CEO VietJet Air: 'Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kinh tế Việt Nam trong nguy có cơ!'

27/07/2018 - 15:20

PNO - Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với hai thách thức: Chiến tranh thương mại Trung, Mỹ và biến động về tỷ giá trên thế giới. Điểm sáng của nền kinh tế sắp tới là cần tập trung vào thị trường "ngách" để bứt phá.

Sự kiện Diễn đàn kinh doanh 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức xung quanh chủ đề "Tạo dựng tăng trưởng bền vững" đã diễn ra với nhiều phiên thảo luận.

Một trong những vấn đề đáng chú ý đó là những cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam khi đối mặt với những vấn đề như chiến tranh thương mại quốc tế và biến động tỷ giá thế giới.

Việt Nam sắp đối mặt với làn sóng hàng "Tàu", giá rẻ

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietJet Air, việc thị trường chứng khoán Việt Nam biến động nằm trong xu hướng toàn cầu, trong diễn biến chung và dự đoán ngắn hạn của nhiều chuyên gia.

CEO VietJet Air: 'Chien tranh thuong mai My - Trung, kinh te Viet Nam trong nguy co co!'
Các diễn giả đang thảo luận về chủ đề "Tạo dựng những chính sách tốt nhất để phát triển kinh doanh" diễn ra tại TP.HCM vào ngày 26/7. Ảnh: Forbes

Một trong những dấu hiệu tích cực và dễ thấy đó là nền kinh tế Việt Nam đang thực sự trở nên sôi động và phát triển nhảy vọt - mà biểu hiện rõ nhất phản ánh ở ngành hàng không.

“Trong công tác nghiên cứu quốc tế, cứ mỗi phần trăm tăng trưởng ngành hàng không thì kéo theo 0,4 đến 0,5% tăng trưởng GDP. So với kinh tế Việt Nam thì khá chính xác.

Bởi hàng không Việt Nam tăng trưởng trung bình 14, 15% và GDP Việt Nam hiện tại cũng đang có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, 6 tháng đầu năm cán mốc 7%. Đây là những con số rất tích cực. Một số tổ chức nước ngoài còn dự báo lạc quan hơn”, bà Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên tình hình chung cũng có nhiều thách thức. Tương tự biến động về giá xăng dầu, biến động về tỷ lệ mất giá, nguy cơ tụt hậu về mặt công nghệ…, kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc dòng chảy đầu tư nước ngoài - có xu hướng rút khỏi thị trường mới nổi để đầu tư sang thị trường Mỹ. Nếu không có sự sẵn sàng tích cực thì nguy cơ tụt hậu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng.

Và điều quan trọng nhất, bà Thảo khẳng định Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, đồng tiền mất giá, gần nhất là đồng nhân dân tệ.

Nói thêm vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển và giảng viên Fulbright Việt Nam phân tích: “Cái chúng ta thấy đã xảy ra là Mỹ áp thuế thương mại lên Trung Quốc, trước mắt là 34 tỷ USD. Nếu chỉ nhìn vào con số này thì sức ảnh hưởng không đáng là bao, chủ yếu máy móc cơ khí và điện tử. Tuy nhiên, động thái này khiến nhiều người có tâm lý tháo chạy khỏi đồng nhân dân tệ”, ông Thành nói.

“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất Việt Nam. Rất có thể có một làn sóng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

Cũng như một làn sóng đổi mới công nghệ, các công nghệ cấp thấp của Trung Quốc tràn sang nước ta. Như vậy thì cạnh tranh trong nước sẽ tăng lên”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo diễn đàn kinh tế thế giới thì có 10 yếu tố bất ổn, trong đó Việt Nam đối mặt với 6 rủi ro như chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh mạng… Tất cả tạo nên áp lực và rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hiện tại.

Tuy nhiên, xét về chiến tranh thương mại hiện nay, nếu dừng ở mức độ như bây giờ thì tác động có lẽ không quá lớn. Dù vậy, nếu tiếp tục tình trạng leo thang thì những tác động đó vô cùng lớn với kinh tế Việt Nam, sẽ có sự đổi chiều trong xu hướng thương mại.

Bên cạnh đó, sự biến đổi về tỷ giá sẽ gây áp lực lên các doanh nghiệp của Việt Nam. Phải đối mặt với sự cạnh tranh các mặt hàng giá rẻ và tỷ giá thì tất nhiên đó là áp lực, thách thức vô cùng lớn.

Nói thêm về quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành đã đưa ra phân tích khá cụ thể. Theo đó, con số 34 tỷ USD thuế thương mại mà Mỹ áp cho Trung Quốc tương ứng với 818 dòng hàng, lên 200 tỷ USD (hàng hóa từ Trung Quốc đã được đề xuất áp thuế 10%, nhiều khả năng có hiệu lực vào tháng 9/2018) là 5.900 dòng hàng.

Lúc này áp thuế hàng Trung Quốc vào Mỹ bên cạnh máy móc điện tử, cơ khí sẽ thêm đồ nội thất, thủy sản và nông sản. Không có hàng may mặc và giày dép. Tương đương điều này, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là các mặt hàng Trung Quốc bị giới hạn khi xuất sang Mỹ sẽ có nguy cơ tạo áp lực cạnh tranh lên các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

“Trong điều kiện như vậy thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội. Thị trường thế giới đang sắp xếp lại, điều này sẽ lập tức xuất hiện ngách thị trường. Cơ hội phụ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp chúng ta. Thách thức lớn nhất, rủi ro lớn nhất chỉ là chúng ta không chịu/thể thay đổi chứ không phải đến từ bên ngoài. Năng lượng nền kinh tế Việt Nam, con người Việt Nam, DN Việt Nam là vô tận”, ông Lộc nói thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Thảo cũng khẳng định thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều chính sách mới và dù sao thì vẫn còn cơ hội cho doanh nghiệp Việt. “Trong nguy dù sao vẫn có cơ. Trong khó khăn thử thách thì vẫn có nhiều cơ hội”, bà Thảo nói.

"Lỗ hổng" chính sách cản bước doanh nghiệp tư nhân

Một vấn đề không thể không nhắc đến chính là chính sách nhà nước và ảnh hưởng của chính sách đối với khối doanh nghiệp tư nhân.

“Nhiều chuyên gia cũng nói với tôi rằng, Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng đến từ nền kinh tế tư nhân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì sẽ thành công, kéo theo sự thịnh vượng đất nước. Nhiều đầu tàu kinh tế tư nhân đang phát triển vượt bậc”, bà Thảo nói.

CEO VietJet Air: 'Chien tranh thuong mai My - Trung, kinh te Viet Nam trong nguy co co!'
Chính sách nhà nước chưa thật sự mở đường cho kinh tế tư nhân.

Theo CEO VietJet Air, hiện tại các doanh nghiệp tư nhân mỗi năm tạo thành 1,2 – 1,3 triệu việc làm, đóng góp 50% GDP quốc nội. Đây là một con số rất tích cực và phản ánh đúng vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh kinh tế chung. Thế nhưng, vẫn còn những khó khăn trong việc áp dụng các chính sách từ cấp cao đến các bộ ngành.

“Thủ Tướng phát biểu rằng việc nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Dù vậy điều này vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn. Đơn cử trong lĩnh vực hàng không của chúng tôi, việc dời một cái vách kính để tạo thêm không gian thông thoáng cho khách hàng thì nhà nước đã phải thực hiện trong 2 năm. Một phòng khách VIP chúng tôi đầu tư, với chi phí chúng tôi tự bỏ ra nhờ vào cơ chế của nhà nước cũng mất 2 năm.

Trong khi đó, tư nhân xây nguyên sân bay Vân Đồn cũng chỉ có 2 năm. Hay đầu tư vào sân bay Đà Nẵng, nhà ga mới ở Cam Ranh cũng chỉ 18 tháng… Có thể thấy, hầu như công việc giao cho tư nhân thì chưa tới tay tư nhân. Nó chỉ mới nằm trong ý chí của các lãnh đạo mà thôi. Khi xuống dưới thì bị mắc kẹt ở một bộ phận nào đó”, bà Thảo chia sẻ.

Chính vì điều này, bản thân doanh nghiệp hơn ai hết, cần các quy định, cơ chế chính sách thật cụ thể để tạo hành lang cho tư nhân.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thách thức về mặt chính sách hiện nay đó là trong các doanh nghiệp bản thân cũng bị phân biệt, vẫn có cạnh tranh: “Lúc trước thì doanh nghiệp nhà nước được ưu ái. Còn hiện tại, trong doanh nghiệp tư nhân cũng có doanh nghiệp được ưu ái và doanh nghiệp không. Ưu ái nằm ở chỗ điều kiện kinh doanh, thêm một sản phẩm mới phải “xin”. Anh nào xin giỏi thì sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh. Thứ hai là tiếp cận nguồn lực mà trước tiên là nguồn lực tài chính. Sau đó quan trọng là nguồn lực đất đai”.

Do đó, thách thức lớn nhất đó là phải xóa bỏ mọi rào cản chính sách và cạnh tranh thực sự trong các nguồn lực. Bên cạnh năng lực đó thì doanh nghiệp tư nhân vẫn cần củng cố mình, bằng nội lực ý chí quyết tâm, tinh thần hội nhập đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân năng động, đây là thời điểm có thể sắp xếp lại thị trường, xác định được chiến lược nào dài hơi, đúng đắn, chiến lược bảo vệ bằng các biện pháp tính trước…

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI