Hơn 1.500 người Pháp tử vong vì nắng nóng kỷ lục trong ba tháng mùa hè

09/09/2019 - 10:27

PNO - Dù có hơn 1.500 người thiệt mạng vì hai đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè năm 2019, chính quyền Pháp phần nào nhẹ nhõm vì con số này thấp hơn 10 lần so với đợt nóng “chết chóc” năm 2003.

Bộ trưởng Y tế Agnes Buzyn cho biết hôm 8/9 rằng hai đợt nắng nóng bất thường tấn công nước Pháp vào mùa hè này đã cướp đi hơn 1.500 sinh mạng. Con số này thấp hơn đáng kể so với mùa hè thảm khốc năm 2003, khi ước tính khoảng 15.000 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng tháng Tám.

Bà Buzyn nói với đài phát thanh Pháp: “Chúng tôi có 1.500 cái chết vượt quá mức trung bình trong những tháng này, dù vậy, số ca tử vong ít hơn 10 lần so với đợt nắng nóng năm 2003”.

Đợt nóng năm 2003 là tình trạng nhiệt độ bất thường nguy hiểm nhất trong lịch sử ngành khí tượng Pháp, với khu vực miền trung và Paris bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Năm nay, nắng nóng tấn công Pháp vào tháng 6 và tháng 7, với nhiệt độ kỷ lục mới là 46 độ C được ghi nhận ở miền Nam vào ngày 28/6. Thủ đô Paris cũng chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục 42,6 độ C trong tháng 7.

Trong khi đợt nắng nóng năm 2003 kéo dài tất cả 20 ngày, thì năm nay hai đợt nắng nóng riêng biệt kéo dài tổng cộng 18 ngày, với đợt thứ hai bao trùm phần lớn diện tích nước Pháp.

Hon 1.500 nguoi Phap tu vong vi nang nong ky luc trong ba thang mua he
Nhiệt độ ngoài trời tại Paris vào một ngày tháng 7/2019.

Theo Bộ Y tế, 567 người đã chết trong đợt nắng nóng đầu tiên từ 24/6 đến 7/7, và thêm 868 người tử vong trong đợt thứ hai từ 21 – 27/7.

Bà Buzyn tin rằng các biện pháp phòng ngừa của chính quyền  giúp giữ tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với con số cao trong năm 2003.

Trong mùa hè, cảnh báo đỏ - loại cảnh báo nghiêm trọng nhất – thường xuyên được ban hành ở một số khu vực của Pháp. Trong ngày nắng nóng, nhiều trường học và các sự kiện công cộng phải đóng cửa để giảm thiểu tiếp xúc của công chúng với ánh nắng.

Các công viên và bể bơi lớn cũng được mở ở một số thành phố để giúp mọi người làm mát. Chính quyền Paris tổ chức các đường dây điện thoại khẩn cấp và thiết lập "phòng mát" tạm thời trong các tòa nhà của thành phố.

Nắng nóng cũng thúc đẩy các vụ cháy rừng ở nước láng giềng Tây Ban Nha, với vùng Catalonia trải qua một số vụ cháy kinh hoàng nhất trong 20 năm qua. Nhiệt độ cao mọi thời đại cũng được ghi nhận ở các nước châu Âu khác, bao gồm Anh, Bỉ, Đức, Luxembourg và Hà Lan.

Ngọc Hạ (Theo Guardian, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI