Giấc mộng nào dành cho cô hầu gái trong tranh?

24/05/2020 - 12:42

PNO - Bộ phim dựa trên cảm hứng bất tận với bức họa Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai - tuyệt phẩm truyền đời của danh họa Johannes Vermeer (1632-1675) người Hà Lan.

Với kịch bản phim được xây dựng trên nền tảng cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ tiểu thuyết gia lịch sử Tracy Rose Chevalier (sinh năm 1962), người Mỹ gốc Anh, bộ phim của đạo diễn Peter Webber - cũng đồng thời là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn người Anh này - đã góp phần đáng kể vào việc soi sáng chân dung nhân vật nữ vô danh mà vô cùng nổi tiếng của danh họa Johannes Vermeer, trong thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan thế kỷ XVII. 

Nhân thân kỳ bí của nhân vật trong tranh 

Bức họa được mệnh danh là “Mona Lisa của Bắc Âu” này của Johannes Vermeer luôn được hậu thế đồn đoán theo hơi hướng có phần dị nghị của người đời, trải qua nhiều thế kỷ, về nhân vật nữ có chân dung đẹp đến hớp hồn người xem cùng nhân thân đầy bí ẩn trong lịch sử hội họa thế giới. 

Thế nhưng, dường như hành trình giải đoán nhân thân kỳ bí ấy không chỉ dừng lại ở cột mốc xác định rằng nhân vật trong tranh vốn dĩ là một cô hầu gái, xét đơn thuần về phục trang từ lịch sử để lại, cho dẫu cô đã vận chiếc khăn xếp Thổ Nhĩ Kỳ đã từng là phụ kiện thời trang đầy mê hoặc ở châu Âu thời kỳ Baroque huyền ảo hoặc bất kể cô đã mang thứ trang sức của quý tộc khi bước vào tranh: hoa tai bằng ngọc trai. 

Xa hơn thế nữa, đi vào chiều sâu tâm thế của mối quan hệ ít nhiều khăng khít giữa họa sĩ với người mẫu của bức họa Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, hẳn nhiên cả nữ tiểu thuyết gia lịch sử Tracy Rose Chevalier cùng đạo diễn Peter Webber đều có phần cân não với câu-chuyện-tình của lịch sử hội họa xứ Hà Lan thuở ấy. Bởi lẽ, Tracy Rose Chevalier đã từng quan ngại nếu một hãng phim ở Hollywood chuyển thể tác phẩm văn học của mình, sẽ có nguy cơ áp đặt lối kể chuyện theo khuynh hướng tình dục hóa một cách phô diễn với những câu chuyện có mối quan hệ lắt léo kiểu này.

Hãng phim Archer Street Productions mà cô chọn hiện thực hóa hình ảnh từ sách của mình là một hãng phim độc lập ở Anh quốc, của vợ chồng nữ biên kịch Olivia Hetreed và nhà sản xuất Andy Paterson người Anh, cùng với nhà sản xuất - đạo diễn Anand Tucker người Thái Lan. 

Bộ phim Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with a pearl earring) với kinh phí gói gọn trong 12 triệu USD đầu tư sản xuất - cũng chỉ là tầm mức kinh phí hạn hẹp so với kinh phí sản xuất thường thức của nhiều phim blockbuster (bom tấn) từ Hollywood, hợp tác giữa Anh và Luxembourg, với thời lượng gốc chẵn tròn 100 phút, dường như dành toàn bộ “công lực” khắc họa phức cảm ngang trái của “cặp đôi” nhân vật chủ đạo trong lịch sử hội họa Hà Lan và thậm chí còn là cuộc chơi nghề tung hứng diễn xuất kiểu thể loại phim “hoa tình” (erotic) giữa đạo diễn “trẻ” Peter Webber - khi ấy chỉ mới thực hiện các phim truyền hình và phim tài liệu, chưa từng làm phim truyện điện ảnh - với nữ diễn viên Scarlett Johansson, năm ấy mới 17 tuổi khi được casting. 

Giấc mộng phức cảm nơi cô hầu gái 

Sao có thể không phức cảm khi người xem lần lượt là chứng nhân từng bước chân vào đời nhau của nhân vật trên phim và trong lịch sử, kể từ khi Griet - cô con gái của một họa sĩ mù với gia cảnh thất thế nên đành phải đi làm hầu gái cho một gia đình trung lưu, ở thị trấn Delft phồn vinh của Hà Lan thế kỷ XVII, từ ấy mà được dịp khám phá phòng vẽ bí ẩn của Johannes Vermeer, họa sĩ đã bắt đầu nổi tiếng đương thời - một căn phòng vốn dĩ bị “cấm chỉ” toàn bộ với cả gia đình nhà vợ của họa sĩ, như thể đó là nơi chốn trú ẩn cuối cùng với mọi sự phiếm của đời mà Johannes Vermeer luôn để dành phòng thủ, trong thế giới huyễn tưởng đa sắc mà cực thực về nhân sinh quan của một họa sĩ. 

Nào phải cô hầu gái nọ được đường hoàng bước vào chốn ấy, cũng nào phải cô cứ thế được ngồi làm mẫu trong bức họa Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai để đời, bằng cái thế chễm chệ nào đó. Không, bức chân dung của cô chỉ được “vẽ lén”, trong một hợp đồng mà quyền lợi kinh tế đan xen phẩm hạnh của một thiếu nữ mới lớn đã hoán chuyển cài chéo cho nhau trong tình cảnh chẳng đặng dừng, bởi quý tộc Van Ruijven - kẻ bảo trợ và đặt hàng tranh của Johannes Vermeer vừa có khả năng mỹ cảm nhất định với nghệ thuật hội họa, đồng thời có tố chất “săn mồi” bẩm sinh với các cô gái trẻ. 

Phim Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with a pearl earring) nhận được 3 đề cử Oscar năm 2004.
Phim Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with a pearl earring) nhận được 3 đề cử Oscar năm 2004.

Sao có thể không phức cảm khi lỗ xỏ để đeo khuyên tai của Griet, cô hầu gái, là do chính họa sĩ Johannes Vermeer tự tay đâm vào bằng kim nhọn hơ nóng trên ánh lửa ngọn nến, trong họa thất chỉ có hai người hiện diện, với “nghi lễ” cơ hồ đầy tánh linh thánh như thể họ là Adam và Eva ở khoảnh khắc ấy.

Griet chưa bao giờ có cơ hội bấm lỗ tai và đeo khuyên tai với trang sức bất kỳ, hẳn nhiên là do gia cảnh mà cô được sinh ra. Vệt máu lần đầu chảy ra trên vành tai thiếu nữ - nơi vùng da được xem là một trong những điểm nhạy cảm của cơ thể - để đánh đổi một cuộc làm đẹp tưởng chừng là hiển nhiên của bao nhiêu phụ nữ, lẽ nào lại không chứa đựng đâu đó vô vàn phức cảm đàn bà. 

Và sao có thể không phức diễn khi chuẩn bị vẽ chân dung cô hầu gái, người họa sĩ (trên phim) đã yêu cầu người mẫu của mình thử nhiều lần biểu cảm khơi gợi tạo hình nét xuân thì với khóe môi con gái, cũng chính là làn môi căng mọng xuân tình của nữ diễn viên Scarlett Johansson.

Đúng, chính xác là vậy, người xem nào đã từng là khán giả mộ điệu với kiều nữ gợi tình Scarlett Johansson, ắt hẳn sẽ nhận ra ngay thế mạnh thuộc về sắc giới này của “nàng”. Phân cảnh “hoa tình” này đã được đạo diễn Peter Webber tái dựng tới lui, theo một cách thức đầy mời gọi ngắm ngó chân dung hội họa kinh điển sắp được tái hiện cận cảnh ấy. Nếu không phải là Scarlett Johansson trong vai diễn này, xem chừng cũng sẽ không có phân cảnh như thế xuất hiện trong bộ phim Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai. 

Scarlett Johansson là người Mỹ gốc Do Thái, sinh ra tại Manhattan, thành phố New York. Thế nhưng trong cô luôn chảy dòng máu Đan Mạch thuộc Bắc Âu từ người cha, người mẹ xuất thân trong một gia đình Do Thái có tổ tiên bên ngoại di cư từ vùng Minsk xứ Belarus thuộc Đông Âu.

Hẳn nhiên, khỏi phải bàn cãi về chuyện Scarlett Johansson luôn là biểu tượng tình dục hiện đại của Hollywood. Diện mạo cùng tính cách trời sinh đã giúp cô luôn lấy trọn điểm cao trong mắt giới đàn ông ở Mỹ và Vương quốc Anh. Tờ tạp chí Playboy từng gọi tên cô là “Ngôi sao gợi cảm nhất của năm”, hồi năm 2007. Tờ tạp chí Men’s Health cũng đã vinh danh cô trong danh sách “100 phụ nữ nóng bỏng nhất mọi thời đại”, năm 2011. 


Như đã nói, để giữ cho mối quan hệ giữa cô hầu gái - người mẫu - họa sĩ không trở nên trần trụi trên màn ảnh, khác với mô thức tình dục quen thuộc, nữ tiểu thuyết gia lịch sử Tracy Rose Chevalier cùng nữ biên kịch Olivia Hetreed và đạo diễn Peter Webber, nữ diễn viên Scarlett Johansson đều phải chọn cách kể hoặc cách tạo hình phần nhiều mang tính ẩn dụ đến ám dụ.

Chẳng hạn, phân cảnh Griet - cô hầu gái - khi lần đầu biết đến chiếc máy chiếu ảnh với ống kính hội tụ ánh sáng (đạo cụ không thể thiếu trong xưởng vẽ của danh họa Johannes Vermeer - theo các nghiên cứu lịch sử), thay vì chỉ có một mình cô nhìn ngắm hình ảnh đang trực họa của người họa sĩ theo miêu tả trong tiểu thuyết; đạo diễn phim đã cho “lên hình” cả hai nhân vật cùng lúc, trong lúc đang cùng trùm nhau bên dưới tấm áo choàng, nhìn ngắm một giấc mơ - trong cái thế căng thẳng về xúc cảm da thịt đụng chạm sát rạt.

Nhiều, rất nhiều lần thứ “không khí hoa tình” ấy hiện hữu giữa “cặp đôi” nhân vật, xuyên suốt câu chuyện phim. Nhưng tất cả dường như vẫn mãi là “không khí”, tưởng chừng đậm đặc hơi hướng xác thịt mà vẫn cứ trong veo. Nhiều nhà bình luận phim quốc tế đã cảm nhận rằng không gian nơi mỗi lần “cặp đôi” hiện diện luôn có phần im ắng đến căng cứng, bởi người làm phim đã kể chuyện khá kiệm thoại, thành ra hầu như không dễ thở. Liệu chừng sự “khó thở” mới chính là xúc cảm dục tính mãnh liệt nhất mà bộ phim muốn dành cho người xem? 

Phước Châu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI