Giăng “bẫy tình” lừa tiền: Phụ nữ cô đơn trở thành “con mồi” béo bở

01/03/2017 - 10:25

PNO - Nhiều phụ nữ đã trở thành “con mồi” béo bở cho các đối tượng lừa đảo người nước ngoài. Đáng nói, nhiều nạn nhân của trò lừa đảo này là phụ nữ công sở.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016, cả nước có hàng trăm trường hợp phụ nữ bị sập “bẫy tình” với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trái đắng sau những cuộc tình chớp nhoáng

Là nhân viên văn phòng tại Q.7, TP.HCM, chưa có gia đình, ngoài giờ làm việc, chị D. thường lên mạng xã hội. Sau chưa đầy hai tuần trò chuyện trên mạng, James (tự xưng là kỹ sư, quốc tịch Mỹ) cho biết đã có tình cảm với chị D. và sẽ mua vé máy bay về Việt Nam để gặp chị D. tính chuyện kết hôn.

Đúng ngày hẹn, chị D. ra sân bay Tân Sơn Nhất đón James, nhưng không thấy người đàn ông này xuất hiện. Trong lúc chị D. đang lo lắng về người tình thì bất ngờ người đàn ông tên James nhắn tin cho chị D. cho biết là mình vừa đáp chuyến bay xuống Hà Nội. Tuy nhiên, do ông ta mang theo rất nhiều ngoại tệ nên đã bị hải quan sân bay giữ lại và xử phạt. James nhờ chị D. chuyển cho mình 1.000 USD qua một tài khoản để đóng phạt và hứa khi lấy tiền ra sẽ trả lại.

Tin lời James, chị D. chuyển cho người đàn ông này 1.000 USD. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, James tiếp tục nhờ chị D. chuyển cho 3.000 USD để lo lót cho cán bộ hải quan giải quyết việc nhập cảnh nhanh chóng. Chị D. tiếp tục vay mượn tiền gửi cho “người tình”. Sau nhiều lần chị D. chuyển tiền, người đàn ông tên James đã đột ngột khóa điện thoại và mất liên lạc. Tuyệt vọng, chị D. đã đến công an trình báo, mới hay mình bị lừa.

Công an TP.HCM vừa tiếp nhận đơn tố cáo của bà H. (ngụ TP.HCM). Bà H. là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo “bẫy tình” với số tiền bị lừa lên đến 11 tỷ đồng. Tháng 1/2016 thông qua facebook cá nhân, bà H. làm quen với người nước ngoài tên Jame Oscar Herera. Người này tự giới thiệu là kỹ sư hàng hải, làm việc tại Mỹ. Jame Oscar Herera chia sẻ với bà H. hiện mình đã ly hôn vợ được 5 năm và có con gái 17 tuổi nên muốn cưới bà H. và sẽ đưa qua Mỹ định cư.

Giang “bay tinh” lua tien:  Phu nu co don  tro thanh “con moi” beo bo
 

Tháng 3/2016, Jame Oscar Herera nói với bà H. đang qua Malaysia làm dự án dẫn dầu trị giá 4 triệu USD. Để tạo lòng tin, Jame Oscar Herera còn gửi hình ảnh về dự án này cho bà H. xem và đặt vấn đề nhờ bà H. vay một số vốn thực hiện dự án. Jame Oscar Herera hứa sẽ trả trong vòng 5 tháng, cho bà H. thêm 500.000 USD và sau khi hoàn thành dự án, Jame Oscar Herera sẽ về VN cưới bà H. Do quá tin tưởng, bà H. đã vay mượn và 14 lần, chuyển qua ngân hàng gần 11 tỷ đồng cho người tình chưa một lần gặp mặt. Nghi ngờ mình bị lừa, bà H. tố cáo đến công an. Đến giờ này, “vị hôn phu” của bà H. vẫn “bóng chim tăm cá”.

Tại hội thảo “Tuyên truyền phòng chống tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn “bẫy tình” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sáng ngày 28/2, Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an đã nêu lên một con số rất đáng báo động về việc phụ nữ bị lừa đảo qua mạng. Theo đó, từ năm 2015 đến giữa năm 2016 đã có hàng trăm phụ nữ bị sập bẫy tình, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Theo C45, tội phạm người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ Việt Nam theo hình thức kết bạn qua mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội để làm quen, kết bạn, tán tỉnh… phụ nữ nhẹ dạ. Khi đã chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng thường gợi ý hợp tác làm ăn, hứa tặng quà có giá trị lớn hoặc chuyển ngoại tệ nhờ cất hộ… Khi nạn nhân đã “sa bẫy”, đối tượng lừa đảo thường nhờ sự trợ giúp của một số đối tượng trong nước để lên kế hoạch lừa chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Giang “bay tinh” lua tien:  Phu nu co don  tro thanh “con moi” beo bo
Hai đối tượng người nước ngoài trongđường dây lừa đảo phụ nữ Việt qua mạng (ảnh tư liệu hội nghị)

Nghiêm túc với bản thân để tránh bị lừa

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW-TPHCM (Quản lý, giáo dục người thân không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội) cho biết, đa số phụ nữ bị vướng vào “bẫy tình” là người đã ly hôn hoặc chưa có gia đình. Tuy nhiên, cũng có khoảng 15,7% phụ nữ đang có gia đình yên ấm nhưng vẫn bị vướng vào các vụ lừa đảo. Đa số nạn nhân bị “sập bẫy” đều trong tình trạng cô đơn, dễ tin và sa ngã trong chuyện tình cảm nên dễ bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ.

Không chỉ tại TP.HCM mà ngay tại các tỉnh thành phía Nam, tình trạng lừa đảo với hình thức “bẫy tình” cũng đang trở nên hết sức nóng bỏng. Nhiều trường hợp người bị lừa đảo có hoàn cảnh rất khó khăn, do tin lời các đối tượng lừa đảo nên đã lén lút đi vay mượn tiền gửi cho chúng. Nhiều người khi đã biết mình đã bị lừa nhưng không dám đến cơ quan công an trình báo vì sợ mặc cảm, xấu hổ nên đã âm thầm che giấu gia đình.

Bà Nguyễn Thị Mười, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết, có trường hợp khi nạn nhân phát hiện bị “sập bẫy” thì có ý định tự tử vì lúc đó nợ nần khắp nơi lại còn mang tiếng xấu hổ với láng giềng, đồng nghiệp… Đó là những trái đắng, hậu quả của việc tin tưởng vào những cuộc tình chớp nhoáng trên mạng.

Qua quá trình điều tra, đấu tranh với các đối tượng tội phạm lừa đảo qua mạng, trung tá Lê Văn Tĩnh, đại diện C45 - Bộ Công an cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng lừa đảo qua mạng được thực hiện theo kiểu “quăng chài”.

Bởi trong quá trình điều tra, có những kẻ lừa đảo (đa phần là người gốc châu Phi) thú nhận một ngày đã gửi đi trên 100 tin nhắn yêu đương và trong hơn 100 đối tượng hồi âm, bọn chúng sẽ rà soát kỹ thông tin cá nhân mà họ đăng tải trên mạng xã hội để lọc ra những người phụ nữ có tiền của, đang cô đơn hoặc đang có trục trặc về tình cảm. Từ đó tiếp tục tấn công bằng cách “câu, nhử”, gửi đi những tin nhắn ngọt ngào, yêu đương, gợi tình bằng cả một chiến thuật tâm lý.

Theo đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng C43, Tổng cục cảnh sát, kẻ xấu nằm trong bóng tối, trong khi tâm lý mềm yếu, dễ xiêu lòng của người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ trung niên, đặc biệt những người đã ly hôn. Các chị dễ rung cảm, tin cậy khi có người động viên, chia sẻ và an ủi đúng lúc.

Một số đối tượng sau khi kết bạn với phụ nữ Việt đã tiến đến chung sống như vợ chồng và sau đó chiếm đoạt hết tài sản. Có một bộ phận khác lại cấu kết, ăn chia cùng nhau trong những đường dây lừa đảo lớn, trong đó nhiều phụ nữ Việt Nam đã giả danh an ninh sân bay, nhân viên hải quan để lừa đảo chính người Việt.

Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Trưởng phòng PC45 - Công an TP. Cần Thơ cho rằng, một trong những khó khăn trong việc điều tra là vẫn còn một số nạn nhân ngại trình báo thông tin cho cơ quan chức năng vì sợ mất uy tín, mất hạnh phúc gia đình. “Trong số các nạn nhân bị “sập bẫy” ở Cần Thơ thì 35% là giáo viên, 22% là cán bộ, công chức, trong đó còn có người công tác ở các cấp ủy quận và phường, còn lại là các thành phần khác. Dù là những người có trình độ học thức và địa vị xã hội, thế nhưng khi sa vào bẫy tình, hầu hết các chị không còn đường thoát. tiền mất, tật mang cũng chỉ vì một vài giây phút thiếu kiểm soát bản thân mình”, thượng tá Thương chia sẻ.

Một trong những băn khoăn của các cán bộ điều tra trong việc xử lý các trường hợp lừa đảo qua mạng là hành lang pháp lý. Đại tá Lê Văn Hòa, Phó giám đốc công an tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong khi các đối tượng phạm tội có sự tính toán rất kỹ, chi tiết, dàn dựng nên các tình huống rất tinh vi, hợp lý làm cho các bị hại tin tưởng, thực hiện yêu cầu của chúng dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn, thì việc quản lý thông tin từ mạng xã hội còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Cơ chế hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước có đối tượng cấu kết với người Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội còn chưa được thiết lập”.

Trăn trở trước số lượng phụ nữ bị sập “bẫy tình” ngày càng gia tăng, bà Lâm Thị Ngọc Hoa khẳng định, trong thời gian tới, Hội LHPN TP.HCM sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội cho rộng rãi các HV, PN.

Bà Hoa khuyên: “Chị em không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng, không nên tin tưởng quá nhiều vào những người bạn ảo. Mỗi phụ nữ cần tỉnh táo trước những chiếc bẫy tình ngọt ngào mà đầy nguy hiểm, tránh là nạn nhân của loại tội phạm này”.

98,2% nạn nhân nữ bị lừa đảo có trình độ đại học

Chỉ trong năm 2016, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 170 tin báo tố giác tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 41 tỷ đồng Việt Nam, 6.000 USD và 82.000 bảng Anh. Qua điều tra, Công an TP.HCM đã khởi tố 98 vụ án và 16 bị can. Đặc biệt, trong đó có hai bị can người Nigeria là đối tượng tổ chức cầm đầu nhiều vụ lừa đảo. Điều đáng nói, nạn nhân “sập bẫy” trong các vụ lừa đảo ở TP.HCM đều là phụ nữ có trình độ cao. Trong đó, 98,2% nạn nhân là phụ nữ có trình độ đại học, 97,6% nạn nhân bị lừa là cán bộ, viên chức.

Nghi Anh - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI