Tôi và con ở đâu trong sách giáo khoa mới?

26/03/2021 - 17:17

PNO - Sách giáo khoa là một trong những yếu tố đặt nền móng cho sự hiểu biết, nhân sinh quan… của một thế hệ. Và chúng ta cũng biết rằng, thế giới ngày nay đã thay đổi, sách giáo khoa xin đừng “bỏ quên” những đứa trẻ ngoài kiểu mẫu…

Trước tết, bạn gọi bảo: “Sách giáo khoa (SGK) mới không có chỗ cho con mình”. Sau tết, bạn gọi tiếp, hỏi đã xem bộ sách Chân trời sáng tạo lớp Hai chưa? Tôi bảo chưa, bạn nhắc lại: “Con mình không có chỗ trong bộ sách này và gia đình mình cũng không có chỗ trong bộ sách này”.

Vào trang web của nhà xuất bản đọc trọn bộ lớp Một, tập 1 và tập 2 Tiếng Việt lớp 2. Cuối cùng, tôi hiểu vì sao bạn bảo bộ sách không có chỗ cho con bạn và gia đình bạn.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Con trai bạn năm tuổi, chuẩn bị vào lớp Một, thích vẽ, chơi búp bê. Còn bạn là mẹ đơn thân đã chia tay chồng. Là mẹ, bạn dự cảm được con mình sẽ không tìm thấy sự đồng cảm trong những trang sách mà con sẽ học.

Ví dụ: trong sách Tiếng Việt lớp 2 (tập 1), trang 12 và 13, hình vẽ minh họa bé trai có quả bóng, bạn trai Lê Đình Anh là cầu thủ nhí. Thời khóa biểu của cậu bé này là sáng tham gia câu lạc bộ bóng đá, chiều chơi bóng đá và tối xem bóng đá.

Lần giở các môn khác của lớp Một, thì hình ảnh bé gái được gắn với búp bê, gấu bông; trừ hình ảnh trang 116 của sách Tự nhiên xã hội 1 có bé gái đá bóng. Rồi hình ảnh gia đình gồm cha, mẹ, con (một hoặc hai), có khi có thêm ông, bà… Tôi cố gắng tìm hình ảnh của bé trai với búp bê: không có!

Kể cả khi chỉ là vô tình giới hạn quyền được tham gia của trẻ bằng những hình ảnh rập khuôn như trên thì chúng ta đã gieo cho những đứa trẻ khác biệt cảm giác bị bỏ lại bởi không được chấp nhận, không được công nhận, không tìm thấy chỗ để lắp vừa cái khuôn ta vẽ ra. 

Đọc lại Thông tư 33-2017-TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Tiêu chuẩn, Quy trình biên soạn, Chỉnh sửa SGK, tại điều 4, khoản 2 quy định nội dung và hình thức SGK không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội. Điều 5, khoản 4 của thông tư này một lần nữa nhắc: Những nội dung về quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới… được thể hiện hợp lý. Nội dung SGK phải “phù hợp với thực tiễn”… 

Dù muốn hay không, những nhà biên soạn sách cần nhận thức thực tế rằng, khái niệm gia đình ngày nay đang thay đổi: gia đình gồm bố, mẹ và con; gia đình có ông bà và cháu; gia đình có hai bố, gia đình có hai mẹ; gia đình có bố mà không có mẹ; gia đình có mẹ và không có bố. “Mái ấm gia đình” không còn nhất thiết phải có ba thành tố: bố, mẹ và con.

Nhìn ra bên ngoài, thế giới đang dạy cho trẻ bốn tuổi về nhìn nhận sự thay đổi đối với khái niệm gia đình. Truyện ngắn Two Homes (tác giả Claire Masurel) mà nhiều trường quốc tế tại TP.HCM chọn dạy trong chủ đề Gia đình, có đoạn: “Đây là tôi. Tôi tên là Alex. Đây là bố. Và đây là mẹ. Bố sống ở đây, đôi lúc tôi sống với bố. Mẹ sống ở nơi khác, đôi lúc tôi sống với mẹ. Bởi thế, tôi có hai mái ấm. Tôi có rất nhiều bạn: bạn đến và chơi với tôi ở nhà bố; bạn đến và chơi với tôi ở nhà mẹ. Tôi có hai căn bếp: bố và tôi nấu ăn ở căn bếp này. Mẹ và tôi nấu ăn ở căn bếp kia… Tôi yêu mẹ. Tôi yêu bố. Cho dù tôi có ở đâu!”.

Họ khuyến khích trẻ biết hạnh phúc kể cả không bình thường, thay cho bất hạnh vì khác biệt. 

Dù muốn hay không thì kiểu mẫu về mái ấm gia đình, về hạnh phúc phải được nhìn nhận cởi mở hơn. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn tôn vinh những giá trị, mô hình gia đình truyền thống nhưng cũng không nên “bỏ quên” những đứa trẻ, gia đình khác biệt… Tôi, góp ý kiến này với tâm thế của một người mẹ. 

Nguyễn Hồ Thụy Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI