Giá USD, NDT ‘nhảy múa’ theo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

20/09/2018 - 09:33

PNO - Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang giai đoạn 2, giới đầu tư đã có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế toàn cầu trước sự ảnh hưởng của các đồng ngoại tệ, đặc biệt là USD và nhân dân tệ (NDT).

Lo ngại hiệu ứng domino giảm tỷ giá

Chuyên gia kinh tế tài chính TS.LS Bùi Quang Tín nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ mới bắt đầu. Bởi Tổng thống Mỹ Donal Trump xem áp dụng đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ là đòn đánh “nặng tay”, vì thuế là một trong công cụ của chính sách tài chính.

Thế nhưng, phía Trung Quốc không hề nao núng và chống trả lại các mức thuế mới bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ. Thực tế cho thấy trong vòng 2 tháng qua, đồng NDT của Trung Quốc đã giảm đến gần 10%.

Gia USD, NDT ‘nhay mua’ theo cang thang thuong mai My - Trung
Khi NDT bị phá giá sẽ kéo các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ bị phá giá theo

Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ.

Ta có thể thấy đồng NDT xuống giá nhanh kể từ khi khả năng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện rõ, từ mức 6,3 NDT/1 USD vào tháng 4, lên trên 6,7 NDT/USD vào tháng 7 và hiện nay là 6,8 NDT/USD.

Về mặt điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn muốn ổn định tỷ giá giữa tiền đồng với USD. Nhưng việc NDT xuống giá so với USD có nghĩa là VND lên giá so với NDT. Sức ép lên tỷ giá giữa VND và USD là từ đó.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách công ĐH Fulbright

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, NDT là 1 trong 8 đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ của thế giới, điều này đồng nghĩa khi NDT bị phá giá sẽ kéo các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ bị phá giá theo.

Như vậy, đòn trả đũa của Trung Quốc ảnh hưởng khủng khiếp hơn với việc áp giá thuế của Mỹ vì nó không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà cả Việt Nam. Thực tế cho thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam và Việt Nam cũng có tỷ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Vì vậy, bất kỳ biến động nào trên cán cân thương mại với hệ lụy là cuộc chiến tiền tệ sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Theo ông Tín, tỷ giá USD/VND sẽ được điều chỉnh mạnh trong sắp tới. Mới đây nhất ngày 19/9, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng và được đẩy lên mức cao kỷ lục 22.710 đồng. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND lên quá cao sẽ khiến VND bị mất giá mạnh, lạm phát tăng cao, khiến nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. 

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, NDT giảm giá so với VND và USD lập tức có lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đến Việt Nam, thúc đẩy nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc và ngược lại bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc vì VND cao giá hơn so với NDT,  nghĩa là hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng giá.

Áp lực lãi suất tăng cao

Không chỉ áp lực về tiền tệ bị mất giá mà áp lực lãi suất cũng đè nặng lên nền kinh tế. Theo nhận định của khối phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã gây quan ngại cho giới đầu tư, trong đó khả năng là áp lực lãi suất sẽ tăng bắt đầu từ năm 2019 do rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế.

Liên quan tới các rủi ro từ bên ngoài, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau thập kỷ nới lỏng. Tại Mỹ, FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018 khi lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu. Mức lãi suất điều hành của FED dự kiến sẽ đạt 3,5% trong năm 2019. NHTW châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm 2018 trong khi NHTW Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Gia USD, NDT ‘nhay mua’ theo cang thang thuong mai My - Trung
Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ

Nhiều quốc gia khác bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Hiện tại, các quốc gia đang đối mặt với khối nợ khổng lồ như Venezuela, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải phá giá đồng tiền. Các nhà đầu tư và chủ nợ ngày càng quan tâm hơn tới khả năng vỡ nợ.

Tại châu Á, Ấn độ tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm 2018. Trong ASEAN, 4 nền kinh tế lớn, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines đã quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi Việt Nam và Thái Lan chưa ghi nhận nhiều thay đổi.

Liên quan tới các rủi ro nội tại, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất. Kể từ sau khi chạm đáy vào năm 2015, lạm phát bắt đầu hồi phục và liên tục gia tăng trong các năm sau đó. Giá dầu thô và thực phẩm tăng cao đang đóng vai trò chi phối diễn biến lạm phát. Căng thẳng thương mại với việc các quốc gia dựng lên hàng rào thuế quan có khả năng sẽ đẩy lạm phát lên cao.

Trong năm 2018, lạm phát được dự báo ở mức 4%, mức cao nhất kể từ 2014. Hiện tại, lãi suất tái chiết khấu chỉ ở mức 4,25%/năm, giảm từ 4,5%/năm vào tháng 7/2017 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng trên thị trường dao động quanh mức 6,5%/năm.

Tính đến giữa tháng 8/2018, tỷ giá giao dịch ngân hàng đã tăng 2,7% trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1,2%. Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm đã tăng gần 4%. Trong khi đó, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng đồng USD dao động quanh mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất tiền gửi USD đang được giữ ở mức 0%.

Nhằm nâng cao sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, lãi suất tiền gửi VND thường cao hơn tổng lãi suất tiền gửi USD và độ mất giá của VND. Điều đó cho thấy rõ áp lực lên lãi suất cho vay bằng tiền đồng.

Hà Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI