Giá sách mới cao gấp ba lần hiện hành: Không hợp lý!

14/04/2021 - 06:16

PNO - Giá một bộ sách lớp Hai cao gấp ba lần một bộ sách hiện hành; với lớp Sáu, giá sách mới cũng cao gấp 3,5 lần.

Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp Hai và lớp Sáu. Theo đó, giá một bộ sách lớp Hai cao gấp ba lần một bộ sách hiện hành; với lớp Sáu, giá sách mới cũng cao gấp 3,5 lần. Trong khi, nhiều mặt hàng được đưa vào bình ổn giá - thì tại sao mặt hàng đặc biệt như sách giáo khoa lại tăng giá chóng mặt?

Tạo áp lực cho những gia đình khó khăn

Phục vụ chương trình mới, năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thẩm định, cho phép các nhà xuất bản (NXB) phát hành năm bộ sách giáo khoa (SGK) lớp Một. Năm học 2021-2022, với lớp Hai và lớp Sáu, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ còn hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. 

Theo công bố từ NXB Giáo dục Việt Nam, bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống lớp Hai có giá 186.000 đồng, lớp Sáu là 245.000 đồng; bộ SGK Chân trời sáng tạo lớp Hai giá 179.000 đồng, lớp Sáu là 234.000 đồng. Giá các bộ SGK trên đều chưa gồm SGK tiếng Anh (lớp Hai là 131.000 đồng, lớp Sáu 165.000 đồng). Các bộ SGK trên đều có mức giá cao gấp 3-3,5 lần so với SGK hiện hành.

Giá sách giáo khoa lớp Sáu mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố

Tháng Chín này, hai đứa con của anh Đ.H. (tỉnh Hà Nam), một lên lớp Sáu, một vào lớp Một. Để chuẩn bị cho năm học sắp tới, vợ chồng anh phải dè sẻn, chắt bóp ngay từ sau tết. Bởi, hai đứa con đi học, tổng các khoản đóng góp, mua sắm sách vở đầu năm cũng tốn đến bảy, tám triệu đồng. Chật vật, song vợ chồng anh H. vẫn còn “dễ thở” hơn so với các phụ huynh vùng cao. 

Thầy Nguyễn Đức Thành có mấy chục năm làm hiệu trưởng tại nhiều trường tiểu học của H.Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), nên hiểu rõ những khó khăn của cha mẹ vùng cao có con đến trường. Thầy Thành chia sẻ, không ít gia đình không thể kiếm nổi vài trăm ngàn đồng/tháng. Nên giá SGK mới như hiện nay tạo áp lực kinh tế đến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Yên Bái là một trong số các tỉnh miền núi phía Bắc đang được Nhà nước hỗ trợ tiền mua SGK (theo Nghị định 86) cho học sinh nghèo. Giá SGK cao ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách nhân văn này. 

Cô giáo V.T.N. (TP.Hà Nội) cho rằng, các bộ SGK mới này không có nhiều thay đổi về chất lượng so với SGK hiện hành. Nếu có chỉ là chất lượng giấy và đổ màu - những yếu tố thuộc về hình thức và kỹ thuật được cải thiện chứ không phải nội dung. Với mức sống ở Hà Nội, cô N. đánh giá: Một bộ SGK có giá 200.000-300.000 đồng cũng không phải là nhiều. Thế nhưng, đi kèm SGK, học sinh còn phải mua sách tham khảo, rồi vở bài tập; cho nên việc giá SGK tăng gấp ba lần như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều con đi học.

Cần có cơ chế tính lại giá

Theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá SGK do doanh nghiệp (các NXB) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Các NXB đã thực hiện kê khai giá SGK lớp Hai, lớp Sáu về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). 

Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị các NXB thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành SGK để giảm giá. Được biết, đã có ba lần các NXB kê khai lại giá SGK, điều chỉnh giá giảm từ 3,3-9% đối với sách lớp Hai và 2,4-9% đối với sách lớp Sáu.

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông - đề ra một chương trình nhiều SGK là muốn hướng tới mục tiêu xã hội hóa, cạnh tranh lành mạnh để học sinh được tiếp cận, sử dụng SGK có chất lượng tốt với giá thành phù hợp.

Về giá SGK tăng cao, các NXB lý giải, SGK lớp Hai và lớp Sáu mới có khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn đều cao hơn bộ sách cũ. Số sách trong bộ SGK mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn SGK cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14x24cm, sách mới 19x26,5cm)…

Và do thực hiện xã hội hóa nên các chi phí như bản thảo, nhuận bút lần đầu… đều không được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định nếu so sánh với sách hiện hành sẽ thấy nội dung và hình thức của SGK mới không có quá nhiều thay đổi. Và bản chất việc tăng giá các bộ SGK là do các NXB cạnh tranh nhau về thị trường phân phối. Từ lựa chọn sách đến phân phối đều phải qua nhiều trung gian, mỗi lần qua một trung gian thì giá SGK lại đội lên một chút. Tính đơn lẻ một bộ SGK chỉ đôi ba trăm ngàn đồng, nhưng tính cả triệu bộ SGK thì con số không hề nhỏ. 

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, giáo sư Phạm Tất Dong thẳng thắn nói: Chủ trương xã hội hóa SGK khuyến khích được nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục nhưng khung giá sách thì đang bị thả nổi dẫn đến những lo ngại về lợi ích nhóm, trong khi chất lượng và nội dung lại chưa tương xứng với mức giá tăng. SGK là mặt hàng đặc biệt và ảnh hưởng đến hàng chục triệu gia đình có con em đang đi học, vì vậy không nên tính giá SGK do các NXB đưa ra.

Trong khi, ở nhiều quốc gia, SGK là mặt hàng đặc biệt được nhà nước trợ giá; dù sách được trình bày dưới hình thức nào thì giá bán cũng rất rẻ, thậm chí nhà nước còn phát miễn phí cho người dân. 

Theo giáo sư Phạm Tất Dong, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính cần có cơ chế tính lại giá, không nên chạy theo những lý do mà các NXB đưa ra.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, nhà nước cần có những quy định cụ thể về cách tính giá mặt hàng này, trong đó chi phí phát hành sản phẩm không thể cao hơn 5-7% giá thành sản phẩm… Có như thế mới không tạo gánh nặng cho xã hội cũng như tránh được việc các NXB lợi dụng chính sách xã hội hoá SGK.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI