Giải Nobel Hòa bình 2021 thuộc về hai nhà báo

08/10/2021 - 16:44

PNO - Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Bà Ressa và ông Muratov cùng chia sẻ Giải thưởng Hòa bình danh giá nhất thế giới vì đã dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.

Hai nhà báo từ Philippines và Nga cùng chia sẻ giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không ngừng cho tự do báo chí
Hai nhà báo từ Philippines và Nga cùng chia sẻ giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không ngừng cho quyền tự do ngôn luận

Maria Ressa sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực và chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở quê hương của bà, Philippines.

Năm 2012, Ressa đồng sáng lập Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số dành cho lĩnh vực báo chí điều tra. Là nhà báo và là giám đốc điều hành của Rappler, Ressa đã thể hiện mình là một người bảo vệ quyền tự do ngôn luận không bao giờ chùn bước.

Rappler đã tập trung sự chú ý chỉ trích vào chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Duterte. Số người chết quá cao khiến chiến dịch giống như một cuộc nội chiến.

Bà Ressa và Rappler cũng lột tả cách phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng để lan truyền tin tức giả mạo, giúp các chính trị gia quấy rối đối thủ và thao túng quan điểm của công chúng.

Trong khi đó, Dmitry Andreyevich Muratov đã dành nhiều thập niên bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong những điều kiện ngày càng thách thức. Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta. Kể từ năm 1995, ông giữ chức vụ tổng biên tập tờ báo trong tổng cộng 24 năm.

Kể từ khi thành lập vào năm 1993, Novaja Gazeta đã xuất bản các bài báo chỉ trích về các chủ đề nhạy cảm, từ tham nhũng, bạo lực của cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật, gian lận bầu cử cho đến việc sử dụng các lực lượng quân sự Nga ở cả trong và ngoài quốc gia.

Các đối thủ của Novaja Gazeta đã đáp trả bằng hành vi quấy rối, đe dọa, bạo lực và thậm chí giết người. Kể từ khi tờ báo ra đời, sáu nhà báo của tờ báo đã thiệt mạng, bao gồm cả Anna Politkovskaja, người đã viết các bài báo tiết lộ về cuộc chiến ở Chechnya.

Bất chấp những vụ giết chóc và đe dọa, Tổng biên tập Muratov vẫn không từ bỏ chính sách độc lập của tờ báo. Ông luôn bảo vệ quyền của các nhà báo, để họ được viết bất cứ điều gì họ muốn, miễn là họ tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức của báo chí.

Báo chí tự do, độc lập và dựa trên sự kiện thực tế là tiếng nói bảo vệ chống lại sự lạm quyền, dối trá và tuyên truyền chiến tranh. Ủy ban Nobel Na Uy nói rằng, họ tin tự do ngôn luận và tự do thông tin chính là chìa khóa giúp đảm bảo công chúng biết được sự thật.

Những quyền này là điều kiện tiên quyết quan trọng cho nền dân chủ và bảo vệ chống lại chiến tranh và xung đột. Việc trao giải Nobel Hòa bình cho Maria Ressa và Dmitry Muratov nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ những quyền cơ bản này.

Ủy ban kết luận: “Nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ khó có thể thúc đẩy tình huynh đệ giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và tạo ra một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay hoàn toàn gắn chặt vào nguyện vọng trong di chúc của Alfred Nobel”.

Linh La (theo Nobel Prize)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI