Khách sạn chỉ dành cho phái đẹp

17/04/2021 - 18:51

PNO - Cuốn sách gây tiếng vang của Paulina Bren kể về khách sạn Barbizon chỉ dành cho phụ nữ, được xây dựng vào năm 1927 ở Manhattan, New York, Mỹ với 720 phòng.

Bên ngoài khách sạn Barbizon Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Bên ngoài khách sạn Barbizon Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Khách sạn Barbizon từng là điểm đến quen thuộc của những ngôi sao Hollywood đình đám như Grace Kelly, Rita Hayworth, Joan Crawford, Ali MacGraw… hay những nhà văn nổi tiếng của Mỹ. Thế rồi theo dòng chảy của lịch sử, người ta gần như không còn nghe về nó. Giờ đây, bạn có cơ hội biết nhiều hơn về Barbizon, về lịch sử hình thành và phát triển của một khách sạn chỉ dành cho nữ giới giữa lòng nước Mỹ qua The Barbizon, khách sạn ở New York mang lại tự do cho phụ nữ - cuốn sách của nhà sử học Paulina Bren. Đặc biệt, sách đã được HBO giành quyền sản xuất phim trong một thỏa thuận triệu USD. Phim dự kiến có sự góp mặt của ngôi sao Emilia Clarke.

Cuốn sách gây tiếng vang của Paulina Bren kể về một khách sạn chỉ dành cho phụ nữ, mang tên Barbizon, được xây dựng vào năm 1927 trên đường 63, quận Manhattan, New York, Mỹ với 720 phòng.

Nơi trú ẩn an toàn cho phụ nữ tiến bộ

Evelyn Echols, một doanh nhân thành đạt, ngay từ khi còn bé đã luôn mơ ước được đến thành phố New York. Ấp ủ ước mơ đó, tháng 4/1936, nhân sinh nhật lần thứ 21 của mình, cô và một người bạn thân đã mua vé qua đêm giá rẻ từ Trung Tây đến Big Apple. Vừa đặt chân đến thành phố trong mơ, họ liền đi thẳng đến đại lộ Lexington và đường số 63, băng qua những người đàn ông đang lượn lờ xung quanh “như những con kền kền” và đặt một phòng tại Barbizon.

Mademoiselle Daily, một tạp chí chỉ dành riêng cho phụ nữ Mỹ thời đó cũng đã chọn khách sạn này làm nơi ở cho các biên tập viên của họ. Trong thập niên 1920 và 1930, khách sạn Barbizon đã được biết đến như một nơi dành cho hầu hết phụ nữ chưa kết hôn khi đến New York. Họ nói rằng đến đây, những phụ nữ trẻ có nghề nghiệp sẽ được bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi  thường được gọi là "những con sói của New York" thời đó. Bà Bren giải thích rằng thời điểm đó, những phụ nữ đi làm bị coi là rời bỏ công việc gia đình. “Nếu bạn đang dạo quanh New York và trông bạn như đang đi làm, người khác sẽ nhìn bạn như kẻ thù” - bà Bren giải thích.

Một nhóm người mẫu, diễn viên đứng trò chuyện ở sảnh khách sạn vào năm 1977 - Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một nhóm người mẫu, diễn viên đứng trò chuyện ở sảnh khách sạn vào năm 1977 - Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Ngôi nhà búp bê” - niềm khát khao của đàn ông

Đến những năm 1950, Barbizon bắt đầu được biết đến như một "ngôi nhà búp bê" khi hàng trăm người mẫu và nữ diễn viên trẻ đầy tham vọng tìm đường đến đó để được tự do thể hiện cái tôi.

Tại đây, diễn viên Grace Kelly đã có những bức ảnh bán khỏa thân lấp lánh trên hành lang. Grace Kelly đến khách sạn vào tháng 9/1947, cùng thời điểm bà đang theo học tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu Mỹ. 

“Grace Kelly mãi mãi sống trong ký ức của khán giả với sự ngọt ngào, trong trắng và sở thích khiêu vũ theo điệu nhạc Hawaii trên các hành lang của Barbizon. Thậm chí, cô ấy rất thích để ngực trần khi được ở một nơi không có bất cứ sự soi mói nào từ ánh mắt đàn ông" - Bren viết.

Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi “nhà búp bê” là nơi nhiều đàn ông mơ ước được một lần bước chân vào. Nhà văn J.D. Salinger, tác giả cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh đã nhiều lần giả làm một cầu thủ khúc côn cầu người Canada, đến tìm bạn ở quán cà phê của khách sạn. Trong khi đó, nhiều anh chàng thậm chí còn đóng giả là bác sĩ phụ khoa để trốn lên tầng trên. 

Sylvia Plath, nhà văn nữ từng được giải thưởng Pulitzer, đã đến Barbizon với tư cách một trong những biên tập viên khách mời của tạp chí Mademoiselle Daily vào mùa hè năm 1953. Cô thích cách bài trí của Barbizon với căn phòng màu be nhạt, nhấn nhá bởi tấm drap màu xanh lá điểm xuyết những đóa hồng. Mọi thứ từ rèm cửa, bàn làm việc, tủ quần áo… cho đến những bộ tách trà, những chiếc radio hợp thời và chiếc điện thoại đặt cạnh giường đều khiến Sylvia Plath thích thú. 

Những vị khách nữ luôn tìm được sự tự do thoải mái khi trú tại Barbizon. Ảnh chụp tại một phòng tập của khách sạn Barbizon - Ảnh: NEW YORK POST
Những vị khách nữ luôn tìm được sự tự do thoải mái khi trú tại Barbizon. Ảnh chụp tại một phòng tập của khách sạn Barbizon - Ảnh: NEW YORK POST

Tự do trong khuôn khổ

Đến Barbizon, ngoài việc tránh khỏi cánh đàn ông, phái đẹp cũng được giám sát nghiêm ngặt để không phạm những quy tắc khắt khe đặt ra cho nữ giới thời điểm đó.

Joan Didion, một nhà văn nổi tiếng của Mỹ, từng đến Barbizon vào tháng 6/1955 cùng bạn mình là Peggy LaViolette. “Họ cho chúng tôi những căn phòng liền kề nhỏ kinh khủng. Nó giống như một ngôi nhà nữ sinh. Mẹ tôi đã rất yên tâm khi tôi đến đây vì nơi này chỉ toàn nữ giới. Đúng vậy thật, họ đi kiểm tra giường chúng tôi hằng đêm” - bà Peggy, hiện đã 87 tuổi, kể lại.

Theo hồi ức của bà Peggy, sảnh đợi là trung tâm của khách sạn. Mỗi ngày, các nhóm phụ nữ trẻ đứng từ ban công của tầng lửng để nhìn xuống bên dưới, chờ đợi những cuộc hẹn hoặc đơn giản chỉ là quan sát những người khác.

Nhu cầu về các phòng đơn nhỏ của Barbizon đã tăng lên vào thập niên 1940 và 1950. Eileen Ford, người sáng lập Model Ford, công ty người mẫu đầu tiên trên thế giới, đã từng chọn khách sạn Barbizon cho các cô người mẫu của mình. Nằm trong khu vực sang trọng bậc nhất của thành phố New York hào nhoáng, khách sạn Barbizon đa phần đón những vị khách thuộc tầng lớp trung lưu da trắng.

Vào năm 1958, Ali MacGraw, nữ diễn viên từng nhận giải Quả cầu vàng cũng đã ở Barbizon. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người tham vọng nhất như Ali, sự nghiệp vẫn không phải là mục tiêu hàng đầu của phụ nữ thời đó. “Bạn có thể đến Barbizon vào những năm 1950 và biết rằng mình sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời, nhưng thời gian đó là hữu hạn. Hôn nhân và con cái mới là mục tiêu cuối cùng của bạn” - bà Bren giải thích, lưu ý rằng trong những năm 1950, cứ ba phụ nữ thì có một người kết hôn vào năm 19 tuổi. Nếu xinh đẹp hoặc tài năng, bạn có thể trì hoãn hôn nhân lâu hơn một chút, có thể đến năm 20 tuổi, nhưng điều này khá hiếm hoi.

Barbizon từng là nơi trú ẩn an toàn cho những phụ nữ trẻ, đầy tham vọng trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, đến thập niên 1960, sự khởi đầu của phong trào phụ nữ đã gióng lên hồi chuông báo tử cho Barbizon. Tỷ lệ khách đến khách sạn bắt đầu giảm mạnh do người ta nghĩ rằng không cần phải “cách ly” phụ nữ với nam giới. 

“Barbizon bắt đầu mất độ bóng bẩy khi New York mất dần sự hào nhoáng. Vào những năm 1970, khi thành phố rơi vào tình trạng tội phạm và suy thoái, Barbizon cũng bắt đầu có vẻ “xuống dốc và suy thoái”, Bren cho hay.

Những phụ nữ trẻ thập niên 1970 mơ ước đến những vũ trường sôi động. Họ không có thời gian cho những căn phòng đơn buồn tẻ của Barbizon. Giờ giới nghiêm vào thời này dường như cũng trở thành một thứ lỗi thời khủng khiếp. Công suất khách sạn giảm xuống 40% khi số phòng trống tiếp tục tăng lên. Hồi chuông kết thúc 54 năm chung sống đơn tính của khách sạn Barbizon đã vang lên vào ngày lễ tình nhân năm 1981.

Đến năm 1984, Barbizon được cải tạo thành khách sạn KLM Tulip nhằm phục vụ cả khách nam và nữ. Những vị khách lâu năm của Barbizon vẫn sống tại khách sạn ở một khu vực riêng biệt, được giữ nguyên vẹn như thiết kế ban đầu. Đến năm 2007, khách sạn được sửa thành chuỗi căn hộ cao cấp. Năm phụ nữ Barbizon cuối cùng vẫn quyết tâm ở lại đây và được sắp xếp sống cùng một tầng riêng gọi là  Barbizon 63.

Mặc dù khách sạn Barbizon giờ chỉ còn là quá khứ, nó đã ghi dấu một thời kỳ rực rỡ nhất của những phụ nữ đầy tham vọng, một New York thay đổi cuồng nhiệt trong suốt thế kỷ XX nhiều biến động.

Tú Quyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI