Hạ điểm học sinh vì không được "vượt mức" số lượng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc?

11/07/2022 - 09:03

PNO - Nếu việc dạy và học đều đã tốt thì học sinh (HS) xứng đáng ở mức nào cứ xếp loại các em ở mức đó. Nhiều HS giỏi, HS xuất sắc là điều đáng mừng chứ sao phải sợ dư luận “dậy sóng”!

 

Tại sao chúng ta lại phải sợ có quá nhiều học sinh giỏi,  học sinh xuất sắc! - ảnh: internet
Tại sao chúng ta lại phải sợ có quá nhiều học sinh giỏi, học sinh xuất sắc!  (ảnh minh họa)

Năm học 2021 - 2022 đã kết thúc từ hơn một tháng nay nhưng chị H.P. (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) vẫn còn ấm ức trước kết quả học tập học kỳ II của con gái mình, học lớp Hai. Điểm thi các môn của cháu, trừ phần đọc của môn tiếng Việt bị điểm 5, còn lại đều được điểm 10. Là người đồng hành, giám sát con trong việc học hành nên chị P. không tin con mình đọc yếu đến mức chỉ được 5 điểm. Trao đổi việc này với cô giáo, chị P. được giải thích là cô buộc phải hạ điểm một số bạn để số học sinh (HS) giỏi của lớp không vượt quá chỉ tiêu. 

Tương tự, tại Q.Hà Đông (TP.Hà Nội), trong buổi họp cuối năm, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh của một lớp cũng phải bàn bạc, chia sẻ với nhau về chuyện “chỉ tiêu HS xuất sắc là có hạn” và lớp chỉ có 11/41 HS đạt xuất sắc mà thôi. Vì “hạn mức” này mà không ít HS phải chịu bất công, xứng đáng nhưng không được xếp loại HS xuất sắc. 

Một viên chức ngành giáo dục cấp quận/huyện cho hay, phòng giáo dục và đào tạo đã giới hạn chỉ tiêu HS giỏi, HS xuất sắc rồi lãnh đạo các trường cứ vậy giao về các lớp. Cũng có sự khác nhau về số lượng giữa lớp này, lớp khác, song việc giới hạn này vẫn mang tính cơ học. 

Phải làm cái việc “hết sức cơ học” ấy, không nói ra thì nhiều người cũng biết, là để “chữa bệnh thành tích”, để hạn chế số lượng HS giỏi, HS xuất sắc, nhằm tránh bị dư luận “dậy sóng”: HS giỏi, HS xuất sắc nhiều quá! 

Vấn đề ở đây là chúng ta chống bệnh thành tích, chống chủ nghĩa thành tích, chứ không chống thành tích. Mà bệnh thành tích thì chỉ có ở người lớn chứ không ở trẻ con. Chúng ta cũng không thể lấy chuyện của ngày xưa “rất ít HS giỏi” để làm chuẩn cho giáo dục của ngày nay khi quan niệm, nội dung chương trình, yêu cầu và cách đánh giá đều đã thay đổi.

Chắc hẳn, mọi vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục mới đều đã được khảo sát, nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi được triển khai. Vấn đề còn lại là việc triển khai như thế nào, dạy và học có thật không. Nếu việc dạy và học đều đã tốt thì HS xứng đáng ở mức nào cứ xếp loại các em ở mức đó. Nhiều HS giỏi, HS xuất sắc là điều đáng mừng chứ sao phải sợ dư luận “dậy sóng”! 

 Ngọc Minh Tâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI