Hai phần ba nữ tỷ phú trên thế giới là người Trung Quốc

29/03/2021 - 17:52

PNO - Theo một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận, tính đến tháng 1/2021, Trung Quốc đã có thêm 24 nữ tỷ phú, đưa tổng số nữ tỷ phú ở nước này lên 85 người, gấp bốn lần số nữ tỷ phú ở Mỹ và tương đương với khoảng 2/3 tổng số nữ tỷ phú trên toàn thế giới (130 người).

Báo cáo nói trên cũng cho biết, Trung Quốc hiện có số tỷ phú tự thân nhiều nhất thế giới. Mặc dù số tỷ phú nữ ở Trung Quốc tăng đến 30% trong năm ngoái nhưng họ vẫn bị “áp đảo” bởi con số 3.098 tỷ phú nam ở nước này, báo cáo nhận định thêm.

Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, Rupert Hoogewerf - Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận cho rằng các nước khác cần “thức tỉnh” trước sự thống lĩnh của các nữ doanh nhân Trung Quốc, hiện đang chiếm đến 70% số nữ doanh nhân thành đạt nhất thế giới. “Mọi người nên nghiên cứu Trung Quốc và tìm hiểu điều gì đang cản trở phụ nữ ở những nơi khác xây dựng cơ nghiệp kinh doanh đạt tầm cỡ của các nữ tỷ phú ở nước này”, Hoogewerf nói thêm.

Viện nghiên cứu Hồ Nhuận cũng cho biết có đến 9 trong số 10 nữ tỷ phú tự thân đứng đầu thế giới là người Trung Quốc và 8 trong số 10 gương mặt nữ tỷ phú mới nổi lên trên thế giới cũng đến từ nước này.

Dưới đây là 3 nữ doanh nhân giàu nhất Trung Quốc và con đường trở thành tỷ phú tự thân của họ.
1. Zhong Huijuan (Chung Tuệ Quyên), 60 tuổi, Tổng giám đốc (CEO) của công ty dược phẩm Hansoh, tổng tài sản 22 tỷ USD

Đây là năm thứ hai liên tiếp bà Chung đứng đầu danh sách những nữ doanh nhân giàu nhất thế giới. Sinh trưởng từ tỉnh Giang Tô, bà Chung học ngành hóa học và bắt đầu sự nghiệp của mình là một giáo viên dạy hóa cho bậc trung học. Chồng của bà Chung, Sun Piaoyang (Tôn Phiêu Dương), cũng là một tỷ phú và từng là  giám đốc ở một nhà máy sản xuất dược phẩm thuộc sở hữu nhà nước, chính là người đã đưa bà đến với lĩnh vực này.

Năm 1995, ông Tôn thành lập công ty dược phẩm Haosen Pharmaceutical, một tiền thân của Hansoh sau này. Và ông đã quyết định đưa bà Chung vào vị trí Tổng giám đốc công ty này do ông vẫn còn phải tham gia vào việc quản lý nhà máy thuộc sở hữu nhà nước. Bà Chung sau đó đã chuyển hướng hoạt động của công ty này sang tập trung sản xuất dược phẩm đã được cấp bằng sáng chế thay vì sản xuất các loại thuốc thông thường - một chiến lược đã giúp Haosen đạt đến những tầm cao mới.

Hai năm sau, bà Chung đã tạo ra bước đột phá đầu tiên khi đưa ra thị trường thành công một loại thuốc kháng sinh có tên Cefalexin có công dụng điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác nhau. Cefalexin cũng trở thành mặt hàng bán chạy nhất của công ty ngay sau đó.

Trong 10 năm tiếp theo, bà Chung đã dành ra 10% doanh thu hàng năm của công ty để nghiên cứu và phát triển ra các loại dược phẩm mới. Đến đầu thập niên 2000, công ty của bà đã chế tạo ra 40 loại thuốc mới, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc tâm thần và thuốc điều chỉnh nội tiết tố. Những sản phẩm này đã đưa Hansoh trở thành một trong những công ty dược phẩm thành công nhất Trung Quốc.

2. Fan Hongwei (Phan Hồng Vy), 54 tuổi, CEO của công ty sợi hóa học Hengli, tổng tài sản 23 tỷ USD

Cũng sinh ra ở tỉnh Giang Tô, bà Phan có xuất thân là một nhân viên kế toán. Bà có cơ hội đến với ngành sản xuất sợi hóa học lần đầu tiên nhờ người chồng Chen Jianhua (Trần Kiến Hoa), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hengli, cũng là một tỷ phú.

Đầu thập niên 1990, ông Trần bắt đầu đi bán sợi hóa chất và lụa công nghiệp trắng bằng xe đạp sau khi bị thất bại từ một công trình xây dựng. Việc bán hàng “dạo” này hóa ra lại là một hoạt động kinh doanh đem về cho ông Trần những khoản lợi nhuận lớn, do thị trường Trung Quốc luôn ở trong tình trạng “khát” nguyên liệu thô. Năm 1994, hai vợ chồng Phan và Trần gom hết vốn liếng để mua lại một nhà máy dệt đang thua lỗ.  Họ thuyết phục các công nhân cũ ở lại và thực hiện hàng loạt chương trình tái cấu trúc để chuyển đổi vị thế của nhà máy này chỉ trong một năm.

Nhờ liên tục trích lợi nhuận để tái đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị và mở rộng nhà xưởng, đến đầu thập niên 2000, Hengli đã trở thành một trong những công ty dệt sợi lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Hengli luôn đi tiên phong trong việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, trở thành nhà sản xuất sợi lớn nhất Trung Quốc với sản phẩm đầu ra được sử dụng chủ yếu cho ngành may mặc.
3. Wu Yajun (Ngô Á Quân), 57 tuổi, đồng sáng lập và Chủ tịch của Longfor, tổng tài sản 17 tỷ USD

Longfor là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất thế giới. Bà Ngô lớn lên trong một căn hộ nhỏ và phải dùng chung nhà bếp với 10 hộ gia đình khác. Cha của bà từng làm việc cho một cửa hàng bách hóa của nhà nước và mẹ là một thợ may.

Vào những năm đầu của tuổi 20 sau khi tốt nghiệp cao đẳng cơ khí, bà Ngô làm kỹ thuật viên cho một nhà máy của nhà nước. Trong thập niên 1980, khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách thị trường, bà chuyển sang làm phóng viên cho một tờ báo địa phương ở Trùng Khánh, một thành phố mở miền Tây Nam Trung Quốc, có cơ quan chủ quản là Ủy ban Phát triển nhà. Công việc này đã tạo điều kiện để bà Ngô có được mối quan hệ với rất nhiều quan chức và công ty trong lĩnh vực phát triển nhà mà bà đã tận dụng cho sự nghiệp của mình sau này.

Năm 1993, cùng với người chồng cũ Cai Kui (Thôi Khải), bà Ngô đã thành lập công ty Longfor. Từ năm 2012, sau khi hai người ly hôn thì ông Thôi không còn vai trò gì ở công ty này nữa. Năm 2004, Longfor thâm nhập vào thị trường quốc tế bằng cách thành lập các liên doanh với Hongkong Lan, một tập đoàn đầu tư, quản lý và phát triển bất động sản.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI