“Kỷ nguyên COVID-19” thay đổi báo chí toàn cầu

21/06/2021 - 10:58

PNO - Mỗi ngày, khi đưa tin về những gì đã chứng kiến trong đại dịch COVID-19, người làm báo khắp thế giới nhận ra rằng bài viết của mình không đủ mô tả thảm họa toàn cầu, cũng như tác động của nó. Gần hai năm qua, cuộc sống cả hành tinh đã dài một cách đau đớn. Và không thể nằm ngoài quy luật đó, đại dịch làm thiệt hại đáng kể cho ngành truyền thông thế giới.

Hội chứng “cựu chiến binh” khi đưa tin về dịch bệnh

Theo Todd James - biên tập ảnh của National Geographic - các phóng viên (PV) đã giúp người ta thấy rõ cái giá phải trả của đại dịch. “Các nhà báo đã kể điều này nhiều hơn bất kỳ phương tiện nào tôi có thể nhớ. Và nếu chúng ta đồng cảm rằng điều này đang ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người như thế nào thì cũng nên biết nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của các nhà báo nhiều hơn như vậy”, ông James nói về hội chứng tương tự hội chứng “cựu chiến binh” đối với người tác nghiệp tin tức trong dịch COVID-19.

 

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi báo chí toàn cầu - ẢNH: UNESCO
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi báo chí toàn cầu - Ảnh: UNESCO

David Rodriguez - một PV chụp phóng sự ảnh về những người đối mặt với việc mất mát người thân ở Detroit (Mỹ) - kể: “Họ đã chết một mình. Các nghi thức an táng bình thường không được diễn ra. Chỉ qua một đêm, đại dịch đã thay đổi hoàn toàn các nghi lễ, văn hóa”.

Theo Rodriguez, PV ảnh thường bị coi là những con kền kền. Để tránh nhận thức đó, ông phải kiên nhẫn chờ đợi những khoảnh khắc thuận lợi nhất để đối thoại liên tục với các nguồn tin. “Thay đổi lớn nhất trong tác nghiệp là cách tiếp cận các câu chuyện, các gia đình, các nguồn tin. Đối với bất kỳ ai, thật khó để tin tưởng một người lạ đến và ghi lại cuộc sống của mình. Nhưng nếu biết đồng cảm với những con người và câu chuyện mà bạn đang sắp kể trong đại dịch, ảnh của bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều”, Rodriguez nói.

Một PV ảnh khác là Camilla Ferrari sống tại Ý, chia sẻ công việc của cô trong đại dịch và mường tượng của cô về việc cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu có thể định hình lại nghề nghiệp như thế nào trong tương lai.

Ferrari đã chụp những bức ảnh đường phố Ý không bóng người hồi tháng 3/2020. Khi dịch bùng phát mạnh, cô đã hướng ống kính về gia đình và cuộc sống “stay home”. Ảnh của cô cuốn hút bởi những điều đơn giản nhưng mạnh mẽ, những điều tầm thường ai cũng trải qua trong giãn cách, đồng thời, nói cho độc giả biết họ “có đặc quyền” đón nhận đại dịch bằng cách khác thông qua việc cố gắng tìm ra vẻ đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Nghề của cô từ nay cũng thay đổi theo chiều hướng đó.

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành truyền thông. Nhà báo khắp nơi đều trải qua những thách thức chung do đại dịch. Nhiều người phải chịu rủi ro phơi nhiễm khi đưa tin về dịch bệnh, bởi chỉ một số ít nhận được hướng dẫn an toàn hoặc trang bị đồ bảo hộ.

Đối với Fady Elhassany - một nhà báo điều tra tự do 36 tuổi đến từ Palestine - những rủi ro liên quan đến COVID-19 đã làm phức tạp thêm các vấn đề an toàn vốn tồn tại trước đó trong nghề báo. Ông nói: “Nhà báo tác nghiệp trên lãnh thổ Palestine đã quen với việc xử lý các quy tắc an toàn khi đưa tin tại những nơi có xung đột vũ trang, nhưng họ lại ít có kinh nghiệm trong bảo đảm an toàn sức khỏe khi đưa tin tại khu vực dịch bệnh”.

Tương tự ở Nam Sudan, các nhà báo cũng thiếu các hướng dẫn về cách đưa tin trong bối cảnh đại dịch. Theo Michael Duku - Giám đốc điều hành Hiệp hội Phát triển truyền thông Nam Sudan - “Không khí sợ hãi” đã cản bước nhiều PV đưa tin về COVID-19 và dẫn đến việc đưa tin về vấn đề này bị hạn chế. 

Chống dịch song song chống tin giả

Bên cạnh các rủi ro trên, nhà báo còn đối diện các luồng thông tin sai lệch về COVID-19 tràn ngập khiến họ càng chịu áp lực chưa từng có. Điều đó buộc họ phải liên tục xác minh những gì nhận được và cả biện pháp khắc phục khi đăng tin sai sự thật.

Amal Saqr - một nhà báo điều tra người Iraq - cho biết khi COVID-19 bùng phát, thành tựu quan trọng nhất đối với cô chính là thành lập được một nhóm chống lại thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh. Nhóm này đã tạo cảm hứng cho các tổ chức y tế cũng bắt đầu làm điều tương tự chống lại những tin đồn không có thật về COVID-19, đồng thời đưa ra các biện pháp ngăn chặn.

PV của Documented - ấn phẩm báo chí về cộng đồng nhập cư ở New York (Mỹ) - từng phát hiện rằng thông tin sai lệch về đại dịch bằng tiếng Tây Ban Nha lan truyền mạnh. Họ cũng phát hiện những người vô gia cư là đối tượng thường xuyên bị lừa bởi các tin tức giả mạo đó. Sau khi tiến hành nghiên cứu, Documented đã đưa ra một bản tin trên WhatsApp gửi trực tiếp đến người dùng để đánh tan các luận điệu sai trái.

Vào tháng 5/2021, Ấn Độ đã phá “kỷ lục” với hơn 412.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới/ngày, tổng số gần 20 triệu ca nhiễm. Theo nhiều chuyên gia y tế, con số thực có thể cao hơn gấp mười lần. Cuộc khủng hoảng “hình xoắn ốc” đã làm tan tác hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đây và để có được câu chuyện thực tế, nhiều hãng truyền thông đã thực hiện một số hình thức báo chí “phi truyền thống”. 

Nam Anh (theo ICFJ, UNESCO, CNN)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI