Hoàng tử bé nơi đại tinh cầu

12/01/2016 - 07:44

PNO - Ra đời hơn 70 năm nhưng Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine De Saintexupéry vẫn chưa hề già, cũ.

Bộ phim cùng tên ra mắt năm qua, được thực hiện dựa trên tác phẩm lừng danh này, như làn mưa mát lành thẩm thấu tâm hồn.

Hoàng tử bé - bộ phim hoạt hình chuyển thể từ một trong những viên ngọc quý giá nhất của kho tàng văn học nước Pháp thế kỷ XX, ra mắt tại LHP Cannes hồi tháng 5/2015. Phim được trình chiếu nhưng không tranh giải. Kịch bản gốc Pháp, nhưng phim nói tiếng Anh, diễn viên lồng tiếng là những ngôi sao điện ảnh Hollywood nên tựa tiếng Anh là The Little Prince, chứ không phải Le Petit Prince của tiếng Pháp.

Sẽ có một “Hoàng tử bé kiểu Mỹ” chăng? Sự tò mò tăng lên khi biết đạo diễn (ĐD) của phim là Mark Osborne, người từng rất thành công với Kungfu Panda - bộ phim hoạt hình được đề cử Oscar 2009. Như thế, với Kungfu Panda, đã có một biểu tượng gấu trúc vượt ra ngoài khuôn khổ của văn hóa Trung Hoa, trở nên đại chúng.

Và đến giờ, với The Little Prince, lại có chàng trai bé nhỏ từ một tiểu tinh cầu đến với nước Mỹ và đi ra thế giới, nơi có thể gọi là “đại tinh cầu”. ĐD Mark Osborne kể lại, khi được gia đình nhà văn Antoine de Saint-Exupéry khích lệ trong việc thực hiện bộ phim, ông đã bật khóc.

Hoang tu be noi dai tinh cau
Hoàng tử bé được khởi chiếu từ 8/1 tại Viện Pháp tại Hà Nội và TP.HCM

The Little Prince đưa khán giả trở lại với câu chuyện gốc qua những hình vẽ như trong truyện, qua các nhân vật quen thuộc như hoàng tử bé, viên phi công, chú cáo được thuần dưỡng và bông hồng đỏ thắm. Một nửa câu chuyện từ kiệt tác của Pháp được giữ lại. Nửa còn lại là thế giới của những ngôi nhà tiện nghi, máy móc hiện đại và nhịp sống bận rộn hôm nay.

Ở đó, ĐD cùng các nhà biên kịch sáng tạo ra câu chuyện về một cô bé (do Mackenzie Foy lồng tiếng) được nhà văn Antoine de Saint-Exupéry giới thiệu với một phi công già. Viên phi công này sống trong một ngôi nhà kỳ bí, có không gian bao quanh thoáng đãng bên cạnh ngôi nhà hiện đại của mẹ con cô bé.

Ông kể cho cô nghe câu chuyện Hoàng tử bé, từ đó tâm hồn cô dần bay lên trên sự ngột ngạt, tù túng, vươn rộng trí tưởng tượng đến với chuyến viễn du tìm hoàng tử bé đầy sắc màu và cảm động.

Cũng giống như truyện, trong phim, nhân vật chính là trẻ nhỏ, nhưng ý nghĩa câu chuyện thì hướng đến người lớn nhiều hơn. Có những tình huống trong phim, trẻ em được thỏa thuê tưởng tượng còn người lớn được mỉm cười thấm thía; trẻ em được trao quyền mộng mơ còn người lớn được soi chiếu lại mình.

Tuy vậy, dẫu đã chọn cách kể thông minh, khéo léo đan xen thực và ảo, xa và gần, cũ xưa và hiện đại; nhưng vẫn thật khó khăn cho ĐD Mark Osborne để có thể mang đến thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, “để tưởng tượng, suy tư chứ không phải để kể”, như truyện gốc.

Ở bộ phim, bên cạnh khung cảnh sa mạc và những tinh cầu xa xôi như trong truyện, ĐD thêm vào thế giới hiện đại khô cứng, đầy rẫy con số, con người nhiều khi như thể máy móc được lập trình, mê mải đua chen. Có hai nhân vật đại diện được thêm vào là người mẹ (Rachel McAdams lồng tiếng) rất nghiêm khắc và kỷ luật của cô bé đang quyết tâm thi vào một ngôi trường lớn và một nhà kinh doanh những vì sao (Albert Brooks lồng tiếng).

Các nhân vật mới ít nhiều phản chiếu những con người ở các tiểu tinh cầu khác nhau như ông vua, gã khoe khoang, ông làm áp phe, ông nhậu hay người thắp đèn trong truyện của Saint-Exupéry. Tuy vậy, những nhân vật mới lại không có nhiều tương tác với hoàng tử bé để bật lên một điều rằng “người lớn quả thật là hoàn toàn kỳ lạ”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI