Họa sĩ Nguyễn Thế Linh: “Tôi thích vẽ từ khi được nghe mẹ kể chuyện”

27/06/2023 - 19:19

PNO - Họa sĩ Nguyễn Thế Linh có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyện tranh và minh họa cho các báo, nhà xuất bản cũng như tham gia nhiều dự án về vẽ và kể chuyện cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Anh cũng cùng Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 2 tập truyện Cuộc phiêu lưu của Dế Út chuyển thể từ truyện Dế mèn phiêu lưu ký.

“Tôi thích vẽ nguệch ngoạc khi lên 3 tuổi, có lẽ bắt đầu từ lúc được nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Những cô chú bán sách báo gần nhà cũng tác động đến sự yêu thích vẽ và kể chuyện ở tôi. Mẹ tôi hay mượn sách báo của các cô chú ấy đọc cho tôi nghe. Tôi lớn lên ở vùng nông thôn. Mùa hè, chị họ hay gửi rất nhiều sách từ Hà Nội về tặng. Chị cũng là người “ươm mầm” cho tôi.

Họa sĩ Thế Linh giới thiệu với các em nhỏ quyển Cuộc phiêu lưu của Dế Út trong lớp học của mình - ẢNH: TRANG HOÀNG
Họa sĩ Thế Linh giới thiệu với các em nhỏ quyển Cuộc phiêu lưu của Dế Út trong lớp học của mình - ẢNH: TRANG HOÀNG

Khi lớn lên, tôi có nhu cầu sáng tạo ra những câu chuyện để chia sẻ cho những đứa trẻ xung quanh mình. Thực ra hồi mới vào nghề, tôi cũng thử vẽ cho cả người lớn, tham gia các chương trình tuyển cộng tác viên của một số báo nhưng thất bại vì lối vẽ không hợp. Có lẽ lối vẽ của tôi chỉ hợp với thiếu niên, nhi đồng. Cứ thế tôi gắn bó với công việc vẽ cho thiếu nhi đến bây giờ” - họa sĩ Thế Linh cho biết.

Niềm vui khi được sử dụng văn hoá Viêt và tiếng Việt

Phóng viên: Điều gì khiến anh vui nhất mỗi khi hoàn thành những sản phẩm truyện tranh của mình?

Họa sĩ Thế Linh: Đó là khi đứa bé đọc truyện tranh của tôi cảm thấy vui sướng. Hồi mới vào nghề, tôi đưa cho trẻ con xem truyện của mình. Khi bé đọc mà không hiểu hoặc cảm thấy truyện không hay, tôi rất buồn. Nhưng sau khi… buồn, tôi lại dành nhiều thời gian để cải thiện các kỹ năng như học về hội họa ở trường mỹ thuật (Anh tốt nghiệp Khoa Hội họa Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 - PV), theo lớp biên kịch, tham gia các trại sáng tác…
Khi làm được tác phẩm khiến những đứa trẻ rung động cũng như cảm nhận được giá trị tích cực trong đó, tôi rất vui.

* Vậy nhưng nhiều người lớn có định kiến không hay về việc một đứa trẻ hay người lớn “suốt ngày chỉ đọc truyện tranh”…

- Bây giờ, đọc truyện tranh đã trở thành sở thích rất phổ biến của cả trẻ em lẫn người lớn. Truyện tranh là món ăn tinh thần gần gũi và có ý nghĩa với các bạn trẻ nếu chứa đựng sự sáng tạo, tính mỹ thuật và thông điệp rõ ràng. 

* Trong các buổi dạy vẽ truyện tranh Chuyển ý thành hình của dự án Vang vọng trống chầu, anh hay giới thiệu cho học viên các tác phẩm truyện tranh Việt Nam từ thời xa xưa. Động lực nào khiến anh tiếp tục theo đuổi công việc vẽ truyện tranh theo phong cách Việt Nam, cho người Việt, trong khi nếu theo phong cách Nhật Bản hay Hàn Quốc có lẽ sẽ dễ ăn khách hơn?

- Đó là vì niềm vui khi được sử dụng văn hóa Việt và tiếng Việt. Tôi đang cố gắng hoàn thiện hơn để tạo ra những sản phẩm hay hơn. Thị trường truyện tranh Nhật Bản hay Hàn Quốc mà các bạn trẻ đang tham gia dĩ nhiên mang lại nhiều cơ hội nhưng tôi mong muốn đóng góp công sức bé nhỏ của mình để truyện tranh Việt Nam phong phú hơn. Những truyện tranh được viết bằng tiếng Việt, kể về những câu chuyện hoặc giá trị của người Việt Nam luôn là điều tôi ấp ủ muốn thực hiện.

Cùng các em nhỏ người H’mông vẽ tranh ở Mù Cang Chải năm 2017  - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Cùng các em nhỏ người H’mông vẽ tranh ở Mù Cang Chải năm 2017 - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

* Ngoài việc vẽ truyện tranh thiếu nhi, sách tranh minh họa, anh còn tham gia rất nhiều hoạt động dạy vẽ truyện tranh cho cả thiếu nhi và người lớn. Anh có thể kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi đứng lớp? 

- Tôi tham gia dạy vẽ vì có nhu cầu tương tác với độc giả và phụ huynh các em. Qua những buổi như thế, tôi học được từ các bạn nhỏ và cả cha mẹ các bạn, được cập nhật thêm những nhân vật mới hay những câu chuyện các em đang đọc. Từ những buổi đứng lớp, tôi được bồi đắp thêm về chuyên môn, buộc phải đọc thêm tài liệu, cập nhật kiến thức bởi tôi “bị” nhiều em hỏi những câu khá hóc búa. 

Có em thực sự đã làm ra những trang truyện tranh xuất sắc. Đó là động lực rất lớn để tôi tiếp tục theo đuổi công việc này. Còn với người lớn, thách thức nằm ở việc khơi dậy sự sáng tạo ở họ.   

Hoạ sĩ truyện tranh phần lớn là người hướng nội 

* Qua chia sẻ của anh thì việc làm họa sĩ truyện tranh đòi hỏi rất nhiều kỹ năng - không chỉ vẽ đẹp mà còn phải đọc rất nhiều. Bản thân truyện tranh cũng được công nhận là môn nghệ thuật thứ 8, sau điện ảnh. Anh có thể nói thêm về điều này?

- Với tôi, truyện tranh là nghệ thuật kết hợp giữa văn học và hội họa. Vẽ truyện tranh gồm phần kể chuyện và phần vẽ. Để ngày càng hoàn thiện phần kể chuyện, họa sĩ cần đọc nhiều tác phẩm văn học hay nhằm bồi đắp về ngôn từ. Năm 2019, tôi trúng tuyển chương trình Thạc sĩ truyện tranh tại Pháp nhưng dịch COVID-19 ập đến khiến tôi không thể theo học. Trong tương lai, tôi muốn học thêm những khóa đào tạo chuyên sâu về truyện tranh.

Họa sĩ Thế Linh trong workshop hằng tháng Chuyển ý thành hình của dự án Vang vọng trống chầu - ẢNH: TRANG HOÀNG
Họa sĩ Thế Linh trong workshop hằng tháng Chuyển ý thành hình của dự án Vang vọng trống chầu - ẢNH: TRANG HOÀNG

* Trải nghiệm dạy vẽ cho trẻ em vùng cao và vẽ minh họa, vẽ các ấn phẩm cổ tích của người dân tộc đã bồi đắp được gì cho việc vẽ truyện tranh của anh?

- Ngoài những hoạt động trong trường học thì có một số hoạt động ngẫu hứng hơn, như lên đồi chọn vị trí đẹp bày sẵn giấy và màu vẽ. Gặp bất kỳ đứa trẻ nào đi qua, tôi sẽ gọi vào và hỏi em muốn nghe kể chuyện và muốn vẽ không. Khi rủ được các em, tôi cùng người bản địa sẽ kể chuyện cổ tích của địa phương các em và chuyện sưu tầm từ vùng khác rồi vẽ cùng nhau. Thực ra các em có sự sáng tạo rất khác biệt so với trẻ em vùng xuôi về cách sử dụng màu sắc, vẽ nhà và phong cảnh.

Khi tham gia những hoạt động ấy, tôi cùng ăn ở với người bản địa, có nhiều thời gian hơn để tăng vốn sống, thấu hiểu và tôn trọng giá trị bản địa. Sau chuyến đi, tôi có một vài quyển sổ ký họa là nguyên liệu để phát triển những tác phẩm sau này.

* Trong workshop Chuyển ý thành hình, có những bạn nhỏ ít nói, nhút nhát, không tương tác với mọi người nhưng khi vẽ lại rất say sưa. Cảm xúc của anh ra sao khi gặp các em ấy?

- Tính cách hướng nội là một đặc điểm thường thấy của những người làm sáng tạo. Họa sĩ truyện tranh phần lớn là người hướng nội nên khi gặp các bạn nhỏ như vậy, tôi cảm nhận được sự thân thuộc. Tôi tin các em sẽ làm rất tốt. Các em cần thời gian, sự động viên và đến cuối buổi thường cho ra những sản phẩm khiến tôi trầm trồ. Có em vẽ cực kỳ chi tiết và thời hạn của buổi workshop không đủ cho em ấy.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Mội số hoạt động của hoạ sĩ Nguyễn Thế Linh

- Tham gia tổ chức hoạt động nghệ thuật cho trẻ em vùng cao cùng nhóm tình nguyện Mùa xuân.
- Dự án Cụng, đụng, chạm: cùng sinh sống, giao lưu văn hóa và sáng tác cùng các em nhỏ tại khu vực Chế Cu Nha, Mù Cang Chải (Yên Bái).  
- Dự án Chuyện kể bên bếp lửa: sưu tầm truyện cổ tích H’mông qua các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang.
- Dự án Nâng cao nhận thức cho trẻ em ở Sapa tập huấn kỹ năng tạo hình và thể hiện trên giấy cho trẻ em ở xã Sa Pả, Sa Pa (Lào Cai).
- Workshop dạy vẽ và kể chuyện tại Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, TPHCM.
- Workshop vẽ tranh trong triển lãm Thế giới nhiệm màu của các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Séc, cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng.
- Ra mắt các ấn phẩm: Chuyện bên bếp lửa, Vườn mơ, Tủa đi lạc rồi, Khúc hát cầu mưa

Anh Phạm (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI