Gậy ông đập lưng ông - Bài cuối: Nô lệ của ma túy

31/03/2013 - 07:34

PNO - PN - Họ từng là quan chức cao cấp phòng chống ma túy lừng danh một thời nhưng ma lực của đồng tiền quá mạnh đã biến họ thành tội phạm ma túy và phải trả giá đắt.

Lừa cả tòa đại sứ Mỹ

Ngày 15/2/2013, tòa phúc thẩm tỉnh Banteay Meanchey đã xử y án chung thân đối với Moek Dara, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bài trừ ma túy (MT) quốc gia (NACD) Campuchia, và đồng phạm là Chea Leng, nguyên Trưởng phòng Bài trừ MT Bộ Nội vụ.

Năm ngoái, tòa sơ thẩm cấp tỉnh đã tuyên án chung thân hai nhân vật nói trên, sau khi xét thấy cả hai phạm 25 trong số 35 tội danh về tham nhũng và buôn lậu MT. Bị cáo thứ ba Morn Doeung, cựu nhân viên NACD, đang bị truy nã, bị xử vắng mặt 25 năm tù giam.

Chủ tịch Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm Chay Chan­daravan cho biết, do bị cáo Moek Dara và Chea Leng vẫn khăng khăng cho rằng mình vô tội và không hợp tác với tòa, nên buộc phải xử y án sơ thẩm. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Moek Dara và Chea Leng từ chối trả lời báo chí. Luật sư của họ, ông May Vannady, cho biết sẽ không kháng án lên tòa án tối cao.

Gay ong dap lung ong - Bai cuoi: No le cua ma tuy

Moek Dara khi hầu tòa (ảnh: internet)

Lúc bị bắt hồi tháng Giêng năm 2011 cùng với Chea Leng về tội cầm đầu một nhóm quan chức thoái hóa liên quan đến tham nhũng và buôn lậu MT, Moek Dara đường đường là thủ trưởng NACD. Ông ta còn là “nguồn thông tin đáng tin cậy” của các quan chức tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Phnom Penh và một số tổ chức quốc tế.

Theo một công hàm ngoại giao mật năm 2006 của đại sứ quán Mỹ tại Campuchia gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ bị rò rỉ trên mạng WikiLeaks, Moek và một quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giấu tên thường xuyên cung cấp thông tin Chính phủ Campuchia chống nạn buôn lậu MT như thế nào. Theo đó, Moek cho biết, số vụ bắt được MT và “hàng đá” đã tăng lên đáng kể vài năm gần đây, nhờ Cục Bài trừ MT Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ đã huấn luyện và hỗ trợ tốt cho các quan chức Campuchia. Moek là một trong số ít quan chức cao cấp của chính quyền chịu tiếp xúc với tòa đại sứ Mỹ.

Nhiều người tin rằng Moek đã đi một nước cờ cao, tích cực hợp tác với Mỹ để che giấu những hành vi đen tối của mình. Những năm tháng làm chức sắc cao cấp trong đảng cầm quyền và làm việc ở Bộ Nội vụ đã giúp Moek tích lũy nhiều “kinh nghiệm chính trường” trước khi phụ trách cơ quan NACD đầy quyền lực.

Trong phiên xử đầu tiên năm 2011 tại tòa sơ thẩm tỉnh Banteay Meanchey, hàng trăm nhân chứng đã khai nhiều chi tiết cho thấy “bộ ba” Moek Dara, Chea Leng và Morn Doeung dính líu đến một mạng lưới tội phạm có tổ chức phức tạp.

Họ thường xuyên nhận tiền hối lộ của những kẻ buôn lậu MT bị bắt để sửa đổi cáo trạng có lợi cho tội phạm. Đơn cử, tội phạm Hak Eang, quê ở Chrui Changva, quận Russey Keo, thành phố Phnom Penh, năm 2007 khai từng đút lót cho Moek 30.000 USD để được giảm án. Bằng cách này, Moek đã nhận tổng cộng hơn 300.000 USD, Chea được lợi hơn 21.000 USD và Morn “bỏ túi” hơn 35.000 USD. Chưa hết, theo nhật báo The Phnom Penh Post, cả ba còn tổ chức ăn cắp heroin và MT tổng hợp trong kho tang vật, tuồn ra chợ đen để kiếm tiền.

Với những tội danh như trên, tòa sơ thẩm tuyên phạt Moek Dara án tù chung thân, trả lại hơn 300.000 USD và tịch thu toàn bộ gia sản bao gồm nhiều lô đất và nhà cửa đắt giá. Chea Leng cũng lãnh án chung thân và trả lại 21.000 USD, gia sản bị tịch thu. Riêng Morn Doeung hiện đang “cao chạy xa bay”.

Một viên đạn bắn hai con chim

So với trường hợp của Moek Dara, vụ án tướng cảnh sát về hưu Bolivia Rene Sanabria - Oropeza can tội bảo kê buôn lậu MT phức tạp hơn nhiều. Phía sau vụ án này là một cuộc chiến về chính trị giữa Bolivia và Mỹ do ông Evo Morales, thổ dân đầu tiên được bầu làm Tổng thống Bolivia, là người quyết liệt chống ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Nam Mỹ tiến hành.

Tướng Sanabria - Oropeza từng đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phản gián Bộ Nội vụ Bolivia, chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm chống buôn lậu MT (2007 - 2008) và Chánh án Tòa án tối cao cảnh sát (2009). Việc ông tướng này bị nhân viên DEA (Cơ quan bài trừ MT Mỹ) gài bẫy bắt quả tang đã được chính quyền Mỹ tận dụng để làm “mất mặt” chính phủ thiên tả của Tổng thống Morales.

Gay ong dap lung ong - Bai cuoi: No le cua ma tuy

Tướng Sanabria - Oropeza khi nắm quyền sinh sát trong tay (ảnh: internet)

Lúc bị bắt vào sáng ngày 24/3/2011 tại sân bay quốc tế Tocumen, thủ đô Panama City theo yêu cầu của DEA, ông Sanabria - Oropeza được cho là cố vấn tình báo của Bộ Nội vụ Bolivia, đang thực hiện nhiệm vụ bảo kê và giám sát một phi vụ buôn lậu 144kg cocaine bằng tàu từ Bolivia đến cảng Miami (Mỹ). Cùng đi với ông có doanh nhân Foronda - Azero. Ngay sau đó, cả hai bị dẫn độ về Mỹ để xét xử.

Theo bản cáo trạng của Tòa án liên bang Mỹ ở Miami ngày 23/9/2011, DEA đã bắt đầu điều tra tướng Sanabria từ mùa hè năm 2010 khi Foronda - Azero và Sanchez - Pantora, cựu đại tá cảnh sát Phòng Bài trừ MT Bolivia, tiếp xúc với đặc vụ DEA đóng vai con buôn MT Colombia chuyên phân phối cocaine ở Miami (bang Florida, Mỹ), với đề nghị bán lượng hàng cocaine lớn. Trong quá trình thương lượng (đã bị ghi âm lén), cặp đôi Foronda - Azero và Sanchez - Pantora đồng ý bán 100kg cocaine với giá 14.000 USD/kg. Đồng thời Foronda - Azero muốn gửi kèm thêm 44kg cocaine nhờ bán giùm ở Mỹ. Tay doanh nhân này còn bảo đảm chuyến hàng sẽ được cảnh sát Bolivia “bảo kê”. Tiền được chuyển vào một tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông. Số tài khoản do Sanchez - Pantora cung cấp.

Ngày 21/8/2010, có thêm một cuộc gặp giữa nhân viên DEA giả dạng đại diện một tổ chức buôn MT Colombia. Lần này, nhân viên DEA chứng kiến sự có mặt của tướng Sanabria - Oropeza. Vẫn theo bản cáo trạng, Sanabria - Oropeza hứa bảo đảm an toàn cho các chuyến hàng chở bằng tàu hoặc máy bay thương mại ra khỏi biên giới Bolivia với giá 2.500 USD/kg. Cuối buổi gặp, Sanabria - Oropeza và Sanchez - Pantora nhận 50.000 USD từ tay đặc vụ DEA. Toàn bộ cuộc gặp bị quay phim và thu âm lén, dùng làm chứng cứ.

Cuối tháng 9/2010, Foronda - Azero và Sanchez - Pantora gửi 144kg cocaine giấu trong container chứa thỏi kẽm chở bằng tàu hàng, quá cảnh cảng Arica của Chile trước khi chuyển qua tàu hàng khác để đến Miami. Ngày 29/11, DEA bí mật thu giữ container chứa 144kg cocaine. Trong khi đó, Sanabria - Oropeza và Foronda - Azero đồng ý đến Cộng hòa Dominica gặp đặc vụ DEA giả dạng dân buôn lậu MT Colombia để thảo luận một phi vụ tiếp theo.

Trong lúc quá cảnh tại Panama City ngày 24/2/2011, cả hai bị cảnh sát Panama bắt giữ và giao nộp cho phía Mỹ. Vụ án được đem ra xét xử tại Miami và kết thúc ngày 22/9 với bản án 14 năm tù giam đối với Sanabria - Oropeza và chín năm tù giam đối với doanh nhân Foronda - Azero. Cả hai đều nhận tội và không kháng án.

Chính quyền Mỹ nhân vụ án này đã tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của bộ máy cảnh sát Bolivia trong công tác chống buôn lậu MT. Phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn lập tức đòi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sacha Llorenti từ chức.

Phản ứng của Bolivia cũng mạnh mẽ không kém. Ông Llorenti cho biết, kể từ khi Bolivia trục xuất đại diện DEA ở nước này (năm 2008) vì hoạt động do thám, Mỹ không ngừng vu cáo bộ máy công quyền Bolivia đã bị các tập đoàn buôn lậu MT mua chuộc, trong khi chính phủ Bolivia trừng phạt rất nghiêm khắc sĩ quan cảnh sát thoái hóa.

Bằng chứng là sau scandal Sanabria-Oropeza, năm sĩ quan cảnh sát Bolivia đã bị bắt vì liên quan đến MT và tham nhũng. Khi ông Morales đắc cử tổng thống năm 2005, Bolivia vẫn là nước sản xuất cocaine đứng hàng thứ ba thế giới sau Colombia và Peru. Thực tế này cho thấy, không thể ngày một ngày hai mà ông Morales có thể giải quyết tận gốc tệ nạn này.

VĂN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI