Số ca mắc COVID-19 toàn cầu gần 250 triệu dù mức tăng đột biến của Delta giảm bớt

08/11/2021 - 06:42

PNO - Thế giới ghi nhận gần 250 triệu trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 khi các quốc gia ở Đông Âu đang trải qua những đợt bùng phát kỷ lục.

Theo phân tích của Reuters, sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta đã giảm bớt giúp hoạt động thương mại và du lịch trên toàn cầu bắt đầu trở lại bình thường hơn. Cụ thể, trong ba tháng qua, số ca mắc COVID-19 trung bình hàng ngày đã giảm 36%.

Mặc dù sự lây lan đã chậm lại, nhưng cứ sau 90 ngày vẫn có thêm 50 triệu người bị lây nhiễm, do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao. Trước đó, thế giới phải mất gần một năm mới đạt cột mốc 50 triệu ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và tử vong tiếp tục tăng cao tại Hy Lạp.
Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và tử vong tiếp tục tăng cao tại Hy Lạp

Các chuyên gia y tế cho rằng nhiều quốc gia đã ngăn chặn được tình trạng tồi tệ nhất của dịch bệnh nhờ vắc xin, mặc dù họ cảnh báo thời tiết lạnh hơn và các kỳ nghỉ đông sắp tới có thể làm gia tăng các ca nhiễm.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới, nói với Reuters: “Chúng tôi nghĩ rằng từ nay đến cuối năm 2022 là thời điểm mà chúng ta kiểm soát được loại virus này, có thể giảm đáng kể ca bệnh nghiêm trọng và tử vong”.

Ngoài vắc xin, hiện đã có những phương pháp điều trị tốt hơn. Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt một loại thuốc kháng virus molnupiravir. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện đối với các trường hợp mắc COVID-19 được sử dụng thuốc sớm khi vừa phát hiện bệnh.

Dẫu mức tăng đột biến của Delta đã giảm bớt nhưng các ca nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng ở 55 trong số 240 quốc gia, nhất là Nga, Ukraine, Hy Lạp và các nước Đông Âu - khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở châu Âu. Theo Reuters, hơn một nửa số ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn thế giới là từ các quốc gia châu Âu, ghi nhận 1 triệu ca nhiễm mới cứ sau 4 ngày.

Tính đến nay, hơn một nửa dân số thế giới vẫn chưa được tiêm một liều vắc xin COVID-19, theo Our World in Data. Chưa đến 5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã nhận được ít nhất một liều vắc xin.

Cuối tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm viện trợ khác đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tài trợ cho kế hoạch trị giá 23,4 tỷ USD để đưa vắc xin, xét nghiệm và thuốc COVID-19 đến các nước nghèo hơn trong 12 tháng tới.

Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI