Hơn cả Tào Khang

15/04/2013 - 16:44

PNO - PN - Đường nhựa, đường xi măng, cả ồn ào phố thị lùi dần về phía sau. Con lộ đất dẫn về sông Cái Cỏ - một nhánh của Vàm Cỏ Tây, tuyến biên giới tự nhiên giữa Việt Nam - Campuchia nằm ngay trước mặt. Bươn theo con sông chừng...

 Hon ca Tao Khang

"Tui còn sống ngày nào, sẽ cố gắng lo cho mẹ con Mai ngày đó. Vậy thôi" - Đặng nói như đinh đóng cột.

Đồng cảm

Nắng bưng đầu. "Ai muốn biết khỉ ho cò gáy thì về đây! Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh. Không điện đài, chợ xa tít” - chị Mai ngồi trên chiếc xe lăn, nói. Thấy có khách, anh Đặng lật đật xách xe máy chạy đi, cả buổi lâu mới lò dò về, trên tay là mấy chai nước ướp lạnh, kêu, tiệm tạp hóa gần nhất cũng cách nhà đến mấy cây. “Anh dân thành phố, về đây sống có quen không?” - tôi hỏi. “Quen chứ. Khi yêu thì quen hết, gì cũng qua”. Anh nói, nhẹ như không. Chị quay sang anh, ánh nhìn tràn ngập sự biết ơn, thương yêu: “Nhiều khi không dám nghĩ nếu đời không có anh”...

Quê Trà Vinh, nghèo rớt mồng tơi nên hơn hai chục năm trước, cha chị Mai kéo cả nhà lên đây làm mướn. Quần quật quanh năm, chưa kịp khá thì đùng một cái, Mai vướng căn bệnh ngặt: sốt huyết tủy. Chạy chữa vài lần rồi khánh kiệt, chị nằm nhà, mặc đôi chân teo dần. Khốn khó chưa buông, cha qua đời, không lâu sau mắt bà Tám - mẹ chị bị cườm nước, kéo vào vùng tối tăm. “Còn bốn anh chị nữa nhưng lập gia đình, tản đi tứ xứ làm ăn. Nghèo quá nên một, hai năm mới về một lần. Hai mẹ con, một đôi chân, một đôi mắt nương nhau sống” - chị Mai cười buồn. May mà chủ đất thương, cắt nền đất rộng chừng hai chục mét vuông, vận động xóm làng người miếng tole, kẻ tấm bạt dựng cho mẹ con chị căn nhà nhỏ.

“Hai người tui đến với nhau, chừng như do số phận sắp đặt” - anh chị nhìn nhau, nhớ lại. Vốn người Củ Chi, đang có công việc ổn định ở Công ty Sao Việt, tình cờ anh biết Mai thông qua người bạn thân. Một lần được bạn dẫn về nhà chị chơi, chứng kiến cảnh ngặt nghèo, khi trở lên tự dưng anh thấy… nhớ. Nhớ và thương. Thương chị một bữa loay hoay nấu cơm, bị nhánh cây đâm vào thân, sẵn bệnh, vết thương cứ thế lở loét, không chịu lành. Thương bà Tám lâu lâu đi kiếm củi, đi vệ sinh bị lạc, con gái ngồi xe lăn, khản cổ kêu để bà nghe tiếng, nhắm hướng mà về. Thương hai mẹ con hì hục rửa ráy vết loét trên người Mai, rồi những lần chị tiêu tiểu không kiểm soát… Nhớ và thương nên hôm đám giỗ ba chị Mai, xóm làng được một phen chộn rộn đón khách - anh đưa gia đình xuống, nói với bà Tám: “Xin bác cho con về đây sống như một thành viên. Con thương Mai, thương bác”. Mâm cơm ra mắt hai bên, coi nhau là chồng vợ. “Hồi đó mặc cảm lắm, mình xấu xí, tật nguyền. Ảnh dân thành phố, lại phong độ, đẹp trai… muốn chết!” - Mai xúc động. Đôi mắt đục ngầu, ngấn nước, bà Tám sụt sùi: “Nghĩ nó thương hại, tui ái ngại lắm! Nhưng nó kiên trì quá, nhất định đòi ở lại, làm chân làm mắt lo cho hai má con tui”.

 Hon ca Tao Khang

Bươn theo tình yêu, Đặng không quản ngại cuộc sống khốn khó.

Hơn nghĩa tào khang

Căn nhà trống hoác, gió lùa cửa trước, ra cửa sau. Anh Đặng nói cũng dành được ít tiền, chưa kịp sửa sang thì hết sạch. Hai năm nay, số lần Mai đi viện ngày càng tăng, vết loét dạo trước nay ăn lan thấu xương, gây hoại tử. Chị kể, tầm ba tháng, thấy đau nhức, tê bại là phải đi cạo bỏ khi phần thịt, khi phần sụn bị thối. Rồi chị cười, cười mà nước dâng trong mắt: “Ngày ba lần, ảnh rửa vết thương cho tui. Ban đầu còn luýnh quýnh chứ giờ rành như bác sĩ. Mỗi lần tui đi bệnh viện, tận trên tỉnh, ảnh ẵm không chứ ai. Hành lý, áo quần tui, ảnh cột vào người, mồ hôi nhễ nhại, thương lắm!”. Bà Tám tiếp lời: “Từ chợ búa đến giặt giũ, nó làm hết, không quản ngại. Nó nói làm đôi mắt cho tui, không sai đâu. Tui đi đâu, nó theo dẫn đường. Bữa cơm, nó lừa xương cá lóc cho tui”. Anh cười hì hì, nói, người trong gia đình, không lo thì lo cho ai. Chị Loan, người hàng xóm chạy qua chơi, nói: “Hồi Đặng về đây, ai cũng nghĩ ba bữa là xong. Nhưng thời gian chứng minh, thử thách, khó khăn vậy, nếu buông thì đã buông lâu. Giờ chỉ thấy nó thương, chăm sóc mẹ con Mai ân cần, chu đáo hơn cả lo cho bản thân”.

Nhắc chuyện mưu sinh, anh Đặng kể, ai kêu gì làm nấy, quẩn quanh xóm dưới làng trên làm thuê, đủ thứ nghề, khi chở hàng, lúc đi cấy, lâu lâu nhận rải phân nhổ cỏ kiếm chút tiền đi chợ. Ngày rảnh, anh ra sông thả lưới, cá bắt được ngoài làm thức ăn chính hàng ngày, còn lại mang đổi gạo, ra chợ bán mớ, tiền đó dành thuốc thang, viện phí những ngày bệnh Mai trở nặng. “Mấy lần tính đưa mẹ, đưa Mai lên Sài Gòn sống, rồi tui kiếm việc làm, chắc đỡ cực hơn nhiều. Nhưng mẹ nói người mù, ở đâu quen đấy”. “Ráng cho mẹ sống ở đây vài năm. Chừng mẹ mất muốn đưa Mai đi đâu đi. Chứ mẹ đi bằng tay, bằng tiếng nói người quen. Lên đó cũng ngại”. Cuộc trò chuyện không dưng chùng xuống. Mai nắm tay bà, lảng chuyện: “Mẹ ở đây quen rồi, có lần đi xa hai ngày, ngồi đâu, làm gì cũng bứt rứt không yên. Chắc nhớ… đỉa, nhớ muỗi”. Bà cười héo hắt: “Nói mới nhớ, không ở đâu bữa cơm chiều phải kết thúc trước ba giờ như ở đây. Quá giờ đó đừng hòng yên với muỗi. Chúng kéo từ đồng, từ sông về đen quánh”. Đột nhiên bà lặng thinh, rồi tiếp: “Kể vậy mới thấy thương thằng Đặng. Hồi chưa có nó, tui với con Mai cứ ôm nhau khóc ròng”.

Gần bốn năm từ ngày anh Đặng về chung sống, nhà cửa vui, xóm làng vui. Rảnh giờ nào, một tay dìu mẹ, tay còn lại đẩy xe lăn, anh đưa hai mẹ con chị Mai đi dạo, nghĩ giản đơn mà sâu sắc: “Người bệnh, ngồi một chỗ bí bách”. Chị Mai ngậm ngùi, mắt mông lung nhìn ra phía sông, rưng rưng tâm sự, số phận đã cướp mất của chị một cơ thể bình thường, toàn vẹn, nhưng lại ưu ái cho chị người ơn, tình yêu để dìu đỡ, nương vịn. Chỉ tiếc, cơ thể nhỏ xíu, bệnh tật ngày đêm hoành hành, chị khó mang nặng đẻ đau. Mắt anh trìu mến quay sang vợ, nói chắc như đinh đóng cột: “Thì chuyện đó không nghĩ đến. Tui còn sống ngày nào, sẽ cố gắng lo cho mẹ con Mai ngày đó. Vậy thôi”…

Tuyết Dân
Kỳ tới: Cổ tích tình yêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI