“Em ơi em, mùa xuân đã về trên cành lá…”

04/02/2024 - 07:16

PNO - Đi qua 2 cuộc chiến tranh, âm nhạc Việt Nam cho ra đời những tác phẩm “đi cùng năm tháng”. Những bản nhạc không chỉ đẹp về ngôn từ, giai điệu mà còn mang trong mình những tin yêu cao quý vô ngần - là cái đẹp thiết tha, dâng trào của những tình yêu đôi lứa hòa lẫn vào tình yêu lớn của quê hương, xứ sở.

Những nét đẹp mang tâm tư của một thế hệ nhưng còn mãi với thời gian, trở thành những bản tình ca bất hủ trong lòng người nghe nhạc. Một trong số đó là Tình ca mùa xuân của nhạc sĩ Trần Hoàn - một ca khúc vừa mang tâm thế chung như phần đông bản nhạc thời ấy vừa mang nét riêng “rất trữ tình”, “rất Trần Hoàn” (như nhận xét của nhà thơ Huy Cận); một khúc hát mà biết bao thế hệ người Việt vẫn còn ngân nga mỗi dịp tết đến xuân về.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn thời trẻ
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn thời trẻ

Mối tình vượt đạn bom

Ca khúc Tình ca mùa xuân được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Loan vào năm 1978. Ca khúc được nhạc sĩ viết cho người vợ son sắt trong đời ông - bà Thanh Hồng. Câu chuyện tình yêu cao đẹp của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn - Thanh Hồng từ lâu đã trở thành giai thoại và là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ khán giả yêu văn nghệ.

Mùa hè năm 1949, chàng trai trẻ Trần Hoàn (tên thật là Nguyễn Tăng Hích), 21 tuổi, tình cờ gặp một người con gái tên Thanh Hồng, năm ấy mới 20 tuổi, tại Nghệ An. Chàng nhạc sĩ trẻ gần như gặp “tiếng sét ái tình” với cô gái răng khểnh duyên dáng, xinh đẹp. Chưa đầy 2 năm, họ tiến tới hôn nhân trong sự vun vén của gia đình 2 bên. 

Năm tháng chiến tranh, Trần Hoàn phải chuyển ra Bắc công tác, nên cuộc sống của đôi vợ chồng như ông Ngâu bà Ngâu. Nhớ thương vợ vừa chưa kịp qua tuần trăng mật đã chịu cảnh vò võ đợi chờ, ông viết Lời người ra đi năm 1950. Sau đó, ca khúc này nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.  

Những năm chống Pháp, rồi chống Mỹ, đằng đẵng 15 năm, số lần họ gặp nhau vô cùng ít ỏi, mỗi lần gặp là họ phải vượt qua hơn 400km bằng xe đạp, đường sá vô cùng hiểm trở. Tình yêu chủ yếu chỉ nhắn gửi được qua những lá thư cả tháng mới đến được tay người nhận. Trong 1 bức thư vào mùng Một tết mùa xuân năm 1970, bà Thanh Hồng đã nhắn gửi cho chồng: “Anh thân yêu! Đã bao tết mẹ con em vắng anh. Tết đến bao nỗi niềm mong nhớ. Chắc anh cũng không khác, anh nhỉ? Em còn có niềm vui là các con. Anh chỉ có bếp lửa rừng…”.

Đằng đẵng những tháng ngày ly biệt, mãi đến hơn 15 năm sau, tới năm 1975, vợ chồng họ mới thực sự được đoàn viên. 

Ca khúc Tình ca mùa xuân- ca  sĩ  Bảo  Yến:

 

Ca khúc Tình ca mùa xuân được nhạc sĩ Trần Hoàn viết vào quãng thời gian vợ chồng ông vừa được sum họp. Niềm hân hoan của cặp đôi trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới hòa lẫn với những suy tư khi đất nước còn muôn vàn gian khó. Tất cả tạo nên một bản tình ca thiết tha mà đậm đà, lay động lòng người. Đó là giai điệu của tâm hồn con người đang vươn lên mạnh mẽ trong một mối tình lớn đối với nhân dân và đất nước.

Sau này, khi nói về vợ mình, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn xúc động mà trân trọng: “Chúng tôi xa cách nhau đến hơn 15 năm mà vẫn sắt son chờ nhau, vẫn giữ được lòng chung thủy... Mối tình của chúng tôi rất đẹp và tôi thấy may mắn vì gặp được một phụ nữ tuyệt vời”. Về sau, nhạc sĩ Trần Hoàn còn có thêm Vỗ bến lam chiều, Hoàng hôn đêm trăng, Đợi anh về, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến…  viết cho vợ, cũng đều là những ca khúc xuất sắc trong âm nhạc Việt Nam.

Từ những ngày tháng chiến tranh gian khó, vất vả cho đến những ngày tháng hòa bình, đầm ấm, sum họp và cả khi ông đã đi vào cõi miên viễn, chưa giây phút nào tình yêu giữa họ nhạt phai. 

Tình ca mùa xuân là câu chuyện lứa đôi của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn nhưng qua tháng năm đã trở thành bản tình ca của một thế hệ thanh niên “thương nhau dù cách trở, giữ trọn lời tin nhau”. Nhất là vào thời điểm ca khúc ra đời, cuối những năm 1970, biên giới phía Bắc và Tây Nam vẫn còn rất căng thẳng, thì những lời ca của Tình ca mùa xuân đã trở thành “bản nhạc bỏ túi” của lớp thanh niên ngày ấy, luôn vang lên trong những buổi đưa tiễn bộ đội lên đường nhập ngũ. 

Không ít cô gái đã mượn lời bài hát để gửi tấm lòng mình đến người trai ra tiền tuyến. Cái thiết tha, bình dị nhưng đau đáu tin yêu của Tình ca mùa xuân như tiếng lòng của những cô gái chàng trai, vừa kiên định vừa dịu dàng, tình tứ mà vẫn nghe sao “ngọt quá, như trời xanh xanh thẳm…”. Cho đến nay, trải qua 45 mùa xuân, bài ca ấy vẫn xao xuyến trong tim rất nhiều thế hệ nghe nhạc. 

Nhạc sĩ Trần Hoàn
Nhạc sĩ Trần Hoàn

Một mùa xuân “của Trần Hoàn”

Không phải tự nhiên mà người nghe nhạc qua nhiều thế hệ gọi Trần Hoàn là “nhạc sĩ của mùa xuân”. Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam hơn 30 ca khúc về mùa xuân hoặc mang âm hưởng của mùa xuân, nổi tiếng nhất phải kể đến Một mùa xuân nho nhỏ, Hát về mùa xuân, Nắng xuân, Tiếng gọi mùa xuân, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến… 

Tuy nhiên, dấu ấn mùa xuân không chỉ nằm ở sự thay đổi của thời gian, sự vận động của đất trời mà là một tinh thần “xuân” rất trong trẻo và lạc quan, tươi sáng ở hầu như tất cả ca khúc ông chắp cánh. Dù ngày ra đi hay ngày gặp lại, giữa bối cảnh chiến tranh ác liệt hay hòa bình trở lại, những mùa xuân trong âm nhạc Trần Hoàn luôn ngập tràn cảm xúc thiết tha, chan chứa tin yêu. Đặc biệt hơn cả là chất “lãng mạn trữ tình” rất tự nhiên, sâu lắng, mượt mà trong suốt sự nghiệp của Trần Hoàn, cho dù ông đang giữ cương vị và nhiệm vụ chính trị nào.

Bà Thanh Hồng từng nói về những bản nhạc xuân của chồng: “Anh Hoàn mê viết nhạc, say mùa xuân. Mùa xuân luôn tạo cho anh ấy những cảm xúc mới mẻ, thăng hoa, đầy sáng tạo…”.

Với Tình ca mùa xuân, dù không gian là ở miền Bắc nhưng cái khoan thai dìu dặt, thong thả sâu sắc vẫn giữ được nét gì “rất Huế”, “rất Trần Hoàn” - cái lãng mạn đặc trưng không có nhiều ở dòng nhạc cách mạng. Và nét đặc trưng thứ hai là tính chân phương, giản dị, rất tự nhiên. Dù đi đâu, qua vùng đất nào, làm việc ở vị trí nào, ông vẫn giữ được một hồn nhạc rất đậm tình quê, giàu chất liệu dân gian. Trong Tình ca mùa xuân, những củ khoai, củ sắn, những nhà máy, những đồng lúa quyện vào nhạc một cách rất giản dị và đầy cảm xúc. Thế nên ca khúc không chỉ nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước trong những năm tháng chiến tranh, mà cho đến tận bây giờ, nó vẫn được các ca sĩ liên tục làm mới hoặc được trình diễn ở những chương trình lớn. 

Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Hoàn luôn tận tâm với cả 2 vai trò: nghệ sĩ - chiến sĩ. Mỗi sáng tác của ông đều mang những nỗi niềm đau đáu với cuộc đời, với âm nhạc, với quê hương đất nước. 70 năm sáng tác, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn giữ vững những giá trị thuộc về chân - thiện - mỹ; vẫn là 1 nghệ sĩ khát khao dùng văn hóa nghệ thuật tô điểm cho đời, để mùa xuân mãi ở lại trong tâm hồn mỗi người: “Đối với âm nhạc, ta phải nắn lại bằng các tác phẩm âm nhạc và với các tác phẩm văn nghệ nói chung thì một là phải đúng; hai là, đúng chưa đủ mà còn phải đẹp vì văn học nghệ thuật cần phải đẹp...”.

Cái đẹp ông mang theo là cái đẹp của sự cao thượng và nhân ái, giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp, những mùa xuân tươi sáng; là những giá trị mà ở bất cứ thời đại nào vẫn mang những ý nghĩa bất biến ngay cả khi thời đại đã đổi thay, nhiều giá trị cũ đã không còn, như “Mùa xuân rồi qua đi” thì “Tình ta càng sâu thêm, như những tháng năm nào…”. 

Lan Anh.  Nguồn ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI