“Hồn biển” qua bút ký và ký họa

06/12/2022 - 07:16

PNO - Trong vòng 10 năm trở lại, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã dành nhiều công sức thực hiện bộ sách "Lang thang phố thị", dày hàng ngàn trang. Đến nay, tập 6 vừa phát hành với chủ đề "Hồn biển" (Nhà xuất bản Thông tấn - 2022).

Tác giả thể hiện nhất quán theo phong cách ghi chép một cách bay bướm về những vùng đất mà anh đã đi qua. Các địa phương như Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Nam, Huế, Khánh Hòa… được anh miêu tả từ danh lam thắng cảnh, đời sống đô thị, lịch sử hình thành đến món ăn đặc trưng, các làng nghề truyền thống… Anh cho biết: “Bộ sách này in song ngữ Anh - Việt là do tôi còn hướng đến bạn đọc nước ngoài. Tôi mong muốn có thể góp phần giúp bạn đọc yêu thích, hiểu rõ và nắm bắt cụ thể về vùng đất đó”. 

Tác phẩm Hồn biển
Tác phẩm Hồn biển

Khác với nhiều tập sách bút ký du khảo, toàn bộ hình ảnh minh họa kèm theo, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng không sử dụng ảnh chụp mà “ghi lại” bằng các tranh ký họa màu nước hoặc sơn dầu. Nhờ thế, tập sách này còn được xem như 1 ấn phẩm mỹ thuật. Chỉ với tập Hồn biển dày 380 trang khổ lớn, đã có đến 300 bức tranh màu, có thể xem như 1 nỗ lực đáng ghi nhận. Theo nhận xét của nhà báo Trần Thanh Bình: “Cách viết du khảo của Dũng, cách đi vào chiều sâu văn hóa của 1 ngôi chùa, 1 nhà thờ, 1 tòa, 1 viện hoặc bóng dáng cần lao của 1 chàng trai trẻ hay bà mẹ già gồng gánh truân chuyên đều nâng niu trân trọng. Từ đó, ta nhận ra lòng yêu thương cuộc đời và trân quý những di sản, vô hình hay hữu hình, có khi chỉ bằng một vài nét quan sát tinh tế, từ anh”.

Với tư duy của 1 kiến trúc sư và am tường lịch sử, anh đã chứng minh người Việt từ ngàn xưa rất giỏi trong nghề làm các tàu bè vận chuyển trên biển, kể cả khả năng đi biển, tác chiến trên biển, nhưng tại sao: “Việt Nam đến thế kỷ này vẫn chưa có được những hạm đội thương thuyền mạnh mẽ vươn ra biển lớn?”.

Khi đọc Hồn biển, thỉnh thoảng bạn đọc sẽ bắt gặp những câu hỏi tương tự. Thì ra, một khi được đi nhiều nơi, nếu nặng lòng với các vùng đất ấy, hẳn chúng ta cũng có những suy tư như thế. Chẳng hạn, theo anh đình làng người Việt: “Thường như 1 chiếc thuyền được biểu hiện hình khối với bộ mái đình có những đầu đao cong vút; các bộ phận của đình gắn với tàu thuyền như tàu mái, mũi tàu, bệ tàu, thân tàu, chiếc xà gồ nối 2 đầu cột gọi là “quá giang”. Hoặc với chi tiết hình vẽ con mắt luôn xuất hiện trên các mũi thuyền hiện nay, anh cho rằng đó nhằm ngụ ý: “Nhìn thật sâu để tìm ra nơi có nhiều tôm cá”…

Chọn cách viết nhẩn nha như trò chuyện, khi suy tư, lúc cảm nhận hoặc ghi lại lời kể của cư dân địa phương, Nguyễn Ngọc Dũng đã bằng mọi cách hấp dẫn bạn đọc. Đó là một cách viết không phải “cưỡi ngựa xem hoa”, người viết phải dành rất nhiều thời gian lui tới tìm hiểu, ghi chép thực tế. Được biết, sau Hồn biển, sắp tới anh sẽ cho ra mắt tập sách viết và vẽ về Đà Lạt. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI