Hành khách đổ xô đón chuyến bay đến Mỹ trong ngày đầu tái mở cửa biên giới

09/11/2021 - 06:37

PNO - Ngày 8/11, Mỹ chính thức dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với nhiều quốc gia, tạo tiền đề cho các cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc trong gần 2 năm.

Những người vợ sẽ ôm chồng lần đầu tiên sau nhiều tháng. Bà nội sẽ thủ thỉ cùng những đứa cháu trai đã lớn gấp đôi tuổi kể từ lần cuối bà nhìn thấy chúng. Dì, chú và anh chị em họ sẽ ôm ấp những đứa trẻ mà họ chưa từng gặp.

Gaye Camara nói về người chồng ở New York mà cô ấy chưa gặp lại kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát: “Tôi sẽ ùa vào vòng tay của anh ấy, hôn anh ấy. Chỉ nói về điều đó thôi cũng khiến tôi xúc động”.

Một tấm biển ghi bằng tiếng Ý 'Chúng ta lại bay đến Mỹ' gần cổng lên máy bay của United Airlines tại sân bay Leonardo Da Vinci của Fiumicino, gần Rome hôm 8/11
1 tấm biển ghi bằng tiếng Ý "Chúng ta lại bay đến Mỹ" gần cổng lên máy bay của United Airlines tại sân bay Leonardo Da Vinci của Fiumicino, gần Rome hôm 8/11.

Người phụ nữ 40 tuổi đẩy hành lý băng qua sân bay Charles de Gaulle của Paris, nơi gần như trở lại thời hoàng kim trước đại dịch, bận rộn với đám đông ồn ào, chỉ khác là mọi người đều đeo khẩu trang.

Các quy định có hiệu lực vào thứ Hai cho phép việc đi lại bằng đường hàng không đến Mỹ từ một loạt các quốc gia nằm trong danh sách hạn chế kể từ những ngày đầu của đại dịch - miễn là khách du lịch có bằng chứng đã tiêm phòng và xét nghiệm COVID-19 âm tính. Những người đi qua biên giới đất liền từ Mexico hoặc Canada cần cung cấp bằng chứng tiêm phòng nhưng không cần xét nghiệm.

Công dân Mỹ và thường trú nhân luôn được phép nhập cảnh vào Mỹ, nhưng lệnh cấm khách du lịch đã cản trở những người đi công tác và buộc các gia đình ly tán trong nhiều tháng.

Một người phụ nữ đi qua khu vực lên máy bay tại sân bay Frankfurt, Đức với lá cờ Mỹ cho chuyến bay của hãng Lufthansa đến New York
1 người phụ nữ đi qua khu vực lên máy bay tại sân bay Frankfurt, Đức với lá cờ Mỹ 

Khi Camara nhìn thấy chồng cô – anh Mâmdou -  lần cuối vào tháng 1/2020, họ không biết rằng cả hai sẽ phải đợi 21 tháng trước khi ôm nhau lần nữa. Cô sống ở vùng Alsace của Pháp, làm thư ký, anh thì làm việc tại New York.

Camara kể: “Lúc đầu rất vất vả. Tôi đã khóc gần như mỗi đêm”. Những cuộc gọi điện video, tin nhắn văn bản, cuộc trò chuyện điện thoại giúp họ kết nối với nhau - nhưng không thể lấp đầy khoảng trống chia cắt.

Người phụ nữ thổ lộ: "Tôi không thể chờ đợi khoảnh khắc được ở bên anh ấy, cảm nhận sự hiện diện của anh ấy, khuôn mặt anh ấy, nụ cười của anh ấy".

Hành khách đến Mỹ check-in tại quầy của Air France ở sân bay Charles de Gaulle, phía bắc Paris, Pháp
Hành khách đến Mỹ check-in tại quầy của Air France ở sân bay Charles de Gaulle, phía bắc Paris, Pháp

Các hãng hàng không đang chuẩn bị cho một đợt tăng cường hoạt động sau đại dịch. Dữ liệu từ công ty du lịch và phân tích Cirium cho thấy các hãng hàng không đang tăng các chuyến bay giữa Anh và Hoa Kỳ lên 21% trong tháng này so với tháng trước.

Để đánh dấu tầm quan trọng to lớn của du lịch xuyên Đại Tây Dương đối với các hãng hàng không, British Airways và Virgin Atlantic đã tổ chức lễ khai trương trở lại bằng cách đồng bộ hóa các chuyến khởi hành vào sáng sớm của họ đến New York trên các đường băng song song tại Sân bay Heathrow của London.

Đối với hành khách Martine Kerherve, việc xa cách những người thân yêu ở Mỹ chứa đầy những lo lắng rằng họ có thể không sống sót sau đại dịch, vốn đã giết chết hơn 5 triệu người trên toàn thế giới.

Kerherve, người đến Fort Lauderdale, Florida, từ Paris, cho biết: “Chúng tôi tự nhủ rằng chúng tôi có thể chết trước khi gặp lại nhau. Tất cả chúng ta đều trải qua giai đoạn trầm cảm, lo lắng”.

Hành khách xếp hàng tại sân bay London Heathrow T3 khi Mỹ mở cửa lại biên giới cho du khách từ Anh
Hành khách xếp hàng tại sân bay London Heathrow T3 khi Mỹ mở cửa lại biên giới cho du khách từ Anh

Trong khi đó, nữ hành khách Maria Giribet đã không gặp 2 đứa cháu song sinh Gabriel và David gần 2 năm nay. Các cậu bé 3 tuổi rưỡi đang ở San Francisco (Mỹ), nơi mà trong thời kỳ cao điểm của đại dịch chẳng khác nào hành tinh khác so với hòn đảo Majorca ở Địa Trung Hải mà bà Giribet sinh sống.

“Tôi sẽ ôm chặt chúng như vẫn hằng mơ ước”, bà Giribet nói sau khi làm thủ tục chuyến bay. 

Sự thay đổi này cũng sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến biên giới Mỹ với Mexico và Canada, nơi việc bước qua biên giới là một phần quen thuộc của cuộc sống cho đến khi đại dịch bùng phát và Mỹ đóng cửa các hoạt động du lịch không cần thiết.

Mỹ sẽ chấp nhận những khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ bằng bất kỳ vắc xin nào được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận để sử dụng khẩn cấp, chứ không chỉ những vắc xin đang được sử dụng ở Mỹ.

Nhưng hàng triệu người trên thế giới đã tiêm vắc xin Sputnik V của Nga, CanSino của Trung Quốc hoặc những loại khác không được WHO chấp thuận sẽ không thể đến Mỹ.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI