Hàng triệu người chịu đựng ô nhiễm chết người

11/03/2022 - 06:44

PNO - Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cảnh báo về việc có nhiều các “khu hy sinh” trên khắp thế giới, nơi hàng chục triệu người đang bị đột quỵ, ung thư, các vấn đề về hô hấp và bệnh tim do ô nhiễm độc hại.

David Boyd, báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường của Liên Hiệp Quốc, nói với Guardian: “Có những "khu hiến tế" khắp thế giới trên mọi khu vực: ở phía Bắc, phía Nam, phía Đông, phía Tây, ở các nước giàu, ở các nước nghèo”.

Ông Boyd đã trích dẫn các vấn đề sức khỏe thể chất, bao gồm ung thư, bệnh tim, bệnh hô hấp, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe sinh sản, cũng như “các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến việc sống ở những "khu hy sinh" này vì mọi người cảm thấy bị bóc lột, họ cảm thấy bị kỳ thị”.

Kabwe ở Zambia, một trong những 'khu hy sinh' độc hại được LHQ trích dẫn, nơi 95% trẻ em có nồng độ chì cao trong máu.
Kabwe ở Zambia, một trong những "khu hy sinh" độc hại được LHQ trích dẫn, nơi 95% trẻ em có nồng độ chì cao trong máu.

David Boyd nhấn mạnh tất cả những điều này đã vi phạm nhân quyền, cụ thể là quyền được sống, quyền được ở trong môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững, thay vào đó họ đang phải đối mặt với những điều kiện môi trường ô nhiễm khủng khiếp.

Trong báo cáo được trình bày trước hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 10/3, David Boyd cho biết ô nhiễm đã góp phần gây ra số ca tử vong gấp đôi so với dịch COVID-19 trong 18 tháng đầu tiên của đại dịch.

Báo cáo cho biết thêm: “Một trong sáu trường hợp tử vong trên thế giới liên quan đến các bệnh do ô nhiễm gây ra, nhiều hơn ba lần so với số người chết do AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại và gấp 15 lần so với những cái chết do chiến tranh, giết người và các hình thức bạo lực khác”.

David Boyd cũng cảnh báo sự độc hại của Trái đất đang gia tăng, ngay cả khi một số hóa chất độc hại bị cấm hoặc bị loại bỏ, tổng sản lượng hóa chất đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2017 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới nhưng cũng là nơi có một trong những "khu hy sinh" tồi tệ nhất trên hành tinh. Ở Louisiana có vài “hẻm ung thư'”, nơi có hơn một trăm nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa dầu…

Báo cáo viên David Boyd nói thêm các doanh nghiệp là thủ phạm chính, họ rất vui khi bỏ qua các chi phí xã hội và môi trường có lợi cho lợi nhuận của họ, đồng thời nói thêm rằng tiền là “rào cản chính để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học và giải quyết ô nhiễm tràn lan”. Ông kêu gọi các chính phủ áp đặt các quy định mạnh mẽ đối với các tập đoàn gây ô nhiễm - và ngừng chi khoảng 1,8 tỷ USD mỗi năm để trợ cấp cho các ngành công nghiệp gây hại cho môi trường.

Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI