'Joker' Việt và kịch của những người bị áp chế

03/06/2017 - 17:00

PNO - Trong không gian phòng chiếu phim của Hội Điện ảnh Việt Nam được chuyển đổi thành sân khấu kịch, khán giả khó có thể ngồi yên trước những diễn biến kịch và khái niệm “kịch của những người bị áp chế” dần sáng tỏ.

Đã lâu lắm rồi Hà Nội mới có một cuốn sách (do nhóm Nhà buôn chuyện dịch, Vũ Hải Linh hiệu đính) được phát hành miễn phí, kèm theo là một chương trình biểu diễn thu hút. 

Với người ngoại đạo, tên sách dễ gợi tò mò: Kịch của những người bị áp chế (tựa gốc Theatre of the oppressed). Tác giả là đạo diễn, nhà biên kịch và chính trị gia người Brazil - Augusto Boal. Ông là người sáng lập hình thức “kịch của những người bị áp chế” vốn ban đầu được sử dụng trong những phong trào giáo dục đại chúng. 

Năm 1986, sau 14 năm lưu vong, Boal trở lại Rio de Rainero, thành lập Trung tâm Kịch của những người bị áp chế (ctorio.org.br) với mục tiêu nghiên cứu, thảo luận và trình bày những vấn đề liên quan đến quyền công dân, văn hóa và sự áp chế dưới nhiều hình thức thông qua sân khấu kịch. 

Sau khi cung cấp cho khán giả cái nhìn tổng quát về lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật xướng kịch từ thuở “hồng hoang” (trước Công nguyên) đến nay, một tiểu phẩm sẽ được trình diễn để làm ví dụ cho “kịch của những người bị áp chế”. 

'Joker' Viet  va kich cua nhung nguoi bi ap che
Diễn viên, người điều phối, tình nguyện và khán giả trong buổi diễn kịch và ra mắt sách

Những diễn viên là các bạn trẻ không chuyên, kịch thể hiện hoạt cảnh về sự bất bình đẳng nam-nữ trong môi trường công sở. Ở đó, những phụ nữ giỏi giang bị rơi vào cảnh “Lý Thông cướp công Thạch Sanh” và vấn đề đặt ra là phải làm gì để thay đổi tình trạng đó.

Khán giả có thể trực tiếp “sắm vai” trên sân khấu để thể hiện quan điểm, đề xuất của mình. Theo cách đó, khán phòng càng lúc càng “nóng”. Không chỉ khán giả, diễn viên mà một thành phần quan trọng khác là các “joker” (người điều phối) đều hoạt động vất vả. Bù lại, sự tương tác hai chiều đem đến vô số bất ngờ. Hình thức trình diễn này được gọi là “kịch tương tác” (forum theatre), một nhánh nhỏ trong bộ rễ sum suê của “theatre of the oppressed”. 

Thật ra, với khán giả Việt Nam, kịch tương tác không phải mới, vì từng được trình diễn từ sân khấu nghiệp dư cho đến các nhà hát. Tuy nhiên, với sự ra mắt bài bản của cuốn sách và hệ thống đồng bộ các diễn viên, các “joker”, đội ngũ tình nguyện và những người nghiên cứu trẻ, công chúng mới có được cái nhìn bao quát và tường tận nhất về thể loại “kịch của những người bị áp chế”.

Sân khấu kịch đã trở thành nơi các nghệ sĩ trình bày quan điểm về thế giới trong phân đoạn đầu tiên, đến phân đoạn thứ hai, khán giả có thể tạo ra một thế giới khác, phác thảo tương lai của họ bằng cách thử nghiệm những lựa chọn do chính họ định ra. Để thực hiện điều này, trong cuốn sách của mình, cố tác gia Augusto Boal đã đề cập đến các thi pháp kịch từ thời Aristotle đến Hegel rồi Bretch.

Tuy nhiên, cuốn sách không đi sâu vào từng loại, mà chỉ phân tích sự khác biệt của khán giả và diễn viên như thế nào trong từng thi pháp. Từ đó, ông đề ra một hệ thống mới, mà quyền lực sáng tạo được cân bằng giữa hai đối tượng trên. Theo Boal, với các thi pháp trước đó, khán giả xem kịch được dạy bảo nên sống và suy nghĩ thế nào và không chút nghi ngờ về việc mình đã bị tước đi khả năng sáng tạo, bị áp chế.

Một trong những hạn chế đáng tiếc của cuốn sách là những phân tích, diễn giải chủ yếu là dựa trên lý thuyết và thực tế phát triển của sân khấu kịch phương Tây và châu Mỹ La-tin. Do đó, bạn đọc sẽ không tìm thấy những gì liên quan sân khấu kịch châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Điều này phần nào đã được khỏa lấp bằng sự hình thành của nhóm “joker” - là các bạn trẻ người Việt theo đuổi loại hình kịch của những người áp chế, trong đó có vai trò điều phối của bà Barbara Santos, một đồng nghiệp lâu năm đang kế thừa và truyền bá tư tưởng của Augusto Boal sau khi ông qua đời vào năm 2009. 

Bùi Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI