Tặng thưởng “khủng” cho học sinh và nguy cơ cổ xúy bệnh thành tích

21/12/2020 - 07:00

PNO - Thông tin các địa phương lần lượt tăng mức thưởng cho học sinh đoạt giải ở các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế lên đến vài trăm triệu đồng, tôi cảm thấy lo lắng hơn là vui mừng.

Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, tôi hiểu đó là động lực để học sinh, giáo viên cố gắng chinh phục các kỳ thi nhưng từ đó cũng phát sinh những cuộc chạy đua thành tích không có điểm dừng. Ranh giới giữa theo đuổi mục tiêu và sính thành tích rất mong manh, nhất là trong nền giáo dục còn nặng thành tích khoa bảng, thi cử như Việt Nam và nhiều nước Á Đông. 

Trên thế giới, không có nhiều quốc gia khen và tự hào với những giải thưởng học sinh giỏi như chúng ta. Ở Mỹ, với các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, họ thông tin cho tất cả học sinh. Ai muốn tham dự thì đăng ký, tự ôn và tự lo chi phí. Họ coi đó là nhu cầu cá nhân.

Đánh giá chất lượng giáo dục chú trọng vào sự phát triển, tiến bộ của mỗi cá nhân - Ảnh: mỹ Bình
Đánh giá chất lượng giáo dục chú trọng vào sự phát triển, tiến bộ của mỗi cá nhân - Ảnh: Mỹ Bình

Còn ở ta coi đó là chuyện lớn của cả tổ chức, trải qua nhiều vòng từ cấp trường, cấp Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp quốc gia… để tuyển chọn được “gà chiến” nhất. Vòng nào cũng ôn tập, thi thử rất gắt gao để chọn ra những “võ sĩ” chuyên nghiệp, đem đấu với võ sĩ nghiệp dư thì thắng thua có ý nghĩa gì?

Từng theo chân đoàn học sinh Việt Nam tham dự một kỳ thi toán tư duy quốc tế dành cho học sinh trung học cơ sở, tôi nhận ra sự khác biệt rất lớn trong quan niệm thi cử, thành tích giữa các nền giáo dục.

Trong khi các “sĩ tử” của các nước Canada, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ… đến với đấu trường học sinh giỏi quốc tế rất vô tư, hồn nhiên thì học sinh của đoàn Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… lại vô cùng căng thẳng trước mỗi vòng thi.

Ở vòng thi đồng đội giải quyết các bài toán bằng các trò chơi tập thể, thái độ của thí sinh thể hiện mục tiêu của mỗi đội đến với đấu trường này. Trong khi thí sinh phương Tây “tham chiến” như chơi một trò chơi trí tuệ bình thường thì thí sinh châu Á lại cạnh tranh thắng thua rất nghiêm túc. Đến thời khắc công bố giải thưởng thì gần như mặt thí sinh lẫn huấn luyện viên đều căng như dây đàn. 

Xu thế chung của giáo dục thế giới và cả mục tiêu của chương trình giáo dục mới là phát huy năng lực cho học sinh, hình thành nhân cách. Nhưng cả ngành giáo dục cứ bị ám ảnh bởi kết quả của các cuộc thi thì còn lâu lắm mới tiệm cận với giáo dục thế giới.

Ngay từ trong tư duy, giáo dục Việt Nam đã ám ảnh thi cử, ám ảnh đúng sai nên không chỉ trong nhà trường mà đến cả các gameshow để vui chơi cũng thi cử thắng thua nốt. Trong khi đó, giáo dục thế giới đã tiến xa, họ đã bỏ qua trắc nghiệm, coi game giáo dục là trò chơi, coi các cuộc thi học sinh giỏi chỉ là trải nghiệm. 

Với giáo dục Phần Lan, các kỳ thi chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng vẫn được công nhận là một trong những nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới. Ở đó, người dạy và người học không bị áp lực thành tích, mà cảm thấy hạnh phúc khi dạy - khi học. Bởi, họ chọn mục tiêu rất đơn giản: giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng, giúp hình thành nhân cách con người phù hợp xã hội đang sống. Họ không phải đo xem ai biết nhiều hơn, ai đạt điểm cao hơn… 

Nhưng chúng ta thì ngược lại, lấy thành tích thi cử, lấy các bảng xếp hạng… làm thước đo, làm chuẩn đánh giá sự phát triển của giáo dục.

Mười hai năm học phổ thông, học sinh Việt Nam phải trải qua vô vàn kỳ thi học kỳ, tuyển sinh đầu cấp, tốt nghiệp, có học tăng cường ngoại ngữ thì phải thi thêm các chứng chỉ làm điều kiện… Nếu sinh ra các giải thưởng quá lớn thì thi cử còn nở rộ đến mức độ nào? 

Nội tại một lớp học, một ngôi trường cũng chọn cách đo lường xem ai biết nhiều hơn, ai thi điểm cao hơn. Bước ra xã hội thì quan niệm kỹ sư sẽ giỏi hơn trung cấp, anh thạc sĩ sẽ hơn chị cử nhân… Thực ra, không phải như vậy, đánh giá chất lượng giáo dục cần chú trọng vào sự phát triển, tiến bộ của mỗi cá nhân, thay vì kỳ vọng vào sự hơn thua lẫn nhau. Chú trọng sự hơn thua, đặt kỳ vọng vào kết quả quá nhiều vô tình xem nhẹ điều cốt lõi nhất đó là quá trình trải nghiệm của người học.

Lộc Đỗ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI