Khi báo chí được gói gọn vào chiếc điện thoại di động

20/06/2022 - 06:02

PNO - Kể từ khi chuyển hướng sang xuất bản trực tuyến, báo chí đã điều chỉnh các phương pháp thu thập tin tức và xuất bản cho phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số. Cùng với đó là sự trỗi dậy của báo chí di động, nơi mọi nội dung và bài viết đều có thể sản xuất từ chiếc điện thoại cầm tay.

Cách thức mới của truyền thông

Ngày nay, ước tính có khoảng 5 tỷ người trên thế giới sở hữu thiết bị di động. Số lượng người dùng điện thoại thông minh ngày càng tăng đang đem lại sự thay đổi cách báo chí cung cấp thông tin cho mọi người. Từ việc xuất bản những câu chuyện nổi bật về chính trị cho đến đưa tin về các hội chợ nhỏ tại địa phương, báo chí di động - một hình thức kể chuyện kỹ thuật số trong đó thiết bị chính được sử dụng để tạo và chỉnh sửa hình ảnh, âm thanh và video là điện thoại thông minh - hay còn được gọi là “mojo”, đang nhanh chóng trở thành phương thức chủ yếu cho các đơn vị xuất bản, truyền thông. 

Trong thời đại số, cả thế giới thông tin gói gọn trong tay của mọi người thông qua chiếc điện thoại di động (ảnh minh họa)
Trong thời đại số, cả thế giới thông tin gói gọn trong tay của mọi người thông qua chiếc điện thoại di động (ảnh minh họa)

Báo chí di động là cách làm việc mới của các phóng viên, với một  thiết bị di động hiện đại trong tay. Thậm chí, đài BBC (Anh) còn phát triển một ứng dụng riêng có tên Portable News Gathering, có thể ghi, chỉnh sửa và gửi video, âm thanh, hình ảnh vào thẳng hệ thống xuất bản của tòa soạn. Trở thành người đầu tiên phát sóng một tin tức nào đó là điều tối quan trọng đối với các đơn vị xuất bản khi họ luôn phải cố gắng vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh. Và lợi thế của báo chí di động là nó cho phép xuất bản tin tức ngay lập tức.

Cách thức này đang tỏ ra rất hiệu quả về mặt chi phí đối với đơn vị xuất bản. Theo Torben Stephan - Giám đốc chương trình truyền thông châu Á của tổ chức nghiên cứu Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS, Đức) - “mojo” đang ngày càng phổ biến đơn giản vì chi phí rất thấp. Chỉ với một chiếc điện thoại, một bộ chân máy và micro trị giá tổng cộng chưa đến 500 USD, các đơn vị xuất bản có thể sản xuất nội dung một cách dễ dàng. Báo chí di động cũng rất linh hoạt, vì hầu hết các phóng viên có thể cất thiết bị của họ trong ba lô. Điện thoại cùng với chân máy nhẹ, micro kẹp và đèn chiếu sáng bên ngoài, tất cả có thể nặng chưa đến 3kg, giúp mọi người dễ dàng mang theo và có thể tạo ra những câu chuyện chất lượng cao ở mọi lúc, mọi nơi. 

Báo chí công dân của tất cả mọi người 

Khả năng tiếp cận rộng rãi của các thiết bị di động ngày nay có nghĩa là không chỉ các đơn vị báo chí uy tín mới có thể sử dụng báo chí di động như một công cụ hiệu quả để xuất bản. Người ta đã nói nhiều đến khái niệm báo chí công dân, đó là việc công chúng thu thập thông tin và chuyển chúng lên mạng xã hội hoặc các nền tảng công cộng, cũng chỉ bằng thiết bị di động. 

Với sức ảnh hưởng ngày càng lớn, báo chí công dân có khả năng trở thành mối đe dọa đối với các đơn vị xuất bản truyền thống, vì tin tức được sản xuất rất nhiều và có khả năng lan truyền nhanh hơn. Dù nội dung được tạo ra có thể không chuyên nghiệp, hoặc thậm chí là không đúng sự thật, nhưng điều này vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn đến số lượng độc giả của các đơn vị xuất bản, truyền thông có uy tín. 

Vì mục đích thu hút độc giả ngày càng nhiều hơn, nhiều người làm truyền thông theo cách báo chí công dân đã tự biến mình thành nạn nhân của tình trạng cạnh tranh, chạy đua thông tin, hậu quả của nó là đẩy độc giả vào vòng xoáy tin xấu. 

Rất nhiều vấn đề về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của những người viết blog và những“người có ảnh hưởng” cũng được đặt ra bên cạnh lợi ích cho công chúng từ việc nhiều thông tin thời sự được cung cấp nhanh chóng. Dù vậy, phát biểu với Guardian, Chris Shaw - Giám đốc biên tập của Công ty Truyền hình ITN (Anh) - cho biết: “Mạng xã hội đang mở ra khung cảnh hoàn toàn mới cho các nhà làm phim tài liệu và nhà xuất bản để tạo ra những bộ phim tuyệt vời nhất, bằng cách sử dụng nội dung, đề tài từ đó”. 

Tấn Vĩ (theo WNIP, the Star, School of Journalism)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI