Gói vay lãi suất 0% chỉ là... "món ăn tinh thần"

04/12/2020 - 06:23

PNO - Đã gần hai tháng triển khai Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về việc cho các doanh nghiệp (DN) vay tiền trả lương ngừng việc đối với người lao động (NLĐ) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng tại TPHCM, rất ít DN quan tâm. Đến nay, mới chỉ có hai DN nhận tiền vay.

Vì sao một gói vay hấp dẫn với lãi suất 0% và thủ tục rất đơn giản mà các DN lại không mặn mà? 

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tân Long (Q.Tân Bình) và Công ty TNHH May mặc Quang Phát (H.Hóc Môn) nhận khoản vay đầu tiên để trả lương cho 204 lượt người lao động
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tân Long (quậnTân Bình) và Công ty TNHH May mặc Quang Phát (huyện Hóc Môn) nhận khoản vay đầu tiên để trả lương cho 204 lượt người lao động

Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM - nhận định: “Có thể là do tính chặt chẽ trong quy định, người sử dụng lao động muốn vay gói tín dụng này phải đáp ứng đủ các điều kiện như có NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020, có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 
31/12/ 2019”. 

Ông Tiên cho rằng, thủ tục để vay nguồn vốn khá gọn, khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, chỉ cần đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng. 

Phía các DN cũng thừa nhận là thủ tục đơn giản. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: thời hạn cho vay không quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân, là quá ngắn. Nếu DN tiếp tục khó khăn, chưa thể trả nợ thì bị tính lãi suất nợ quá hạn 12%/năm. 

Bà Hồng Linh, chủ một công ty tại quận Gò Vấp, bày tỏ: “Tôi thấy mình đủ các tiêu chuẩn của gói vay này. Nhưng tôi không vay, bởi vay chỉ để trả lương ngừng việc, rồi không có vốn hoạt động thì công ty sẽ duy trì thế nào?”. 

Ông Nguyễn Quốc Duy - Giám đốc Công ty TNHH Thiện Hữu Gia - dẫn lại số liệu 28.993 DN ngưng hoạt động tại Cục thuế TPHCM (tăng 15,5% so với cùng kỳ) và cho biết, DN của anh đã phải tạm đóng cửa từ giữa mùa COVID-19. Rất nhiều DN khác cũng phải tạm đóng cửa. Cho nên, họ rất quan tâm đến gói vay này. Nhưng, “chúng tôi cần những cơ chế, gói vay khác chứ không phải vay để trả lương cho người ngừng việc. Đã hỗ trợ thì nên hỗ trợ “người đang sống còn”. Nếu gói vay này thay đổi theo hướng hỗ trợ DN trong sản suất thì tôi và nhiều DN sẽ không phải ngưng hoạt động và sẽ tìm đến nó. Bởi so với nhiều gói khác, thủ tục của gói vay này đơn giản hơn” - ông Duy khẳng định.

Còn ông Trần Văn Đức, lãnh đạo một DN ngành dệt may - nói: “Trong tình hình “sống còn”, nếu DN muốn tồn tại, họ sẽ căng kéo để giữ công nhân, xoay xở mọi cách để trả lương cho NLĐ. Cái khó của DN lúc này không phải là tiền trả lương cho NLĐ mà chính là vốn sản xuất kinh doanh, mặt bằng, nhà xưởng, đầu vào của nguyên liệu, đầu ra của hàng hóa”.

Nhiều chủ DN và các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy mô của các DN vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn… là có sự khác biệt rất lớn, nên quy định chung phải có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên mới được vay là chưa phù hợp. Có những đơn vị cả chục ngàn lao động, nếu giảm doanh thu 5 - 10% đã lao đao chứ cần gì giảm 20% trở lên. Cho nên, gói vay chỉ là “món ăn tinh thần”, chứ không thực tế với DN.

Nhiều DN và các chuyên gia kinh tế đề nghị, nếu muốn hỗ trợ DN ở tầm vĩ mô, biện pháp tốt nhất là giảm thuế. Ông Đức đề xuất: “Cả đất nước đang khó khăn, hàng trăm ngàn DN lao đao, chỉ cần giảm 2% hoặc 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) thì DN nào cũng được hỗ trợ; nhiều DN sẽ “sống” mà không cần thêm một phương án nào khác”. 

Hạnh Chi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI