Gia tăng người trẻ béo phì nhập viện vì sốt xuất huyết

21/11/2022 - 06:32

PNO - Số bệnh nhân thừa cân, béo phì nhập viện do sốt xuất huyết ở nhiều bệnh viện đang gia tăng. Các bác sĩ cảnh báo, với những trường hợp này, nguy cơ biến chứng, suy tạng cao, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng…

Mắc sốt xuất huyết, thiếu nữ 160kg phải thở ô xy 

Được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, khó thở, tím môi, chỉ số SpO2 giảm còn 75%..., bệnh nhân nữ 19 tuổi (Hà Nội) được chẩn đoán sốt xuất huyết (SXH) kèm theo suy hô hấp và nhiễm khuẩn tụ cầu. Điều đáng nói, nữ bệnh nhân này có thể trạng béo phì với cân nặng lên tới… 160kg. 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Oanh - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang - cho biết, lớp mỡ dày làm hạn chế co giãn lồng ngực, hạn chế thông khí phổi, tăng sức cản trở đường thở góp phần vào tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân.

Trước đây 1 năm, cô gái trẻ đã từng bị viêm phổi và thở máy, điều trị kéo dài suốt 3 tháng, do đó, theo bác sĩ Trần Thị Oanh nếu đặt nội khí quản, tiên lượng cai máy thở ở bệnh nhân rất khó khăn. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã chỉ định cho bệnh nhân thở ô xy qua mặt nạ và điều trị bằng kháng sinh. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ và điều dưỡng luôn phải để mắt tới nữ bệnh nhân. Do nhu cầu ăn quá lớn nên bệnh nhân đôi khi vẫn “lén” bỏ mặt nạ thở ô xy để ăn vặt khiến khó thở, tím tái. Hiện, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục tốt, sức khỏe ổn định.

Nữ bệnh nhân nặng 160kg hồi phục sau 10 ngày điều trị, thở ô xy qua mặt nạ và dùng kháng sinh
Nữ bệnh nhân nặng 160kg hồi phục sau 10 ngày điều trị, thở ô xy qua mặt nạ và dùng kháng sinh

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ chuyên khoa II Đào Hữu Nam - Trưởng khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới) - cho biết cũng vừa điều trị thành công cho một thiếu niên thừa cân nguy kịch sau khi mắc SXH. Theo đó, thiếu niên 16 tuổi (ở Tuyên Quang) cao chưa tới 1,5m nhưng nặng 60kg đã được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ trước đó. Bệnh nhân được điều trị và thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, đầu tháng 11 vừa qua, bệnh nhân bỗng nhiên sốt cao và được đưa vào bệnh viện tỉnh, chẩn đoán SXH. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân không đỡ mà tình trạng ngày càng xấu đi, sốt liên tục, li bì và phù nề. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai và chuyển tiếp tới Bệnh viện Nhi Trung ương. “Khi nhập viện, tình trạng của bệnh nhân rất xấu, tiểu cầu giảm, suy tạng… nên phải lọc máu, thở máy liên tục”, bác sĩ Nam nói. May mắn, sau một thời gian, bệnh nhân đáp ứng tốt và đã chuyển viện để tiếp tục điều trị bệnh nền.

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho biết, đây chỉ là một trong số những ca bệnh béo phì mắc SXH được ghi nhận tại đơn vị này. Nếu như mọi năm, số ca béo phì mắc SXH nhập viện chỉ từ 1-2 trường hợp thì năm nay lại tăng mạnh hơn. Tới thời điểm này, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã điều trị khoảng 10 trường hợp.

Trước đó, tại TPHCM, nhiều bệnh viện cũng đã cảnh báo khi tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân béo phì, thừa cân bị sốc xuất huyết nặng. Những trường hợp này diễn biến rất nặng nề, gặp phải tình trạng tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy đa cơ quan…  Các bác sĩ đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp như đặt nội khí quản, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh kèm điều trị hỗ trợ gan...

Bệnh nhân béo phì dễ bội nhiễm, điều trị phức tạp

Bác sĩ Trần Thị Oanh phân tích, những người thừa cân, béo phì mắc SXH dễ dẫn đến biến chứng nặng. Bởi nhóm bệnh nhân này có miễn dịch kém hơn và thường đi kèm với nhiều bệnh nền khác như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ bị bội nhiễm, bệnh tiến triển nặng và thời gian điều trị lâu và phức tạp hơn so với người bình thường. 

Còn theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - những trường hợp trẻ thừa cân, béo phì bị SXH sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Một trong những phản ứng đó chính là trẻ dễ sốc, sốc nặng và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Quá trình điều trị SXH ở trẻ béo phì cũng khó khăn hơn so với trẻ có cân nặng bình thường hay trẻ suy dinh dưỡng bởi nhóm bệnh nhân này dễ thất thoát huyết tương nhiều dẫn tới tình trạng sốc. “Trường hợp đã xảy ra sốc thì ngay cả trẻ bình thường, quá trình điều trị cũng rất khó khăn. Trong khi đó, trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ dễ bị khó thở, suy hô hấp khiến cho quá trình điều trị sẽ càng khó khăn hơn”, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh. 

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, trước bối cảnh SXH bùng phát mạnh tại Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các trường hợp thừa cân, béo phì cần được theo dõi cẩn thận, sát sao. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định nguyên nhân. Với các trường hợp được chẩn đoán SXH, phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý điều trị ở nhà mà phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Các bác sĩ cho hay, với nhóm nguy cơ này, ngay cả khi chưa có các dấu hiệu xuất huyết, tiểu cầu giảm mạnh hay nôn nhiều… vẫn cần được ưu tiên nhập viện để theo dõi, tránh tình trạng bệnh nhân nhập viện trễ và đã có nhiều biến chứng khiến việc điều trị khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. 

Các bác sĩ cũng lưu ý, phụ huynh cần quan tâm đến chế độ ăn của trẻ em hiện nay để kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, phòng tránh biến chứng khi mắc SXH cũng như nhiều loại bệnh khác. Bên cạnh đó, có rất nhiều trẻ khi mắc SXH lại được cha mẹ bồi dưỡng đủ loại thực phẩm bổ dưỡng, thịt cá, sữa, yến… trong và sau khi mắc bệnh nên dẫn tới hậu quả trẻ tăng cân quá đà, thậm chí tăng gần chục ký so với thời điểm trước khi bệnh. Do đó, trẻ cần có chế độ ăn ít dầu mỡ, chế biến nhiều món ăn giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất và các loại hoa quả giàu vitamin như cam, quýt... 

Hà Nội: Sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh, thêm 2 người tử vong

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, (từ 11-18/11), trên địa bàn có thêm  1.400 bệnh nhân SXH (tăng 2,6% so với tuần trước). Trong đó có 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc SXH, tăng gấp hơn 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 16 ca tử vong. Nhiều bệnh viện đang quá tải.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày có hơn 50 bệnh nhân nặng nhập viện. Nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường. Nằm tại quận Long Biên, địa bàn trọng điểm của SXH, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận từ 120-150 bệnh nhân SXH mỗi ngày, trong đó các ca bệnh nặng chiếm khoảng 40%... Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các quận/huyện/thị xã tăng cường phòng chống SXH, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI