Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu văn hóa bằng chiến lược mới

15/04/2025 - 07:20

PNO - Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch đưa 26 trung tâm văn hóa Hàn Quốc (KCC) ở nước ngoài trở thành “cửa ngõ truyền thống” cho thấy việc quảng bá văn hóa của “siêu cường quốc K-pop” sẽ không dừng lại ở làn sóng Hallyu.

Từ đại chúng đến truyền thống

Hơn 2 thập niên qua, Hàn Quốc đã trở thành điển hình về việc biến văn hóa đại chúng thành công cụ ngoại giao mềm. K-pop, phim truyền hình, điện ảnh và ẩm thực Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng Hallyu lan rộng khắp thế giới. Không dừng lại ở những thành công đã đạt được, Hàn Quốc xác định, để duy trì ảnh hưởng lâu dài, cần tăng cường quảng bá văn hóa truyền thống. Đó không chỉ là kimchi, hanbok hay gayageum (một loại nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc) mà còn là các giá trị lịch sử, triết lý sống, tinh thần dân tộc… ẩn sâu trong từng nếp sống, món ăn, điệu múa.

Talchum - điệu múa mặt nạ truyền thống của Hàn Quốc - Nguồn ảnh: Korea Heritage Service
Talchum - điệu múa mặt nạ truyền thống của Hàn Quốc - Nguồn ảnh: Korea Heritage Service

Trong năm 2025, các KCC sẽ triển khai hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm thủ công, lớp học nấu ăn, biểu diễn múa mặt nạ talchum, âm nhạc gukak, trình diễn hanbok tại hơn 20 quốc gia từ Mỹ, châu Âu đến Đông Nam Á và châu Phi. Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc lựa chọn đa dạng hóa địa điểm triển khai: từ Washington D.C (Mỹ) với Ngày Kimchi - đến Sydney (Úc) với lớp học làm bánh quýt Jeju hay Brussels (Bỉ) với triển lãm ảnh hanbok tại các biểu tượng văn hóa địa phương. Điều này thể hiện sự tính toán kỹ lưỡng nhằm tương tác tốt nhất với cộng đồng địa phương. Kế hoạch có sự phối hợp giữa nhiều tổ chức văn hóa lớn như Trung tâm Gugak quốc gia, Viện Xúc tiến ẩm thực Hàn Quốc, Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế.

Chiến lược quảng bá văn hóa truyền thống không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh quốc gia mà còn là cách để Hàn Quốc củng cố thương hiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm văn hóa trong tương lai.

Việc tạo cơ hội để công chúng quốc tế hiểu hơn về văn hóa truyền thống sẽ tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp sáng tạo, từ thiết kế, thời trang, du lịch đến phim ảnh, có thể khai thác chiều sâu văn hóa của Hàn Quốc và phát triển nội dung mới. Thực tế cho thấy thành công của những bộ phim như Kingdom (Vương triều xác sống), Mr. Sunshine (Quý ngài Ánh Dương) hay mới nhất là When life gives you tangerines (Khi cuộc đời cho bạn quả quýt)… hoặc các sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ hanbok thể hiện tiềm năng lớn của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Sâu xa hơn, văn hóa truyền thống còn là “chất keo” kết nối cộng đồng người Hàn Quốc ở nước ngoài với cội nguồn, qua đó củng cố khối đoàn kết dân tộc và lan tỏa bản sắc văn hóa Hàn trong cộng đồng quốc tế.

Ngân sách “khủng”

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa trong năm 2024 đạt hơn 7,5 ngàn tỉ won (khoảng 5,6 tỉ USD) - mức cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn khoản chi này dành cho các chương trình quốc tế hóa văn hóa truyền thống và phát triển công nghiệp văn hóa.

Với chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, K-Arts Touring - tổ chức triển lãm, biểu diễn và hợp tác học thuật - được phân bổ gần 300 triệu USD. Chính phủ Hàn Quốc cũng triển khai chương trình K-Brand thuộc chiến lược quốc gia quảng bá thương hiệu văn hóa ra toàn cầu. Mỗi năm, khoảng 120 triệu USD được đầu tư cho các hoạt động quảng bá di sản như hanbok, kimchi, hanji, kiến trúc cổ, ẩm thực truyền thống… với mục tiêu gắn văn hóa truyền thống vào hình ảnh quốc gia hiện đại.

Pansori, loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại,
Pansori, loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại,

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Văn hóa Hàn Quốc công bố cuối năm 2023 cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức quốc tế về văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Tỉ lệ người nước ngoài được khảo sát cho biết họ “hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống Hàn Quốc” đã tăng gần gấp đôi, từ 16% năm 2016 lên 32% vào năm 2023. Một khảo sát độc lập do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thực hiện tại 15 quốc gia cũng ghi nhận: có đến 69% người tham gia cho biết họ quan tâm hơn đến hanbok, gukak, kimchi và các biểu tượng truyền thống sau khi tiếp xúc với K-pop hoặc phim ảnh Hàn Quốc.
Dữ liệu tìm kiếm toàn cầu cho thấy mức độ quan tâm đến các yếu tố văn hóa truyền thống Hàn Quốc tăng đột biến. Các từ khóa như “hanbok”, “gukak”, “najeonchilgi” (sơn mài khảm trai truyền thống) tăng từ 200 - 500% trên các nền tảng quốc tế trong vòng 2 năm qua, đặc biệt tại Mỹ, Pháp và Thái Lan.

Theo báo cáo của Viện Hyundai Research, mỗi 1 USD đầu tư vào quảng bá văn hóa truyền thống có thể tạo ra giá trị lan tỏa tương đương 4-5 USD, bao gồm hiệu quả truyền thông, gia tăng nhận diện thương hiệu quốc gia và thúc đẩy tiêu dùng văn hóa. Ngoài ra, việc đẩy mạnh truyền thông văn hóa còn giúp tăng doanh thu trong các lĩnh vực liên quan như xuất khẩu hàng hóa, du lịch và dịch vụ sáng tạo. Theo bảng xếp hạng Anholt-Ipsos Nation Brands Index 2023, yếu tố văn hóa Hàn Quốc chiếm tới 27% tổng giá trị thương hiệu quốc gia, chỉ sau khoa học - công nghệ.

Cách làm của Hàn Quốc cho thấy, với văn hóa truyền thống, không chỉ nhìn ở góc độ bảo tồn mà phải xem đó là một tài sản, có thể chuyển hóa thành sức mạnh kinh tế và xây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Dũng Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI