tới hai ngày.

Một ông lão gần 80 tuổi lủi thủi ra vào căn nhà trống. Nơi đó, chỉ có bàn thờ tổ tiên, có hương khói linh thiêng mà cha là người duy nhất gánh vác khói nhang cho gia tộc. Con hiểu, cha sợ nếu báo cho chúng con hay, nỗi lo lắng sẽ phủ dày lên cả ba gia đình trẻ và chúng con sẽ loay hoay lẫn bất lực khi mỗi đứa một phương không thể vượt trở ngại cách ly trong mùa dịch mà về bên cha. Cha chọn cách khi biết chắc đã âm tính mới báo với chúng con như một cách cười xòa, rằng COVID-19 đâu có gì đáng sợ. 

Tác giả trong một lần về thăm cha - người mà cô biết sẽ luôn đón đỡ  nếu cô vấp ngã hay cần chốn bình an
Tác giả trong một lần về thăm cha - người mà cô biết sẽ luôn đón đỡ nếu cô vấp ngã hay cần chốn bình an

Cha ơi!

Có lẽ trong đời, cha đã quen cười xòa sau tất cả những đau đớn, vất vả, khó khăn để chị em con có tuổi thơ vô tư vui vẻ. Những năm 1980 thiếu thốn trăm bề, chiếc xe đạp cũ mòn của cha mỗi sáng vẫn lách cách chiếc cặp lồng cơm nguội hâm nóng với miếng cá khô nướng thơm mùi khen khét.

Chiếc xe ấy, chiều tan tầm con hóng, khi nhà nhà đã bên mâm cơm chiều muộn mới lo ro tiếng líp xe nơi đầu hồi nhà. Cha bảo cha ở lại muộn hơn một chút để dọn phụ bác lao công đã tới tuổi hưu, cũng là để nhặt những khúc củi thừa trong mớ rác kho hàng đem về nhóm bếp. Những chiều muộn con chờ cơm cha như thế, qua xuân rồi hạ, đến cuối thu, góc bếp chứa củi nhà mình cứ đầy dần…

Khi gió rét đầu mùa đông luồn qua mái ngói tạo nên tiếng u u hòa với tiếng khúc mía tím nướng xèo xèo trên bếp củi, cha xoa đầu con bảo: “Mùa đông này nhà mình dùng củi. Phiếu mua than cám con mang cho hàng xóm, nhà nào đông người nhé. Bàn tay con gái mùa đông cần giữ ấm, con không được đi móc bùn về trộn nặn than cám nữa”. Khi ấy, con đã hiểu những chiều cha về muộn, bàn tay trầy xước vì dằm củi vụn để giữ bàn tay con được ấm áp, an toàn.

Ngày con lên cấp III, từ lớp chọn toán - văn của trường cấp II, con được xét chọn vào lớp toán - văn - tiếng Nga. Nỗi lo lắng về môn ngoại ngữ con chưa từng được học qua cũng khiến cha lo lắng. Vậy là cha đi tìm mấy cô chú trong cơ quan từng ở, học tập tại Nga rồi trở về làm việc để hỏi tư liệu, sách vở và nhờ cậy họ giúp đứa con gái lơ ngơ kịp hòa đồng với số đông còn lại các bạn cùng lớp. Cha thức đêm, kẻ bảng phiên âm chữ cái rồi vẽ những con chữ xa lạ cùng phiên âm của nó cho con học. Con cắn răng học thuộc khi trong lòng bất mãn vì áp lực còn cha thì nén giấu nỗi buồn tủi của một đời cay cực, cất kỹ giấy báo đại học mà lăn lưng lo cho những đứa em có cái ăn, áo mặc đến trường…

Ngày họp phụ huynh năm cấp III đầu tiên của con, cha về nhà, vừa thẫn thờ vừa tức giận. Mẹ la lớn vì giận con giả mạo chữ ký của phụ huynh để chuyển từ lớp chọn sang lớp thường, còn cha ngồi lặng phắc. Con đã đứng trân mình chờ cây roi mây lên nước nâu bóng quất xuống nhưng rồi con nghe tiếng “rắc”, cha bẻ đôi cây roi vứt qua hàng rào. Đêm, con nghe cha bảo mẹ: “Chỉ mình nó chưa từng biết chữ tiếng Nga nào phải vào lớp mà toàn bộ những đứa còn lại đã học tiếng Nga trong ba năm. Nếu nó cố học sẽ là sự cố gắng đến vô lý cũng không thể theo kịp bạn mà nếu nó xin phép mình chuyển, liệu em có đồng ý? Dù dầu quý hơn nước nhưng với cá, nước mới là sự sống!”.

Ngày con chuẩn bị thi đại học, cha chỉ hỏi con đã nghĩ kỹ trước khi chọn trường chưa. Cha bảo, chọn nghề không chỉ là việc con kiếm sống mà nghề nghiệp cần con có tình yêu với nó. Chỉ khi con yêu việc con làm thì mới có thể làm tốt, chịu đựng vất vả. Cha đã giao cho con điều to lớn nhất ghi dấu bước chân đầu tiên của việc trưởng thành - tự quyết định tương lai của mình. Con đã mạnh dạn bước, an tâm đằng sau mình luôn có ánh mắt cha khích lệ và con biết, cánh tay cha luôn đón đỡ nếu con vấp ngã hay cần chốn bình an.

Cha ơi!

Đằng đẵng 30 năm, con đã đi khắp đất nước mình, đi nhiều nơi trên thế giới. Chẳng nơi đâu cho con có được cảm giác an toàn tuyệt đối và trở lại đúng là mình như khi được ở bên cha. Trước mỗi quyết định lớn nào, con cũng nài hỏi cha chỉ để nhận câu trả lời: “Tiên sư chị, cha thì biết gì mà khuyên!”. Con hình dung ra đôi mắt chi chít nếp chân chim và khóe miệng của cha đang cười. Với con, thế là đủ. Đôi khi, tình yêu cha dành cho con chỉ là lời mắng yêu như thế. Cha hạnh phúc khi con hỏi cha cả những điều cha không hiểu.

Bao nhiêu năm, con rồi lần lượt các em như bầy chim đủ lông đủ cánh rời khỏi tổ ấm vòng tay cha mẹ. Những khi con nhớ cha, nhớ mẹ và mệt mỏi với cuộc mưu sinh, chỉ muốn buông bỏ tất cả để được về làm trẻ thơ bên cha mẹ. Mỗi lần như thế, ánh mắt ấm áp, bàn tay cha vỗ về và nhất là những lời dặn dò của cha như vẳng bên tai: “Con đã chọn cất lên ngôi nhà của riêng con, trồng cái cây của con cho hậu thế. Hãy là mái nhà, hãy là cội rễ cho những thứ mình xây lên. Mỗi ngày như chiếc lá, có vui có buồn, nhưng hoa trái thì cần cả bốn mùa chịu mưa nắng mới thành”. Bốn mùa mưa nắng cứ thế qua, có cả bão tố phong ba nhưng con đã làm được những điều con từng ước nguyện.

Con mừng vì cha đã qua thử thách của lần đầu đối diện với việc lây nhiễm trong đại dịch COVID-19. Dù vậy, cha không được chủ quan nhé! Con sẽ về ngay thôi, để được ôm cha, hít hà hơi mồ hôi mặn muối như ngày thơ bé cùng cha xếp củi. Con sẽ vần hũ hành muối mẹ ủ cạnh bếp để hãm bớt độ chua bằng hơi bấc lạnh… 

Cha đừng lo bọn trẻ nơi xa tụ về, quen nếp nhà phố thị mà vụng về lóng ngóng với quê, với đất. Có lẽ với chúng và cả với chúng con, những đứa con của cha trở về với quê cha đất tổ, với ấu thơ để những ngày bên cha mẹ sẽ cho chúng con năng lượng từ nguồn cội làm vốn hành trang để lại bay đi.

Con yêu cha vô cùng! 

Nguyễn Thu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI