Gia đình bỏ công việc, thuê thêm người ngày đêm canh mộ thanh niên bị sét đánh

03/11/2016 - 12:06

PNO - Gần tháng nay, bà Sum và những người thân dựng chòi ở nghĩa trang, ngày đêm canh mồ mả cho cậu con trai bị sét đánh vì sợ trộm đào mộ chặt tay người chết.

Nỗi đau “trời kêu ai nấy dạ”

Đã gần một tháng trôi qua, khi người con trai bạc mệnh Lê Ngọc Hiền, 26 tuổi, bị sét đánh chết nhưng gia đình bà Lương Thị Sum, 64 tuổi, ở thôn 2, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Thương con, người mẹ có bao nhiêu nước mắt dường như đã khóc kiệt. Cơ thể gầy gò, ốm yếu của bà ngày một tiều tụy.

Không những vậy, bà và những thân nhân khác trong gia đình luôn canh cánh nỗi lo mộ phần anh Hiền bị những tên cướp đào trộm. Thế nên, người chết dù đã yên nghỉ nhưng người sống vẫn ngày đêm ăn ngủ không yên.

Gia dinh bo cong viec, thue them nguoi ngay dem canh mo thanh nien bi set danh
Bà Sum chia sẻ với PV

Nhắc về cái chết của con trai, bà Sum kể, ngày 13/10, anh Hiền lái xe kéo vào rẫy mì cách nhà chưa đầy 2km bóc hàng thuê cho chủ rẫy. Ngoài người tài xế còn hàng chục nhân công bốc vác, thu mì khác có mặt. Đến khoảng 13 giờ, trời đột ngột đổ mưa lớn, sấm chớp giật liên hồi. Nhân công thu mì cuống cuồng hò nhau chất hàng lên xe. Anh Hiền dù là tài xế không liên quan đến việc bốc xếp nhưng vì thương bà con vất vả tự mình leo lên thùng xe chỉ đạo. Lúc này, anh Hiền đứng ở ví trí cao nhất so với những người còn lại.

Trong thoáng chốc, mọi người nhìn thấy tia chớm xanh lè, khét lẹt từ trên cao quét thẳng xuống vị trí anh Hiền. Kèm theo đó tiếng sấm lớn gây rung động mạnh một vùng đất. Người tài xế từ thùng xe bị ném văng xuống. Không chỉ riêng anh Hiền tia lửa điện oan nghiệt ấy còn đánh trúng bà N.T.P, 43 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, Xuân Lộc, Đồng Nai, một công nhân thu mì đang trú mưa dưới gầm xe. Bà P. cùng bị hất văng khỏi vị trí ban đầu. Theo lời kể của các nhân chứng, lúc trú mưa bà P. đang cầm điện thoại gọi cho ai đó nên có thể bị điện trời hút. Ngay thời điểm đó, mọi người có mặt vô cùng sợ hãi, la hét thất thanh. Hơn 5 phút sau, họ mới trấn tỉnh trở lại và phát hiện anh Hiền và bà P đều đã tử vong. Phần nửa người của hai nạn nhân đều bị tia lửa điện thiêu cháy.

Lúc Hiền qua đời, người mẹ đang ở thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) chữa bệnh. Em trai anh Hiền là anh Lê Ngọc Hải, 23 tuổi, đau đớn chạy xe máy ra rẫy nhận tử thi của anh trai. Hay tin con “mất”, bà Sum chân thấp chân cao chạy bắt xe về nhà nhưng không kịp nhìn mặt con lần cuối, vì theo quan niệm dân gian tử thi bị sét đánh chết không để trong nhà lâu phải tổ chức chôn cất ngay. Chiều cùng ngày, thi thể anh Hiền đã được chôn cất chu toàn.

Cùng thời điểm, bà Sum, chợt nghe thông tin, mộ phần của bà P. ở xã Xuân Hưng bị kẻ gian đột nhập đào lên thấy "thiếu" mất cánh tay. Bà Sum nói: “Tôi nghe đồn, gia đình chị P. khá giả nên xây mộ bằng bê tông, đá ghép hết sức kiên cố vậy mà chúng còn đào lên được. Gia đình tôi lo lắng lũ trộm cướp bất nhân đó sẽ tìm đến mộ thằng Hiền đào bới. Ngoài nỗi đau mất con, cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa vì lo sợ thi thể Hiền cũng bị cướp mất”.

Ăn dầm ở dề canh mộ cho con

Lời đồn về ngôi mộ người phụ nữ làm thuê xấu sổ ở xã Xuân Hưng bị đào lên lan truyền với tốc độ chống mặt. Dù chính quyền xã Xuân Hưng và ban quản lý nghĩa trang. Họ khẳng định đó chỉ là tin đồn vô căn cứ. Tuy nhiên, bà Sum một mực quả quyết duy trì việc canh giữ mộ con trai đủ 100 ngày mới thôi.

Người mẹ nửa tin nửa ngờ cho hay, trong dân gian đồn đại câu chuyện những kẻ hành nghề trộm cắp muốn phát tài, trộm đâu thắng đó chỉ cần đào trộm mộ người chết vì sét đánh, lấy một bàn tay đem về làm “bùa hộ mệnh”. Có được bàn tay “thần thánh” đó kẻ trộm cứ ung dung đi khuân đồ nhà người khác mà không sợ bị bắt.

Bà Sum lo ngại bày tỏ: “Gia đình tôi không tin chuyện cánh tay người bị sét đánh giúp lũ trộm tàng hình nhưng chẳng thể bỏ mặc mộ con trai. Bằng mọi giá mẹ con tôi và những anh chị em khác phải bảo vệ mộ Hiền tốt nhất”.

Người mẹ tội nghiệp lý giải thêm, khi anh Hiền qua đời, gia đình được tư vấn nên mai tháng thi thể trong vườn nhà để thuận tiện cho việc bảo vệ. Nhưng nhà bà Sum quá nghèo, ngoài mảnh đất nhỏ vừa đủ cất ngôi nhà tạm bợ để bà và hai người em gái khác che nắng che mưa không còn bất cứ vị trí nào khác. Gia đình buộc phải để anh Hiền yên nghỉ ở nghĩa trang. Từ ngày anh Hiền nằm xuống bà Sum và mọi người phải thay nhau túc trực 24/24 để bảo vệ.

Gia dinh bo cong viec, thue them nguoi ngay dem canh mo thanh nien bi set danh
Ông Việt đã nhiều ngày tham gia trông giữ mộ cho cháu

Ông Nguyễn Quốc Việt, 50 tuổi, cậu họ của nạn nhân, người tham gia canh giữ phần mộ cháu trai cho biết: “Tối hôm mai táng Hiền, chúng tôi đã phát hiện nhiều kẻ khả nghi lảng vãng vào khu mộ nên luôn đề cao cảnh giác”. Theo lời kể, 16 giờ ngày 13/10 quan tài anh Hiền được hạ xuống, xây cất cẩn thận. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, quanh khu nghĩa trang trời tối đen. Lúc này, ông Việt và anh Hải nép ở góc khuất gần đó quan sát. Họ phát hiện thanh niên vẻ ngoài ngổ ngáo, chạy xe máy tiến sát đến ngôi mộ quan sát. Khi nghe động tĩnh gã thanh niên rồ ga bỏ chạy. Đêm muộn, hắn cùng 3 đồng bọn khác quay trở lại nhưng biết có người canh giữ lớn tiếng văng tục rồi bỏ đi. Ông Việt nói: “Tôi không dám chắc 100%, nhưng bằng linh cảm, tôi biết đám thanh niên kia mò đến nhằm đào mộ cháu tôi. Bọn chúng vẫn còn giữ ý định đó”.

Để bảo vệ mộ phần anh trai không bị kẻ xấu xâm hại, Hải bỏ cả công việc cùng mẹ và họ hàng thay phiên nhau ngày đêm canh giữ. Những khi phải đi làm, anh Hải tự bỏ tiền túi thuê người khác canh giữ mộ. Giá tiền công canh giữ cả ngày lẫn đêm là 150 ngàn đống, chiếm hơn 2/3 tiền lương anh nhận được.

Bà Sum tâm sự: “Người được Hải thuê canh mộ đều là anh em thân thiết mới chịu nhận mức giá đó, chứ việc làm này tốn nhiều thời gian, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Nhiều người hiểu hoàn cảnh éo le gia đình gặp phải nên có khi canh giữ suốt 5 ngày họ chỉ nhận 3 ngày tiền công.

Với gia đình bình thường việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để canh giữ phần mộ một người đã chết trong 100 ngày đã là điều khó khăn. Hoàn cảnh của mẹ con bà Sum câu chuyện càng bi đát hơn gấp bội.

Nhà bà Sum rất nghèo. Chồng “mất” sớm, một mình bà Sum lam lũ nuôi 3 con nên người. Không lâu sau, cô con gái lớn trong nhà cũng gặp bạo bệnh qua đời. Nhà thiếu ăn, thiếu mặc, anh Hiền và em trai học chưa hết cấp một phải bỏ dở giữa chừng theo mẹ làm thuê làm mướn mưu sinh. Bà Sum sức khỏe yếu, bệnh tình triền miên, số tiền 3 mẹ con kiếm được chẳng đủ lo thuốc men. Giờ đây, mới 64 tuổi, nhưng bà Sum đi lại khó khăn, gần như mất khả năng lao động.

Hơn 3 năm trước, anh Hiền lấy vợ. Chị là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn thua kém nhà chồng. Anh Hiền theo vợ về sinh sống trên địa bàn thôn 3, xã Tân Đức. Để có tiền trang trải cuộc sống, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau đi phụ hồ, bóc vác khắp nơi. Nhờ sáng dạ, sau này anh Hiền học được nghề lái xe kéo vận chuyển nông sản cho bà con. Thời gian đầu, anh Hải theo anh trai phụ việc và cũng được chủ xe tin tưởng giao chạy riêng. Anh Hải lập gia đình theo về nhà vợ. Trong nhà chỉ còn lại mình bà Sum. Để có người lo cơm nước, đỡ đần khi đau ốm bà Sum nhờ hai người chị gái nghèo nàn đến ở cùng.

Bà Sum nghẹn ngào: “Hiền mất đi, tôi chẳng mong thân già này đủ ăn ngày ba bữa. Chỉ cầu xin trời phật phù hộ cho vợ con nó vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Con dâu tôi ít học chỉ biết đi làm thuê làm mướn qua ngày. Giờ phải một mình nuôi con nhỏ nên hoàn cảnh càng bi đát”. Bà Sum hy vọng khi biết về số phận éo le vợ con anh Hiền gặp phải sẽ có người thương tình giúp đỡ. Bà sợ, đứa cháu nội sau này lớn lên lại mù chữ, tiếp tục đi vào vết xe đổ của cha cháu.

Huy Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI