Hàng ngàn người dân Nam Sudan đang chết mòn vì đói

25/12/2020 - 06:00

PNO - Liên Hiệp Quốc (LHQ) từng đưa ra cảnh báo Nam Sudan - cùng với Yemen, Burkina Faso và Đông Bắc Nigeria - là 4 quốc gia có nhiều khu vực có thể rơi vào nạn đói.

Kidrich Korok khóc trong sân bên ngoài ngôi nhà của cô ở Lekuangole, Nam Sudan, cô nhớ về cậu con trai 9 tuổi Martin đã chết đói hồi tháng Bảy - Ảnh: AP
Kidrich Korok khóc trong sân bên ngoài ngôi nhà của cô ở Lekuangole, Nam Sudan, cô nhớ về cậu con trai 9 tuổi Martin đã chết đói hồi tháng 7 - Ảnh: AP

Sau gần một tuần trốn tránh chiến sự lan rộng, Kallayn Keneng phải chứng kiến cái chết của hai đứa con nhỏ. Các con cô chết đói. Cô nói: “Hai đứa cứ khóc mãi và rên rỉ: "Mẹ ơi, chúng con đói quá!", nhưng tôi không có gì để nuôi con". Không đủ sức chôn cất hai con, Keneng - rã rời vì đau buồn và vì đói - đành phủ cỏ lên xác hai con rồi để lại trong rừng.

Giờ đây, Keneng - người phụ nữ 40 tuổi mới mất con - đang chờ nhận viện trợ lương thực, cô là một trong số hơn 30.000 người ở quận Pibor (Nam Sudan) đứng trước bờ vực nạn đói. Phát hiện của các chuyên gia an ninh lương thực quốc tế cho thấy đây có thể là nơi đầu tiên của thế giới rơi vào nạn đói kể từ khi nạn đói được tuyên bố vào năm 2017 ở một vùng khác của đất nước đang chìm sâu trong cuộc nội chiến.

Trong vụ bạo lực hồi tháng 7, cậu con trai 9 tuổi Martin của Kidrich Korok đã bị tách khỏi gia đình và sống trong rừng hơn một tuần. Đến khi người ta tìm ra Martin, bé bị suy dinh dưỡng nặng, và đã không thể cứu được nữa. Người mẹ nhớ lại, Martin luôn hứa sẽ học tập chăm chỉ và lớn lên làm việc để giúp mẹ. Ngay cả khi hấp hối, Martin vẫn trấn an mẹ mình “không nên lo lắng”.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) từng đưa ra cảnh báo Nam Sudan - cùng với Yemen, Burkina Faso và Đông Bắc Nigeria - là bốn quốc gia có nhiều khu vực có thể rơi vào nạn đói.

Trong năm, quận Pibor chứng kiến tình trạng ​​bạo lực đẫm máu ở địa phương và lũ lụt chưa từng có đã làm tổn hại đến các nỗ lực cứu trợ. Bảy gia đình nói với phóng viên AP rằng 13 người con của họ chết đói trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 11.

17 trẻ em đã chết vì đói ở địa phương và ở các ngôi làng lân cận từ tháng 9 đến tháng 12 - Ảnh: Getty Images
17 trẻ em đã chết vì đói ở địa phương và ở các ngôi làng lân cận từ tháng 9 đến tháng 12 - Ảnh: Getty Images

Người đứng đầu chính quyền Lekuangole, Peter Golu, cho biết ông đã nhận được báo cáo khủng khiếp từ các nhà lãnh đạo cộng đồng rằng 17 trẻ em đã chết vì đói ở địa phương và ở các ngôi làng lân cận từ tháng 9 đến tháng 12.

Báo cáo của Ủy ban Đánh giá nạn đói (FRC) mới công bố tháng 12 đã dừng tuyên bố nạn đói vì không đủ dữ liệu. Nhưng nạn đói được cho là đang xảy ra, có nghĩa là ít nhất 20% hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cực kỳ nghiêm trọng và ít nhất 30% trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.

Nhưng chính phủ Nam Sudan không tán thành những phát hiện của báo cáo FRC. Theo chính phủ, nếu để nạn đói xảy ra, “đó sẽ là một thất bại của chính quyền”.

Ông John Pangech, chủ tịch Ủy ban An ninh Lương thực của Nam Sudan, cho rằng “họ chỉ đưa ra các giả định, trong khi chúng tôi có mặt để đối phó với sự thật, là chúng không hề có ”. Chính phủ Nam Sudan cho biết 11.000 người trên khắp đất nước đang trên bờ vực đói ăn, ít hơn nhiều so với con số 105.000 người do các chuyên gia an ninh lương thực ước tính.

Chính phủ Nam Sudan cũng dự báo ​​60% dân số của đất nước, tương đương 7 triệu người, có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu đói cực độ vào năm tới, và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở các bang Warrap, Jonglei và Bắc Bahr el Ghazal.

Nam Sudan đang phải vật lộn để phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài 5 năm. Các chuyên gia an ninh lương thực cho biết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng thiếu đói hầu hết là do giao tranh. Tình trạng này bao gồm bạo lực giữa các cộng đồng được chính phủ hoặc phe đối lập hậu thuẫn.

Hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong năm nay do bạo lực cục bộ được những người hành động vì lợi ích cá nhân “cấp vũ khí”, theo ông David Shearer, người đứng đầu phái bộ LHQ tại Nam Sudan. Bạo lực đã phong tỏa các tuyến đường tiếp tế, đốt phá các khu chợ, sát hại các nhân viên cứu trợ và ngăn cản người dân trồng trọt.

Các gia đình ở Lekuangole cho biết, mùa màng của họ đã bị giao tranh tàn phá, bây giờ họ sống nhờ vào trái cây và lá cây.

Cơ quan y tế ở Lekuangole ghi nhận 20 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng trong tuần đầu tiên và nửa tháng 12, nhiều gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũ lụt đã cắt đứt hầu hết đường vào thị trấn Pibor và dịch vụ chăm sóc y tế ở đó, khiến cho một số trẻ em bị bệnh nặng phải di chuyển ba ngày dọc theo con sông trên những chiếc bè nhựa mỏng manh.

Các quan chức ở quận Pibor nói rằng họ không hiểu tại sao chính phủ Nam Sudan không thừa nhận quy mô của nạn đói. “Nếu mọi người ở (thủ đô) nói rằng không có nạn đói ở Pibor, thì họ đang nói dối và muốn mọi người chết”, David Langole Varo, nhân viên tổ chức nhân đạo của chính phủ ở Khu hành chính Đại Pibor, cho biết.

Tại thị trấn Pibor, những bà mẹ và trẻ em suy dinh dưỡng chờ đợi hàng giờ bên ngoài các phòng khám, họ hy vọng nhận được thứ gì đó để ăn. Trong một tuyên bố chung vào tuần trước, ba cơ quan của LHQ đã kêu gọi tiếp cận ngay lập tức các khu vực của quận Pibor, nơi người dân đang phải đối mặt với mức độ đói thảm khốc.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phải đối mặt với những thách thức trong việc cung cấp viện trợ trong năm nay. Khoảng 635 tấn thực phẩm đã bị đánh cắp ở quận Pibor và bang Jonglei - số thực phẩm đủ để nuôi sống 72.000 người - và một vụ máy bay ném thực phẩm cứu trợ ở Lekuangole hồi tháng 10 đã giết chết một phụ nữ lớn tuổi. WFP cho biết họ cần hơn 470 triệu đô la trong sáu tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng đói. Trong khi đó, các gia đình ở Nam Sudan lo lắng chiến sự có thể bùng nổ trở lại khi mùa khô đến gần.

Cẩm Hà (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI